Các công trình hạ tầng trọng điểm đua nhau về đích

Nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh đang thi công khẩn trương, băng băng về đích vào cuối năm 2024. Xung lực dần hình thành, phát triển kinh tế - xã hội Vùng kinh tế trọng điểm phía nam…
Các đơn vị triển khai thi công đường băng sân bay Long Thành. Ảnh: TTXVN
Các đơn vị triển khai thi công đường băng sân bay Long Thành. Ảnh: TTXVN

Chạy nước rút…

Ngày 10/8 vừa qua, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố Hồ Chí Minh (Ban Giao thông) đã tổ chức thông xe hầm chui tại nút giao Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn (quận Tân Bình). Đây là gói thầu số 9, cũng là gói thầu quan trọng nhất của tuyến đường xuyên qua khu đất sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất trong dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa. Công trình có tổng giá trị 200 tỷ đồng, điểm đầu nằm tại giao lộ Phan Thúc Duyện - Phan Đình Giót và kết thúc tại điểm giao với đường Thăng Long.

Các đơn vị thi công nhưng gói thầu còn lại của dự án tiếp tục phát động đợt thi đua 130 ngày đêm đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành thông xe toàn bộ dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa vào ngày 31/12/2024, sẵn sàng phục vụ Nhà ga hành khách T3 Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất khi đưa vào khai thác.

Trong khi đó, nhóm dự án giảm tải cho cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất còn có dự án xây dựng cầu Tân Kỳ Tân Quý (quận Bình Tân) dự kiến hoàn thành ngày 31/12. Tái khởi công cuối tháng 6 sau 5 năm “phơi nắng phơi sương”, công trường cầu Tân Kỳ Tân Quý đang làm việc với không khí hối hả từ sáng tới tối để chạy đua tiến độ. Sau khi hoàn thành, cầu Tân Kỳ Tân Quý cùng với đường Tân Kỳ Tân Quý đang được nâng cấp mở rộng (dự kiến hoàn thành vào tháng 10/2024) sẽ hình thành trục giao thông kết nối thông suốt từ quốc lộ 1A đến trung tâm thành phố và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Đây là một trong những dự án được kỳ vọng nhiều nhất, nằm trong nhóm 10 dự án trọng điểm giảm ùn tắc khu vực cửa ngõ sân bay.

Gần đó, dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám với tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng cũng đã thi công di dời hạ tầng kỹ thuật sau khi hoàn tất di dời cây xanh. Đoạn đường từ cổng doanh trại quân đội (giáp sân bay) đến đường Cộng Hòa dài gần 800 m sẽ được mở rộng từ 8 - 10 m lên 22 m. Hiện nay, quận Tân Bình đang tích cực vận động người dân sớm bàn giao nốt mặt bằng cho chủ đầu tư, sau đó nhà thầu sẽ triển khai nhiều mũi thi công để đẩy nhanh tiến độ dự án, hoàn thành cùng với các dự án khác vào cuối năm nay.

Thường xuyên di chuyển qua cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, anh Tạ Văn Hòa, lái xe tải chở hàng đông lạnh cho biết, chọn đi cao tốc nhằm để rút ngắn thời gian nhưng không ít lần phải mất đến 30 - 45 phút mới qua được đoạn đường Mai Chí Thọ - đầu cao tốc. Chưa dừng lại ở đó, khi lên cao tốc lại ùn tiếp, có khi mất đến 3 giờ đồng hồ mới có thể rẽ vào quốc lộ 51. “Do đó, cánh tài xế rất mong chờ và vui mừng khi biết sắp tới một loạt dự án thành phần nút giao An Phú hoàn thành, góp phần giải tỏa tình trạng ách tắc giao thông tại đây”, anh Hòa nói.

Hoàn thiện mạng lưới hạ tầng

Nhìn nhận về bức tranh giao thông trong năm 2024, Giám đốc Ban Giao thông Lương Minh Phúc cho biết, cùng với nỗ lực bảo đảm tiến độ đường Vành đai 3, đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài… thì nhiều dự án đang thi công khác sẽ được đưa về đích như kế hoạch đề ra. Qua đó góp phần kết nối giao thương, phát triển kinh tế - xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh miền tây, Đông Nam Bộ.

Chủ đầu tư cam kết hoàn thành một số hạng mục của gói thầu xây lắp 1 (XL1) để bảo đảm khai thác đồng bộ, hiệu quả kết nối cầu Nhơn Trạch (thuộc dự án thành phần 1A) với tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây vào 30/4/2025. Thông xe kỹ thuật phần đường cao tốc toàn tuyến vào cuối tháng 1/2026; thông xe chính thức phần đường cao tốc toàn tuyến vào ngày 30/4/2026. Hoàn thành toàn bộ dự án vào ngày 30/6/2026.

Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, cầu Nhơn Trạch thuộc dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch đang thi công vượt tiến độ và sẽ hợp long nhịp đầu tiên vào tháng 9/2024. Dự án thành phần 1A dài 8,2 km có hai gói thầu xây lắp, gồm gói CW1 (cầu Nhơn Trạch) và gói CW2 - đường dẫn hai đầu cầu. Đáng chú ý, gói thầu CW1 cầu Nhơn Trạch do Công ty Kumho E&C (Hàn Quốc) thực hiện đạt tiến độ hơn 80%. Nhà thầu quyết tâm hoàn thiện gói thầu vào dịp 30/4/2025, tức sớm hơn 4 tháng so với hợp đồng đã ký kết.

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận Trần Văn Thi cho hay, dù dự án gặp một số khó khăn như khan hiếm vật liệu, vướng mặt bằng tại một số vị trí, nhưng các nhà thầu vẫn thi công hoàn thành đạt và vượt tiến độ yêu cầu.

Còn theo Sở GTVT Thành phố Hồ Chí Minh, dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, kết nối giữa Thành phố Hồ Chí Minh với tỉnh Tây Ninh và cũng là trục kết nối với đường cao tốc phía Campuchia, hình thành trục Xuyên Á trong tương lai, hiện chủ đầu tư đang chuẩn bị kế hoạch, tiến độ chi tiết với mục tiêu khởi công phần hạ tầng kỹ thuật vào 30/4/2025.

Phó giám đốc Sở GTVT Thành phố Hồ Chí Minh Phan Công Bằng cho hay, các công tác cho dự án BOT sẽ triển khai đồng bộ với bồi thường giải phóng mặt bằng của các dự án thành phần về đầu tư công. Các dự án này dự kiến lần lượt khởi công trong tháng 4 và tháng 6/2025, hoàn thành toàn bộ công trình, thông xe vào 31/12/2027.

Một điểm thuận lợi là đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài được áp dụng những cơ chế đặc thù tương tự như dự án Vành đai 3 trong giải phóng mặt bằng. Đó là giải phóng mặt bằng được tách ra thành một dự án độc lập, phê duyệt ranh từ khi có chủ trương đầu tư đến khi duyệt dự án khả thi, qua đó tiết kiệm được 6 - 8 tháng.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư (PPP) hợp đồng BOT đầu tháng 8/2024, với tổng mức đầu tư gần 19.620 tỷ đồng, trong đó vốn nhà đầu tư gần 9.950 tỷ đồng, phần còn lại là vốn nhà nước.

Tuyến cao tốc có tổng chiều dài khoảng 51 km, đoạn qua Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 25 km và qua tỉnh Tây Ninh hơn 26 km. Cao tốc này có vận tốc thiết kế 120 km/giờ, phân kỳ đầu tư quy mô mặt cắt ngang 4 làn xe. Dự án xây dựng các công trình trên tuyến, hệ thống giao thông thông minh, hệ thống thu phí… bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.

Tại TP Thủ Đức, Phó Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức Mai Hữu Quyết cho biết, TP Thủ Đức cũng đang triển khai hàng loạt dự án trọng điểm như đường Vành đai 2, Vành đai 3, cầu Thủ Thiêm 4, đường liên cảng Cát Lái Phú Hữu, nút giao Mỹ Thủy, nút giao An Phú,... Để các công trình trọng điểm hoàn thành đúng kế hoạch đề ra, TP Thủ Đức quyết tâm thực hiện giải phóng mặt bằng c+ho hàng loạt dự án trọng điểm, thay đổi diện mạo đô thị cho TP Thủ Đức.