Người Viking, Đan Mạch và vị thế hiện tại
Nằm phía bắc Đại Tây Dương, sát vùng cực, là giao điểm giữa Mỹ, Nga và Tây Âu, Greenland có một vị thế địa-chính trị đặc biệt. Tuy nhiên, khí hậu khắc nghiệt và vị trí quá xa các nền văn minh khiến Greenland bị chìm vào quên lãng trong một thời kỳ lịch sử kéo dài.
Theo Local Histories, hòn đảo lớn nhất thế giới (hơn 2,1 triệu km2) ban đầu là lãnh thổ của những tộc người cổ đại như người Inuit, Saqqaq, Dorset hay Thule trong khoảng 2.500 năm trước Công nguyên tới thế kỷ thứ 10. Bước ngoặt lớn đến với Greenland vào cuối thế kỷ 10 khi người Viking đến đây dưới sự dẫn dắt của thủ lĩnh Erik Thorvaldsson, người có biệt danh Erik the Red. Erik lần đầu đến vùng bờ tây đảo vào năm 982 và đặt tên cho nơi này là Greenland, cái tên còn được sử dụng tới ngày hôm nay.
Có vài giả thuyết xoay quanh chữ Greenland. Thuyết đầu tiên cho rằng, Erik muốn lôi kéo thêm người Viking tới đảo nên đã đặt một cái tên mang hàm ý mô tả sự tươi tốt, trù phú của vùng đất băng. Thuyết thứ hai cho rằng hơn 10 thế kỷ trước, vùng tây nam mà Erik đặt chân tới thật sự “xanh tươi” hơn hiện tại. Dù thế nào, Erik cũng đã thành công. Hạm đội 25 tàu của người Viking chỉ còn 14 tàu sau hành trình dài. Tuy nhiên, họ đã tới đích và thiết lập được hai khu định cư tại Greenland, một ở phía tây, một phía đông. Dân số Viking tại đây tăng lên hơn 3.000 người. Đến năm 1126, quy mô dân số đã đủ lớn để họ có một giám mục.
Năm 1261, Greenland trở thành một phần của Na Uy. Năm 1380, Na Uy sáp nhập vào Đan Mạch và mảnh đất băng giá này trở thành một phần của quốc gia Bắc Âu cho tới ngày nay. Những thế kỷ sau đấy tiếp tục chứng kiến các biến động lớn tại Greenland như việc khí hậu lạnh hơn dẫn tới sự suy giảm dân số và mất liên lạc với “nước mẹ” Đan Mạch, sự xuất hiện của người Anh, Bồ Đào Nha cùng việc dân bản địa cổ đại nắm quyền trở lại. Mãi tới đầu thế kỷ 18, người Đan Mạch - Na Uy mới quyết tâm khôi phục quyền cai trị mảnh đất này. Trong một thời gian dài sau đó, Đan Mạch gần như “bế quan tỏa cảng” hòn đảo này, chỉ cho phép Greenland giao dịch thương mại và cung cấp tài nguyên tới “mẫu quốc”.
Sang Chiến tranh thế giới thứ hai, quyền lực của Đan Mạch ở Greenland một lần nữa bị thách thức khi nước này bị Đức Quốc xã xâm lược. Trong thời gian này, người Mỹ đã chiếm đóng đảo, thiết lập các căn cứ quân sự, coi đây là một phòng tuyến từ xa chống phát-xít Đức. Greenland lúc này xuất hiện trong các tài liệu tình báo quân sự của Mỹ dưới cái tên “Bluie”.
Cùng thời gian này, tư tưởng dân chủ ở Greenland đã phát triển và ngày càng mạnh mẽ hơn dưới ảnh hưởng của văn minh Tây Âu. Hậu chiến tranh, Chính phủ Đan Mạch bắt đầu nhận ra họ không thể kiểm soát Greenland thêm nữa. Những bước tiến lớn liên tiếp đến với Greenland. Năm 1953, họ không còn là thuộc địa của Đan Mạch mà được công nhận như là một tỉnh. Năm 1973, Greenland cùng với Đan Mạch gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Năm 1979, hòn đảo này được trao quyền tự chủ. Năm 2009, họ có quyền tự trị. Trước đó, Greenland cũng bỏ phiếu rời Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC) do bất đồng về các quy định thương mại trên biển.
Greenland hiện tại là lãnh thổ tự trị thuộc Đan Mạch, có thực quyền tương đương một quốc gia riêng và thuộc EU. Tên chính thức của hòn đảo trong tiếng địa phương là Kalaallit Nunaat, nghĩa là vùng đất của người Inuit, tộc người tiền sử đầu tiên định cư tại đây. Greenland có quốc kỳ, quốc ca, Quốc hội và chính quyền riêng. Dân số của đảo là hơn 56.000 người, thủ đô đặt tại thành phố Nuuk ở phía tây nam, chính là vùng đất mà năm xưa Erik the Red đã cập bến đi tới.
![]() |
Có tới 80% lãnh thổ Greenland được bao phủ bởi băng tuyết. Ảnh: MSNBC |
“Kho báu” dưới băng
Dù 80% bề mặt bị bao phủ bởi băng giá, Greenland vẫn sở hữu lượng tài nguyên thiên nhiên đáng kể, đủ sức hấp dẫn mọi cường quốc. Theo Bloomberg, Greenland có trữ lượng đáng kể các kim loại như lithium, niobi và zirconi, vốn dùng để sản xuất pin máy tính, điện thoại... cùng nhiều nguyên tố đất hiếm phục vụ công nghiệp ô-tô điện, năng lượng gió - hai ngành mũi nhọn trong quá trình chuyển đổi xanh. Đây là các tài nguyên hiện đại mà thế giới công nghiệp đang khao khát.
Khí hậu Greenland khiến việc khai thác các tài nguyên này là rất khó khăn. Thực tế cho thấy cũng chỉ có vài khu mỏ đang hoạt động. Tuy nhiên, hiện tượng nóng lên toàn cầu cùng sự xuất hiện của các cường quốc khoa học sẽ khiến việc tiếp cận chúng trở nên dễ dàng hơn. Các tập đoàn từ Mỹ, Nga, Trung Quốc và đương nhiên cả Đan Mạch đều đang quan tâm tới những mỏ này.
Cục Khảo sát địa chất Mỹ cho rằng, Greenland phải có tới 31 tỷ thùng dầu thô. Nhưng cũng vì lý do khí hậu, dầu thô chưa được tìm thấy và khai thác ở đảo này suốt 50 năm qua. Đó là chưa kể tới các mỏ đá quý mới phát hiện cùng nguồn thu khổng lồ từ đánh bắt thủy hải sản, vốn cũng là ngành kinh tế chính của hòn đảo này.
Sức mạnh kế tiếp của Greenland đến từ vị trí địa lý. Băng tan ở Bắc Cực đang mở ra các tuyến đường hàng hải mới, từ đó nâng cao vai trò của hòn đảo này. Nga, Trung Quốc và Mỹ đều đang muốn mở rộng vùng ảnh hưởng tại khu vực này, trong đó không thể bỏ qua vai trò của Greenland.
Bản thân Đan Mạch cũng không muốn “chia tay” mảnh đất này. Với Greenland là lãnh thổ tự trị, Đan Mạch về lý thuyết đã mở rộng diện tích lên gần 50 lần. Họ cũng là quốc gia EU duy nhất sở hữu đường bờ biển Bắc Cực (Na Uy không phải thành viên EU). Vị thế chính trị, tiếng nói của họ ở Bắc Cực nói riêng và châu Âu nói chung đều gia tăng nhờ ảnh hưởng có được tại Greenland.
Về phía Mỹ, họ đã nhiều lần cố gắng mua Greenland từ tay Đan Mạch. Ý tưởng này lần đầu xuất hiện khi Tổng thống Mỹ Andrew Johnson mua Alaska từ Nga năm 1867, ông cũng đã cân nhắc mua nốt cả Greenland. Đến năm 1946, chính quyền của Tổng thống Harry Truman đề xuất trả 100 triệu USD để đổi lấy lãnh thổ này. Thời điểm ấy, nhu cầu quân sự là quan tâm hàng đầu của phía Mỹ.
Tạp chí TIME (Mỹ) cho biết đến năm 1947, quân đội Mỹ tiếp tục theo đuổi ý tưởng này khi dự định xóa khoản nợ 70 triệu USD cho Đan Mạch để đổi lấy hòn đảo. Tạp chí này mô tả Greenland thời ấy giống như một tàu sân bay cố định khổng lồ, một tiền đồn chống lại các cuộc tập kích vào Mỹ, một điểm phát động tấn công hữu hiệu trong bối cảnh tên lửa và máy bay chiến lược tầm xa đang lên ngôi. Chưa đề xuất nào trong số ấy thành công, nhưng nó cho thấy sự quan tâm đặc biệt của người Mỹ tới Greenland trong suốt chiều dài lịch sử.