Tầm nhìn liên kết cho địa phương

Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
0:00 / 0:00
0:00

Từ góc nhìn tổng thể, bao quát, Nghị quyết đã đưa ra những định hướng cụ thể cho chiến lược phát triển các vùng trên nhiều mặt kinh tế, xã hội, văn hóa, giao thông, khoa học, công nghệ, du lịch, hợp tác quốc tế, hội nhập... cũng như việc xây dựng quy hoạch phát triển chung.

Những định hướng đó đặt trong mối liên kết chặt chẽ với các mục tiêu bền vững về an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, cải tạo và tái tạo thiên nhiên. Đó cũng chính là sự xác định và quyết tâm củng cố, phát huy bản chất nhân văn của công cuộc phát triển vì con người, tăng trưởng về mức sống song hành với văn minh, hạnh phúc của cộng đồng.

Cùng với những nội dung quan trọng khác, nhiều đề xuất của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương là việc nâng cao liên kết, hợp tác giữa các địa phương, coi đây là một trong những yếu tố quan trọng nhằm thực hiện thành công Nghị quyết. Điều này gợi mở đối với mỗi tỉnh, thành phố khi xây dựng quy hoạch, phương hướng phát triển, chương trình hành động của địa phương mình. Đó là, cần đặt trong sự kết nối, đối sánh với các địa phương bạn, địa phương trong toàn vùng. Liên kết nội vùng trong phát triển giao thông, hệ thống cảng sông, cảng biển, trong việc phát triển, duy trì hoạt động các khu công nghiệp, trong bảo vệ rừng, nguồn nước, tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn văn hóa, trong các công tác quốc phòng, giữ gìn an ninh, trật tự xã hội…, mới tạo ra được sự thông suốt, cộng hưởng giữa các tỉnh, thành phố nối liền nhau, các địa phương trong toàn vùng. Bản thân mỗi tỉnh, thành phố cũng sẽ tận dụng được nhiều nguồn lợi hơn từ nền tảng liên kết, phát triển chung của cả vùng mà trong đó, mỗi địa phương là một mắt xích không thể tách rời. Đây cũng chính là một trong những cơ sở đóng góp vào sự phát triển ổn định, bền vững của mỗi địa phương, mỗi vùng kinh tế-xã hội.

Tầm nhìn liên kết rất cần được thống nhất, thông suốt trong hệ thống chính trị, đội ngũ lãnh đạo, quản lý các địa phương. Và không thể thiếu sự đồng hành, xúc tác quan trọng của các bộ, ngành liên quan trong việc bổ sung, hoàn thiện hệ thống luật, các chính sách, cơ chế đặc thù, phù hợp cho mỗi vùng. Những chính sách thúc đẩy mối quan hệ hợp tác, liên kết giữa các địa phương sẽ càng giúp các tiềm lực kinh tế, con người, nét đặc sắc văn hóa, xã hội của mỗi địa phương được phát triển, lan tỏa rộng rãi hơn trên hành trình phát triển, hội nhập của cả vùng, cả nước.