1/Năm 1945, ông Quý mới độ 12-13 tuổi. Cứ nghe mãi những câu chuyện kể về Nguyễn Ái Quốc, về Kim Đồng, rồi đến Việt Minh, cậu bé Quý say mê từ lúc nào không biết. “Những ngày đó mình nghe mấy ông Việt Minh kể chuyện, cứ há hốc mồm lên. Ông ấy kể ông Nguyễn Ái Quốc ra sao, rồi tổ chức Việt Minh ra sao, rồi đến giải phóng quân thế nào. Trẻ con khu Chợ Hôm khi đó đến nghe đông lắm”, ông Quý nhớ lại. Sẵn tinh thần của một đứa trẻ yêu nước, lại nhạy bén với thời cuộc, nên những năm tháng đó, cậu bé Nguyễn Quý đã có mặt trong nhiều sự kiện đáng nhớ của Hà Nội. Năm 1945 ông Trần Văn Lai, Thị trưởng Hà Nội trong Chính phủ Trần Trọng Kim, ký lệnh giật đổ các tượng đài, vì cho rằng đó là tàn tích của chế độ thực dân. Ông Quý kể rằng, ông cũng có mặt khi người ta giật đổ tượng Tổng trú sứ Paul Bert tại Vườn hoa Bốn tòa (nay là chỗ tượng đài Lý Thái Tổ). Bức tượng xây dựng từ năm 1870, tiêu tốn hơn 1.000 đồng ngân khố và vơ vét thêm cả tiền của người dân. Mục đích của thực dân Pháp lúc đó là xây dựng bức tượng với hình ảnh Paul Bert to lớn xòe tay che chở cho đứa bé An Nam với ý nghĩa An Nam nằm dưới sự bảo trợ của thực dân Pháp. Ngày kéo đổ tượng, ông Quý kể lại, lực lượng kéo có rất đông sinh viên. Mọi người cũng chỉ đơn giản thòng dây thừng vào cổ tượng rồi hò nhau kéo. Bức tượng thứ hai ông Quý chứng kiến bị người dân Hà Nội kéo đổ, là cụm tượng đài ở vườn hoa Robanh, mà người Hà Nội vẫn quen gọi là vườn hoa Canh Nông. Chính quyền thực dân khi đó cho dựng một cụm tượng với các nhân vật đại diện cho bốn tầng lớp cơ bản của An Nam thuộc địa là Sĩ, Nông, Công, Thương. Trên nóc trung tâm tượng có hai tượng lính Pháp, một tên giương súng chĩa về cột cờ Hà Nội, tên còn lại thấp hơn vung tay ném lựu đạn. Cả cụm tượng cũng bị phá hủy đầu năm 1945.
Tinh thần cách mạng trong lòng cậu bé Nguyễn Quý cứ thế nhen nhóm từ những câu chuyện quanh mình, tháng 3/1945, cậu bắt đầu làm liên lạc cho Việt Minh. Nhiệm vụ đầu tiên của cậu là dán truyền đơn. Cậu cùng một anh lớn đi thành một tổ. Quý cầm hồ dán quét lên tường, người đi sau dán truyền đơn vào chỗ hồ vừa quét. Cứ thế, mỗi ngày, hai người qua khắp các con phố làm nhiệm vụ.
Tới ngày 17/8, sau sự kiện ở Nhà hát Lớn, người Hà Nội đã truyền tai nhau Việt Minh sắp cướp chính quyền. Những gia đình yêu nước đã được giao nhiệm vụ làm cờ Tổ quốc. Gia đình ông Quý cũng ở trong số đấy. Bố đẻ ông Quý, chú ông Quý cũng là một thành viên của Việt Minh. Lúc ấy cả nhà đã được giao nhiệm vụ thu mua giấy và vải mầu đỏ, mầu vàng để cắt may thành cờ Việt Minh. Ngày đó vải rất hiếm, nên những lá cờ chuẩn bị đa phần làm bằng giấy.
Cậu bé Quý được giao nhiệm vụ cắt hình chữ nhật và dán cờ. Cả nhà làm miệt mài suốt mấy hôm, tới sáng 19/8 thì cậu bé Quý cầm cờ mang theo, vừa đi phát cho các gia đình, vừa chạy theo các đoàn người: “Mình phát cho các gia đình ủng hộ Việt Minh trước, rồi tới các gia đình trí thức, công chức… Tới 18-19/8 là cả Hà Nội đỏ rực cờ đỏ sao vàng rồi. Cái rất hay là cả Hà Nội đều treo cờ, cả Hà Nội đều là Việt Minh, nên tụi nó không làm gì được”, ông Quý kể lại.
Ngày 19/8, cậu bé Quý cứ thế xuống đường, mải miết theo đoàn người. Đoàn người bắt đầu từ Nhà hát Lớn, rồi bắt đầu chia ra các khu phố. Cuộc khởi nghĩa bắt đầu từ nhà Bắc Bộ Phủ, rồi kéo sang các nơi khác. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim cử một khâm sai giữ vị trí Bắc Bộ Phủ, nên địa điểm này được gọi là phủ Khâm sai. Khi đoàn người tới Bắc Bộ Phủ thì lính Nhật trong đó đã đóng cửa, chĩa súng ra. Lúc đó, những người hăng hái nhất là những người thường trèo hái me, hái sấu ở Hà Nội. Mấy bức tường Bắc Bộ Phủ không làm khó được những người dân mưu sinh từ những cây sấu cổ thụ Hà thành, tiếp sau đó là các thanh niên xung phong cũng ào lên. Lính Nhật cuối cùng đành phải nhượng bộ, mở cửa để đoàn người ào vào.
“Khó nhất là chiếm cái trại Bảo An Binh, ta gọi là trại lính khố xanh”, ông Quý kể. Lúc đó cậu bé Quý theo đoàn người kéo tới trại Bảo An Binh, nơi đang bị một tiểu đoàn quân Nhật chiếm đóng. Quân Nhật viện cớ Việt Minh thuộc phe Đồng Minh nên không bàn giao. Đôi bên giằng co nhau rất lâu, thậm chí lính Nhật còn lia cả một băng đạn xuống đất để đe dọa. “Lúc ấy người dân thì khí thế lắm rồi, các cán bộ Việt Minh còn phải động viên mọi người bình tĩnh”, ông Quý nhớ lại, “Trong đoàn lúc đó có ông Lê Trọng Nghĩa - lúc đó là một sinh viên yêu nước đã tham gia Việt Minh, ông ấy đã tiến lên đàm phán”. Sau cuộc đàm phán cân não, lính Nhật đồng ý mở cửa cho phía ta vào chiếm trại Bảo An Binh, lấy vũ khí, phát súng cho tự vệ, thanh niên xung phong. Ông Quý kể rằng nhiều năm sau, ông lại gặp lại ông Nghĩa, hai ông còn rủ nhau đi thăm lại Điện Biên Phủ.
“Tôi cứ đi theo dòng người như thế, đầu tiên là Bắc Bộ Phủ, đi miệt mài tới chiều muộn mới về”, ông Nguyễn Quý nhớ lại. Sáng sớm cậu bé Quý chuẩn bị cơm nắm muối vừng, mang theo chai nước đeo toòng teng đi cùng đoàn người xuống đường. Mẹ ông Quý cũng đi theo các đoàn người, mãi mới tìm thấy con mình thấp bé đang hô vang. “Mấy người lớn đi cùng còn bảo mẹ tôi: Cái thằng này nó hăng lắm, bác cứ yên tâm đi”. Nắm cơm bé tí không đủ, nhưng đoàn người chia sẻ đồ ăn với nhau, để lấy sức mà cùng cướp chính quyền.
2/Ngày 2/9/1945, cậu bé Quý háo hức cả ngày. Hôm ấy trời rất nắng, đoàn khu phố Chợ Hôm tập trung từ sớm. “Cũng không có ai chỉ, mình cứ đi về hướng Quảng trường Ba Đình”, ông Quý kể. Lúc ấy nhiều người còn không biết Ba Đình ở đâu, vì đó là tên ông Trần Văn Lai đặt cho khu vực phía Tây thành Hà Nội. Người Pháp gọi đó là vườn hoa Pugininer. Ngày hôm ấy, không chỉ có nội thành Hà Nội mà các đoàn ngoại thành cũng vào, nhiều đoàn đi từ sáng sớm. Có những đoàn tới nửa chừng đã không thể đi tiếp, phải dừng ở khu vực Hồ Gươm nghe Tuyên ngôn Độc lập qua loa phóng thanh. Đoàn của ông Quý đi chừng nửa tiếng thì tới trước cửa Phủ Chủ tịch bây giờ. Những người lính Giải phóng quân thấy một đoàn toàn trẻ con, liền cho cả đám vào nơi có mái che đứng. Đó là vị trí tốt nhất lúc ấy. “Nhưng cũng xa lắm, đoàn người đứng trên bục mà trông bé tẹo”, ông Quý nhớ lại. Nhưng ông Quý có cái may mắn được nhìn thấy Bác Hồ, nghe lời Bác nói, sau bao nhiêu ngày được thấm đẫm trong những câu chuyện kể về Việt Minh.
Rất lâu sau, Bác Hồ mới xuất hiện, lúc này bốn chung quanh đã vây kín người. “Cảm giác như tất cả Hà Nội đều ở đây”, ông Quý bảo. “Đi được thấy cán bộ Việt Minh, thấy Bác Hồ, thích lắm”, ông Quý nhớ lại, “Không khí nó sục sôi ghê lắm, mọi người háo hức, trẻ con chạy lăng xăng, không khí đặc biệt lắm… Có lẽ không bao giờ có không bao giờ có lại không khí như vậy nữa”. Cả biển người như sóng dậy, tiếng vỗ tay vang rền, mọi người xôn xao, kiễng chân để nhìn cho rõ. Cậu bé Nguyễn Quý dường như quên luôn cái nắng chang chang ở Ba Đình, để chăm chú vào mỗi phút giây trên khán đài, trên quảng trường lịch sử.
Đến cả mấy ngày sau 2/9, cậu bé Quý vẫn chạy qua chạy lại mấy chỗ mình vừa cùng đoàn người cướp chính quyền mấy ngày tháng 8, dường như vẫn muốn nhìn thêm để chắc chắn rằng Việt Nam đã độc lập.
Sau ngày khởi nghĩa, ông Quý bắt đầu chính thức tham gia cách mạng. Cậu bé 13 tuổi được chọn là cán bộ nguồn, được đào tạo bồi dưỡng. Đến tháng 3/1946, cậu được cho đi học lớp trinh sát. Ngày 19/12, khi Toàn quốc kháng chiến, cậu bé Nguyễn Quý đã bắt đầu những ngày tháng chiến đấu đầu tiên khi tham gia 60 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thủ đô, trở thành trinh sát viên cho Đại đội Quyết tử quân của Hà Nội. Ông Quý cũng từng là Trưởng ban Xây dựng DK1 giai đoạn 1990-1996, là một trong những người góp phần đặt nền móng đầu tiên xây dựng hệ thống nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía nam.