Sự ra đi của những nhà sáng lập doanh nghiệp

Vừa qua, Tổng Giám đốc điều hành (CEO) Sam Altman, cũng là nhà đồng sáng lập Công ty OpenAI sở hữu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đình đám là ChatGPT, suýt bị sa thải khỏi vị trí quản lý cấp cao này. Sau khi thỏa thuận, ông Sam Altman đã đồng ý quay trở lại làm việc trong khi OpenAI cũng phải thay đổi một loạt thành viên hội đồng quản trị. Việc loại trừ nhà sáng lập khỏi chính công ty của họ, đặc biệt là khi đã có sự tham gia của các quỹ đầu tư mạo hiểm, không phải hiếm gặp trước đây.
0:00 / 0:00
0:00
Sự ra đi của những nhà sáng lập doanh nghiệp

Các vụ “sa thải” nổi tiếng

Trong kinh doanh, sự kiện nhà sáng lập bị yêu cầu rời khỏi ghế CEO mà vẫn giữ cổ phần, hoặc rời bỏ hẳn công ty do mình thành lập từng xảy ra và có khá nhiều trường hợp nổi tiếng trong giới công nghệ. Thông thường, với số vốn và kinh nghiệm có được khi rời công ty, phần lớn doanh nhân có khả năng lập ra doanh nghiệp mới dựa trên ý tưởng kinh doanh của mình. Steve Jobs với Apple là một câu chuyện như vậy. Trước khi giúp Apple trở thành một trong những công ty thành công nhất thế giới, Steve Jobs đã bị buộc rời khỏi công ty do chính ông sáng lập. Theo đó, năm 1985, chưa đầy 10 năm sau khi ông thành lập Apple, Steve Jobs đã bị buộc từ chức khi ở tuổi 30. Nguyên nhân là do CEO khi đó là John Sculley cảm thấy cần phải tổ chức lại và thay đổi cơ cấu Apple, trong khi những ý tưởng của Jobs đã “không khả quan” trong kế hoạch tương lai của công ty.

Phải tới 12 năm sau, vào năm 1997, ông mới trở lại với “đứa con tinh thần” của mình và cuối cùng trở thành cứu tinh của công ty. Jobs đã đưa Apple tham gia vào cuộc chơi lớn, khoác tấm áo thời thượng cho các dòng máy tính cá nhân, điện thoại di động, máy tính bảng… và trở thành một trong những “gã khổng lồ” của thế giới công nghệ. Trong thời gian “đi xa để trở về”, huyền thoại của Apple đã thành lập Công ty máy tính NeXT, sau đó tài trợ cho hãng phim nhỏ mà sau này được đặt tên là Pixar. Pixar đã phát triển theo cấp số nhân và cực kỳ thành công sau khi hợp tác với Disney. Kể từ khi Disney mua lại Pixar, Jobs trở thành cổ đông lớn của Disney.

Một trường hợp khác là Twitter, công ty của mạng xã hội hiện đã đổi tên thành X, cũng từng chứng kiến người sáng lập và CEO Jack Dorsey bị sa thải. Năm 2006, Jack Dorsey đồng sáng lập Twitter. Năm 2007, ông trở thành CEO công ty nhưng 12 tháng sau bị các thành viên hội đồng quản trị nhất trí sa thải, do cho rằng ông không phù hợp với công việc. Ngoài ra, theo Bloomberg, họ còn không thích việc Jack hay đi xông hơi, tập yoga và ngồi thiền hàng giờ. Năm 2011, ông quay lại Twitter với tư cách là Giám đốc phát triển sản phẩm. Twitter tiến hành phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) vào tháng 11/2013 và nhanh chóng đưa Dorsey trở thành tỷ phú. Theo Forbes, trong thời gian ra đi, ông cũng đạt được thành công với tư cách là CEO của công ty thanh toán di động Square.

Travis Kalanick thành lập công ty ứng dụng chia sẻ chuyến đi nổi tiếng Uber vào năm 2009 và đến năm 2017, Uber trị giá ước tính khoảng 70 tỷ USD. Song cũng vào năm đó, những cáo buộc quấy rối tình dục được công bố rộng rãi bắt đầu xuất hiện ở tập đoàn công nghệ này, dẫn đến sự ra đi của người sáng lập kiêm CEO Travis Kalanick. Bê bối bắt đầu khi một cựu nhân viên Uber đăng một bài viết trên blog vạch trần sự phân biệt giới tính và quấy rối tình dục đang diễn ra trong công ty. Các cáo buộc bắt đầu nổi lên, cho rằng Travis Kalanick biết về hành vi sai trái và quấy rối tình dục nhưng không làm gì để ngăn chặn việc đó. Khi tin tức nổ ra, Kalanick, ban giám đốc Uber và các cổ đông đã cố gắng hết sức để xoa dịu tình hình. Tuy nhiên, thiệt hại do ảnh hưởng danh tiếng tập đoàn và áp lực từ các cổ đông lớn nhất của Uber đã buộc Kalanick phải từ chức. Mặc dù đã rời bỏ vị trí CEO nhưng Kalanick vẫn giữ được ghế trong hội đồng quản trị của công ty mình.

Gần đây nhất, người sáng lập kiêm CEO sàn giao dịch tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới Binance là ông Changpeng Zhao (CZ), đã phải thông báo từ chức để chấp hành án phạt của giới chức Mỹ. Đồng thời, CZ thuê một CEO mới để tiếp quản công việc kinh doanh và chèo lái công ty trong thời gian ông này phải xử lý những rắc rối pháp lý.

Sự ra đi của những nhà sáng lập doanh nghiệp ảnh 1

Martin Eberhard là nhà đồng sáng lập Tesla. Ảnh: AP

Những người “dứt áo ra đi”

Theo Bloomberg, Mike Lazaridis thành lập công ty sở hữu thương hiệu điện thoại lừng lẫy một thời BlackBerry vào năm 1984. Ông đã thành công trong việc phát triển công ty nhờ chiếc điện thoại thông minh và trở nên phổ biến vào giữa những năm 2000, vốn được các giám đốc và người nổi tiếng tin dùng. Song vào giai đoạn sau, công ty đã gặp nhiều khó khăn và Lazaridis đã từ bỏ vai trò lãnh đạo vào năm 2012.

Hiện nay, nhắc đến Tesla, hầu hết mọi người đều chỉ biết đến tỷ phú Elon Musk và thậm chí chưa bao giờ nghe nói đến Martin Eberhard. Ông là kỹ sư đam mê xe thể thao đã giúp thành lập hãng Tesla Motors vào năm 2003. Ông giữ chức vụ CEO cho đến năm 2007 khi được đề nghị chuyển sang ban cố vấn. Năm 2008, Eberhard rời công ty vĩnh viễn. Sau khi ra đi, ông đã đệ đơn kiện Tesla và Elon Musk vì vi phạm hợp đồng. Vụ kiện sau đó đã được giải quyết bên ngoài tòa án.

Trong một số trường hợp, nhà sáng lập đã mắc phải sai lầm dẫn đến những quyết định đầu tư thua lỗ hoặc làm ảnh hưởng đến các khoản lợi nhuận của quỹ mạo hiểm. Đó là trường hợp của CEO công nghệ Jerry Yang. Ông và người đồng sáng lập David Filo thành lập trang web Yahoo.com và các tiện ích nổi tiếng vào năm 1994. Yang đồng hành với sự phát triển của Yahoo trong suốt những năm 2000, chứng kiến ​​công ty này nâng vốn hóa thị trường lên gần 22 tỷ USD. Tuy nhiên, công ty trải qua sóng gió trước sự lấn át của Google. Jerry Yang gặp nhiều chỉ trích khi từ chối thương vụ đề nghị mua lại Yahoo của Microsoft với giá 44,6 tỷ USD. Lý do đó cùng với một số thay đổi trong ban lãnh đạo đã buộc Yang phải từ chức vào năm 2009. Ông vẫn ở trong hội đồng quản trị của Yahoo cho đến năm 2012 rồi chính thức cắt đứt quan hệ với công ty do mình lập ra.

Trong số những người sáng lập phải rời công ty của mình lập ra, CEO Andrew Mason, được biết đến là người có sự nghiệp mới sau cuộc từ chức thú vị và ấn tượng nhất từ trước đến nay. Mason thành lập công ty bán coupon giảm giá Groupon, hoạt động với mô hình kinh doanh hoàn toàn mới lạ vào thời điểm ra mắt năm 2006. Chỉ bốn năm sau, doanh thu của công ty tăng lên hơn 800 triệu USD vào năm 2010. Khi từ chối lời đề nghị mua lại trị giá 5,3 tỷ USD từ Google, Groupon đã tiến hành IPO. Nhưng chỉ sau một thời gian lên sàn, giá cổ phiếu công ty rớt thê thảm, khiến ban quản trị phải gấp rút thực hiện cải tổ, mà thay đổi lớn nhất là sa thải CEO Mason vào năm 2013. Mason kể từ đó đã phát hành một album âm nhạc gồm bảy bài hát viết về thời làm kinh doanh, album được đặt tên là “Hardly Workin”.

Việc các nhà sáng lập bị sa thải khỏi chính công ty của mình được lý giải là để tìm một người quản lý phù hợp. Song quan trọng hơn, phần lớn nguyên nhân xuất phát từ mâu thuẫn giữa hội đồng quản trị - là những nhà đầu tư góp vốn và sở hữu cổ phần lớn - với tầm nhìn, định hướng phát triển của nhà sáng lập.