KỶ NIỆM 79 NĂM QUỐC KHÁNH 2/9 VÀ 55 NĂM THỰC HIỆN DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Di chúc - sự kết tinh tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về trọng dân, thân dân, vì dân

Suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tôn trọng nhân dân, gắn bó với nhân dân và quan tâm đặc biệt đến đời sống của nhân dân, tận tâm, tận lực, tận hiến vì độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Trọng dân, thân dân, vì dân là một đặc điểm nổi bật trong tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.
Thế hệ trẻ tìm hiểu về Di chúc của Bác đang được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ảnh: LÊ MINH
Thế hệ trẻ tìm hiểu về Di chúc của Bác đang được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ảnh: LÊ MINH

Là văn kiện thể hiện những giá trị cao đẹp, trong sáng và mẫu mực suốt cuộc đời, sự nghiệp cách mạng phong phú và gian lao, cao đẹp và trong sáng của Hồ Chí Minh, Di chúc là sự kết tinh sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người về trọng dân, thân dân, vì dân. Điều này được thể hiện ở những điểm chủ yếu sau:

Thứ nhất là tình thương yêu vô bờ bến đối với nhân dân

Hồ Chí Minh mở đầu bản Di chúc lịch sử với những lời tâm sự chân thành: dù “Tinh thần vẫn sáng suốt, thân thể vẫn mạnh khỏe”, nhưng Người “đã là lớp người xưa nay hiếm” và Người để lại mấy lời phòng khi đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, “thì đồng bào cả nước và đồng chí trong Đảng khỏi cảm thấy đột ngột”(1). Kết thúc bản Di chúc, Người nhắn nhủ: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”(2).

Đây là cách đặt vấn đề và kết thúc xuất phát từ sự quan tâm, từ tình thương yêu sâu sắc đối với đồng bào, đồng chí trong suốt cuộc đời Người. Sự nghiệp cách mạng vĩ đại và cao đẹp của Người xét đến cùng chính là xuất phát từ tấm lòng vì nước, vì dân, với ham muốn tột bậc “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(3). Chính với khát vọng, lý tưởng cao đẹp đó, Người đã vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, vượt qua bao gian khổ và hiểm nguy trong cuộc đời hoạt động cách mạng. Người trăn trở khi thấy nhân dân vẫn đói, vẫn rét, vẫn khổ khi nước nhà mới giành được độc lập và khẳng định chân giá trị, thước đo của độc lập, tự do chính là cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân.

Cũng từ tình thương yêu vô bờ bến đối với nhân dân, nên trong Di chúc, Hồ Chí Minh đã yêu cầu Đảng, Nhà nước: “cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”(4); phải quan tâm xây dựng lại các thành phố, làng mạc đàng hoàng hơn, to đẹp hơn; phải khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế; chú trọng phát triển vệ sinh, y tế; sửa đổi, phát triển giáo dục cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế của đất nước, củng cố quốc phòng,...

Phương châm chung đó được cụ thể hóa đối với các trường hợp đáng chú ý. Về chính sách đối với đoàn viên, thanh niên và thế hệ trẻ, Người dặn lại: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”(5). Người cũng nêu lên những chính sách đối với thương binh, liệt sĩ; những chiến sĩ trẻ tuổi trong lực lượng vũ trang và thanh niên xung phong; phụ nữ; nông dân; và quan tâm đến cả những người là nạn nhân của chế độ cũ.

Ngay cả ở phần viết về việc riêng, Hồ Chí Minh cũng bắt đầu với những dòng tâm sự: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”(6). Người yêu cầu: “chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân” và thi hài Người được hỏa táng để “đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng”(7), nêu gương cho một nếp sống mới văn minh, tốt đẹp.

Đó thực chất là những việc vì sự nghiệp chung của Đảng, của cách mạng, của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lấy sự nghiệp cách mạng chung làm mục tiêu phấn đấu của riêng bản thân, lấy tâm nguyện của mọi người dân làm tâm nguyện riêng của bản thân, theo tinh thần “Dĩ chúng tâm vi kỷ tâm”.

Thứ hai, niềm tin tuyệt đối vào vai trò, sức mạnh của lực lượng nhân dân

Với niềm tin tuyệt đối vào vai trò, sức mạnh của nhân dân, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, dù qua bao đời chịu đựng gian khổ dưới ách thống trị tàn bạo và phản động của chế độ thực dân phong kiến, lại nhiều năm bị chiến tranh tàn phá, song “nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng”(8). Trong quan niệm của Người, quần chúng nhân dân là lực lượng có sức mạnh vô địch và là lực lượng chủ yếu, quyết định sự thành bại của sự nghiệp cách mạng. Người thường nhắc nhở: “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó”(9). Đồng thời, nhân dân còn mang lại sức mạnh cho Đảng, Nhà nước, cũng như các tổ chức chính trị xã hội và các lực lượng vũ trang. Chính trên cơ sở đánh giá rất cao vai trò và sức mạnh của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp cách mạng như trên, Hồ Chí Minh đã chỉ ra chân lý: “Dễ mười lần không dân cũng chịu/Khó trăm lần, dân liệu cũng xong”(10).

Chính với niềm tin tuyệt đối vào sức mạnh của lực lượng nhân dân nên Hồ Chí Minh chủ trương sự nghiệp cách mạng phải là sự nghiệp của chính nhân dân, do nhân dân thực hiện dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong Di chúc, Người nhắc nhở, trong “cuộc chiến đấu khổng lồ” để “chống lại những gì cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”, “cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”(11).

Thứ ba, thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, đặc biệt là gắn bó mật thiết với nhân dân

Là người luôn luôn yêu mến, kính trọng nhân dân, gần gũi và gắn bó mật thiết với nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hết sức chú trọng việc giữ gìn Đảng trong sạch vững mạnh, để Đảng thực sự là đạo đức, là văn minh, trở thành hiện thân tiêu biểu cho lương tâm, phẩm giá và trí tuệ của dân tộc. Bản thân Người luôn nêu gương mẫu mực của một đảng viên gắn bó mật thiết với nhân dân. Trong Di chúc, Người dành nội dung trước hết để nói về Đảng và nhắc nhở: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(12). Bốn chữ “thật” đã truyền tải thông điệp mạnh mẽ của Người: phải thực sự coi trọng rèn luyện đạo đức cách mạng. Đạo đức đó phải là đạo đức chân chính, phải thực hiện nêu gương mẫu mực, nói đi đôi với làm, lý thuyết đạo đức gắn liền với thực hành đạo đức, để tạo dựng niềm tin yêu, cảm phục ở trong lòng nhân dân, xứng đáng với sự ủy thác của nhân dân.

Người xác định, sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi, “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân”(13) và coi đây là điều kiện bảo đảm cho sự nghiệp cách mạng giành được thắng lợi, dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy.

Gắn liền với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, giữ gìn quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân, Hồ Chí Minh cũng luôn chú trọng chỉ ra nhiệm vụ phòng chống các căn bệnh, hiện tượng tiêu cực làm xói mòn quan hệ Đảng - Dân. Người ghét thói quan liêu, cửa quyền, “vác mặt quan cách mạng” với nhân dân và các căn bệnh khác làm tổn hại đến quan hệ giữa Đảng cầm quyền với nhân dân. Trong Di chúc, Người xác định, sự nghiệp cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới là một cuộc chiến đấu khổng lồ để chống lại những gì cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Trong đó, có cuộc đấu tranh chống lại các căn bệnh, thói hư, tật xấu làm ảnh hưởng đến quan hệ giữa Đảng và Dân.

55 năm đã qua từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, nhưng cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người vẫn đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam, vì một nước Việt Nam phát triển giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc. Trong đó, nổi bật là tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người về trọng dân, thân dân, vì dân. Đó là nền tảng tư tưởng, là tấm gương sinh động, mẫu mực cho mỗi cán bộ, đảng viên học tập và làm theo trong quá trình hoạt động, công tác, đặc biệt là trong giữ gìn, củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân.

* Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

1- Hồ Chí Minh: Toàn tập, xuất bản lần thứ ba, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.611.

2- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.613.

3- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.187.

4- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr 612.

5- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.612.

6- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.615.

7- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.615.

8- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.612.

9- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.19.

10- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.280.

11- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.617.

12- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.611-612.

13- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.616.