Tình trạng lãng phí và thất thoát thực phẩm

Các cửa hàng, siêu thị ở Mỹ đang vứt bỏ khoảng 30% thực phẩm, tương đương hơn 7 tỷ tấn mỗi năm. Thực phẩm lãng phí trong ngành bán lẻ ở quốc gia này được định giá gấp đôi lợi nhuận từ việc bán thực phẩm.
0:00 / 0:00
0:00
Lãng phí thực phẩm gây thiệt hại về kinh tế. Ảnh: GETTY IMAGES
Lãng phí thực phẩm gây thiệt hại về kinh tế. Ảnh: GETTY IMAGES

Lãng phí trong hộ gia đình và ngành bán lẻ

Trên thế giới, các hộ gia đình đã lãng phí hơn 1 tỷ bữa ăn mỗi ngày vào năm 2022, trong khi 783 triệu người đang là nạn nhân của nạn đói và hơn 30% nhân loại đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực. Lãng phí thực phẩm tiếp tục gây ô nhiễm, tạo ra lượng rác thải khổng lồ, gây thiệt hại về kinh tế. Đây là những phát hiện chính trong báo cáo do Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) công bố vào cuối năm ngoái.

Báo cáo Chỉ số lãng phí thực phẩm của UNEP năm 2024 cho thấy những số liệu ước tính về lãng phí thực phẩm trong khu vực bán lẻ và người tiêu dùng. Vào năm 2022, khu vực tiêu dùng đã tạo ra 1,05 tỷ tấn chất thải thực phẩm (gồm cả những phần không ăn được), tương đương mỗi người loại ra 132 kg rác thực phẩm mỗi năm. Hiện nay, hơn 13% thực phẩm thất thoát trong chuỗi cung ứng sau khi thu hoạch tại các trang trại và trước khi bán lẻ trên toàn cầu. Lãng phí thực phẩm trong khu vực bán lẻ, ngành dịch vụ ăn uống và hộ gia đình là 19%, theo thống kê của UNEP.

“Lãng phí thực phẩm là một cuộc khủng hoảng toàn cầu trong khi vẫn có hàng triệu người đang bị đói”, Giám đốc điều hành của UNEP, bà Inger Andersen cho biết. Bà nói thêm: “Tác động của việc lãng phí như vậy còn gây ra những chi phí đáng kể cho khí hậu và thiên nhiên. Tuy nhiên, chúng tôi nhấn mạnh rằng nếu các quốc gia ưu tiên vấn đề này, họ có thể đảo ngược đáng kể tình trạng thất thoát và lãng phí thực phẩm, giảm tác động môi trường và tổn thất kinh tế, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu”.

Khu vực thành thị ​​sẽ được hưởng lợi từ những nỗ lực giảm thiểu lãng phí thực phẩm. Khu vực nông thôn thường lãng phí ít thực phẩm hơn, nhờ việc chuyển hướng các loại thức ăn thừa cho vật nuôi, gia súc và ủ phân tại nhà. Từ năm 2021, UNEP đã tăng cường cơ sở hạ tầng dữ liệu với nhiều nghiên cứu theo dõi tình trạng lãng phí thực phẩm, bao gồm cả dữ liệu từ các hộ gia đình trên toàn cầu. Tuy nhiên, cơ quan này nêu rõ nhiều quốc gia có thu nhập thấp và trung bình vẫn thiếu các hệ thống đầy đủ để theo dõi tiến độ thực hiện mục tiêu giảm một nửa tình trạng lãng phí thực phẩm vào năm 2030, đặc biệt là trong lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ thực phẩm.

Theo Bloomberg, thất thoát và lãng phí thực phẩm chiếm khoảng 8 đến 10% lượng khí thải nhà kính toàn cầu. Khí methan sản sinh từ rác thải thực phẩm cũng có khả năng giữ nhiệt lớn hơn nhiều so CO2, tác động nghiêm trọng đến môi trường. Những dữ liệu trên mới chỉ liệt kê và ước tính con số thất thoát giữa trang trại tới khi phân phối trong khu vực bán lẻ và tiêu dùng, trong khi lượng thực phẩm lãng phí do sản xuất đại trà và bất kiểm soát công nghiệp thực phẩm chưa được liệt kê. Thiệt hại do thất thoát và lãng phí thực phẩm đối với nền kinh tế toàn cầu ước tính khoảng 1.000 tỷ USD. Báo cáo của UNEP cũng nhấn mạnh lãng phí thực phẩm không phải là vấn đề không thể vượt qua và coi đó là nguồn tài nguyên chưa được khai thác.

Tình trạng lãng phí và thất thoát thực phẩm ảnh 1

Hướng dẫn trẻ phân loại thực phẩm thừa. Ảnh: SHUTTER STOCK

Giảm thiểu thất thoát và lãng phí

Giới chuyên gia xác nhận rằng, lãng phí thực phẩm không chỉ là vấn đề ở các nước giàu có và phát triển. Các quốc gia nằm trong đới khí hậu nóng hơn có thể lãng phí thực phẩm hơn nếu tính bình quân trên đầu người trong các hộ gia đình, được lý giải là do tiêu thụ nhiều thực phẩm tươi sống và nhanh hỏng, cùng với việc thiếu chuỗi cung ứng lạnh.

Theo UNEP, tính đến năm 2022, chỉ có 21 quốc gia đưa việc giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm vào các Kế hoạch khí hậu quốc gia (NDC). Cơ quan này kỳ vọng các nước sẽ đẩy mạnh mục tiêu về khí hậu bằng cách tích hợp thất thoát và lãng phí thực phẩm vào NDC sửa đổi năm 2025. Báo cáo Chỉ số lãng phí thực phẩm nhấn mạnh tính cấp thiết của việc giải quyết tình trạng lãng phí thực phẩm ở cả cấp độ cá nhân và hệ thống. “Các quốc gia cần có các đường cơ sở vững chắc và phép đo thường xuyên để thể hiện những thay đổi theo thời gian. Chẳng hạn, các quốc gia như Nhật Bản và Anh đã cho thấy rằng có thể thay đổi vấn đề này ở quy mô lớn, với mức giảm lần lượt là 31% và 18%”, báo cáo nêu ra.

Theo bà Harriet Lamb, Tổng Giám đốc điều hành (CEO) của Tổ chức từ thiện về môi trường WRAP tại Anh, với chi phí khổng lồ cho môi trường, xã hội và nền kinh tế do lãng phí thực phẩm gây ra, nhiều quốc gia có nền kinh tế phát triển đã triển khai các công cụ đo lường lãng phí thực phẩm và hướng tới đạt được mục tiêu giảm một nửa lượng chất thải thực phẩm vào năm 2030. “Điều này rất quan trọng để bảo đảm thực phẩm là để nuôi sống con người, chứ không phải kết thúc ở bãi rác. Đã đến lúc cần đẩy mạnh các chương trình giải quyết tác động to lớn của việc lãng phí thực phẩm đối với an ninh lương thực, khí hậu và túi tiền của chúng ta”, bà Harriet nhấn mạnh.

Giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm có vai trò rất quan trọng để cải thiện an ninh lương thực và dinh dưỡng, thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phân phối nguồn lương thực công bằng hơn trên toàn cầu, Tổng Giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) Dongyu khẳng định. Ông Dongyu cho rằng, đó là lý do LHQ đã nhất trí lấy ngày 29/9 hằng năm là Ngày Quốc tế Nhận thức về thất thoát và lãng phí thực phẩm kể từ năm 2020.

FAO cũng khuyến nghị một trong những giải pháp cho tình trạng này là hành động có hệ thống thông qua quan hệ đối tác công tư (PPP). Đưa khu vực công, khu vực tư nhân và phi chính phủ cùng làm việc, xác định các nút thắt, cùng phát triển các giải pháp và thúc đẩy tiến độ giảm thiểu lãng phí thực phẩm. Việc hợp tác công tư có thể đem lại nguồn tài chính phù hợp cho phép giảm chất thải thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn, giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời chia sẻ các biện pháp thực hành tốt nhất và khuyến khích đổi mới để có sự thay đổi toàn diện, lâu dài.

Ông Dongyu cho biết thêm: “Bằng cách giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm, các quốc gia và cộng đồng có thể hưởng lợi từ việc cải thiện an ninh lương thực, tiếp cận chế độ ăn uống lành mạnh và giảm tình trạng suy dinh dưỡng đồng thời giảm lượng khí thải nhà kính”. Báo cáo triển vọng nông nghiệp của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) hợp tác với FAO giai đoạn 2024-2033 cũng dự đoán rằng, bằng cách giảm một nửa lượng thất thoát và lãng phí thực phẩm, con người có thể giảm 4% lượng khí thải nhà kính trong nông nghiệp toàn cầu và giảm 153 triệu người suy dinh dưỡng vào năm 2030. Tuy nhiên, đại diện của FAO lưu ý rằng, thế giới vẫn chưa đi đúng hướng để đạt được các mục tiêu trên vào năm 2030.

Để đạt được điều này, theo ông, cần phải tăng cường đầu tư thiết kế lại và mở rộng quy mô các hệ thống lưu trữ để giảm thất thoát lương thực ở “đầu nguồn” chuỗi cung ứng, đặc biệt là ở các nền kinh tế thu nhập thấp. Tổng Giám đốc FAO nhấn mạnh rằng việc nâng cao nhận thức của công chúng và giáo dục người tiêu dùng cũng rất quan trọng ở cấp hộ gia đình.