Tương lai của dịch vụ chăm sóc

Đối mặt xu hướng già hóa dân số, dịch bệnh và nhiều bệnh mạn tính trở nên phổ biến hơn, các hoạt động chăm sóc sức khỏe (CSSK) và dịch vụ liên quan, trong đó có việc nhà, chăm sóc người cao tuổi, người bệnh mạn tính… ngày càng gia tăng và trở thành ngành nghề thiết yếu.
0:00 / 0:00
0:00
Ngành chăm sóc có tiềm năng tăng trưởng. Ảnh: GETTY IMAGES
Ngành chăm sóc có tiềm năng tăng trưởng. Ảnh: GETTY IMAGES

Ngành nghề có tiềm năng tăng trưởng

Theo CNN, khi tỷ lệ sinh giảm và tuổi thọ tăng, một lượng lớn người lớn tuổi sẽ cần người chăm sóc và dịch vụ chăm sóc. Báo cáo “Tương lai của nền kinh tế chăm sóc” do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) thực hiện đã ước tính, một khoản đầu tư 1,3 nghìn tỷ USD vào các công việc xã hội thuộc nhóm ngành dịch vụ chăm sóc sẽ mang lại lợi nhuận là 3,1 nghìn tỷ USD và tạo ra hơn 10 triệu việc làm tại Mỹ.

“Nền kinh tế chăm sóc” bao gồm những hoạt động cơ bản thiết yếu hằng ngày, có thể được trả lương hoặc không được trả lương. Công việc chăm sóc không công hầu hết là việc nhà, như chăm sóc trực tiếp cho người thân trong gia đình, họ hàng; chăm sóc trẻ sơ sinh hoặc người bị bệnh; nấu ăn, dọn dẹp, tự trả tiền cho dịch vụ y tế tại nhà… Công việc chăm sóc được trả lương gồm công việc của điều dưỡng, y tá, người trông trẻ, nhân viên y tế cộng đồng, nhân viên chăm sóc người già cũng như người giúp việc gia đình, đầu bếp hay người dọn dẹp... Công việc chăm sóc có lương cũng chủ yếu do phụ nữ đảm nhiệm, thường là những người thuộc nhóm yếu thế về mặt xã hội, trong đó có người di cư.

Bên cạnh đó, tình trạng dân số già hóa nhanh chóng đang thúc đẩy nhu cầu CSSK, phòng chống bệnh tật và kéo dài tuổi thọ... và trở thành ngành nghề thiết yếu. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đánh giá, ngành kinh tế chăm sóc đang phát triển mạnh khi nhu cầu chăm sóc trẻ em và người già tăng lên ở mọi khu vực. Xu hướng này cũng tạo ra một số lượng lớn việc làm trong những năm tới. Theo ILO, năm 2015, trên toàn thế giới có 2,1 tỷ người cần được chăm sóc, gồm 1,9 tỷ trẻ em dưới 15 tuổi và 200 triệu người cao tuổi. Đến năm 2030, con số này dự kiến ​​sẽ đạt mốc 2,3 tỷ, do có thêm 200 triệu người cao tuổi và trẻ em.

Các đánh giá cho thấy công việc chăm sóc không công, nếu được trả lương và tính toán vào kinh tế chính thức, sẽ chiếm 9% giá trị tăng trưởng toàn cầu. Chỉ riêng ở Mỹ latin, ngành này sẽ đóng góp từ 15,7 đến 24,2% GDP của khu vực, trở thành một trong những ngành đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế so hầu hết các ngành công nghiệp riêng lẻ khác.

Ngành chăm sóc đang nổi lên như một lĩnh vực quan trọng tạo ra việc làm, đặc biệt là trong kỷ nguyên tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI). Trong khi những tiến bộ công nghệ đang chuyển đổi thị trường lao động toàn cầu, đe dọa các công việc truyền thống thì ngược lại, ngành kinh tế chăm sóc có tiềm năng to lớn cung cấp việc làm cho người lao động, đặc biệt là đối với phụ nữ. Tại Ấn Độ, Viện Tư vấn McKinsey chỉ ra rằng, quốc gia Nam Á có thể hóa giải được thách thức kép là tỷ lệ tham gia lực lượng lao động nữ thấp và sự thay đổi nhân khẩu học đáng kể, điều này có thể được giải quyết nhờ công nhận và phát triển các ngành kinh tế chăm sóc.

Hiện tại, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động (LFPR) của phụ nữ Ấn Độ chỉ là 41,7%, trong khi ở nam giới là 77,2%. Trên toàn cầu, LFPR của phụ nữ trung bình là 50%, trong khi của nam giới là 80%. “Việc làm trong lĩnh vực CSSK có thể giải quyết khoảng cách giới tính kể trên và mang lại lợi ích kinh tế to lớn”, Viện McKinsey dự đoán. Phát triển lĩnh vực kinh tế chăm sóc có thể tạo ra việc làm mới và thúc đẩy đáng kể GDP của Ấn Độ. “Đầu tư vào các dịch vụ này có thể tạo ra hàng triệu việc làm trong khi giải quyết các nhu cầu quan trọng của xã hội”. ILO cũng ước tính rằng việc tăng đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc của Ấn Độ có thể tạo ra 11 triệu việc làm vào năm 2030.

Tương lai của dịch vụ chăm sóc ảnh 1

Người cao tuổi cần được hỗ trợ nhiều hơn về sức khỏe. Ảnh: AP

Nhu cầu ngày càng gia tăng

Theo báo cáo, hiện nay, ngành chăm sóc toàn cầu sử dụng khoảng 380 triệu lao động, con số này dự kiến ​​sẽ tăng lên khi nhu cầu về dịch vụ chăm sóc tăng lên. Những người làm công việc chăm sóc, dù là chăm sóc người già, trẻ nhỏ hay giúp việc gia đình… ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và xã hội hiện đại. Thống kê cũng chỉ ra rằng, phần lớn công việc chăm sóc trong gia đình và trong ngành dịch vụ trên toàn thế giới, thường do phụ nữ hoặc trẻ em gái đảm nhiệm. Đây là hiện tượng phổ biến ở các khu vực và quốc gia bất kể mức thu nhập cao hay thấp.

“Tuy nhiên, những người làm công việc chăm sóc trên toàn thế giới vẫn thiếu hụt phúc lợi và chế độ bảo hiểm, mức lương thấp hoặc không được đền bù khi chịu tổn thất về thể chất, tinh thần như bị phân biệt đối xử, lạm dụng tình dục”, ILO nêu rõ trong một báo cáo mới đây về công việc chăm sóc không được trả lương ở các quốc gia có thu nhập thấp.

Trong lĩnh vực dịch vụ, công việc chăm sóc thường đi kèm mức lương thấp và điều kiện làm việc không tương xứng. “Người lao động nói chung, phụ nữ và trẻ em gái nói riêng trong lĩnh vực này không được hưởng những chi phí liên quan như tiền lương, trợ cấp và có nguy cơ mất đi cơ hội việc làm bất cứ lúc nào”, nhà nghiên cứu Laura Addati của ILO chỉ ra.

Theo ILO, sự thiếu hụt người chăm sóc và dịch vụ chăm sóc chất lượng phản ánh chính sách chưa theo kịp thực tế ở nhiều quốc gia. “Ngay cả những nước phát triển cũng chưa thể bảo đảm thu nhập cho người lao động làm các công việc chăm sóc. Thiếu quy định pháp luật về tiêu chuẩn lao động khiến những người chăm sóc không được trả lương tương xứng với số giờ làm việc tối thiểu hằng ngày hay hằng tuần, cũng như rất khó xin được trợ cấp trong trường hợp thất nghiệp”, báo cáo cho hay.

Theo báo cáo của ILO, trên toàn cầu, phụ nữ thực hiện 76,2% tổng số giờ làm công việc chăm sóc không công, nhiều hơn gấp ba lần so nam giới. Ở châu Á - Thái Bình Dương, con số này tăng lên 80%. Khoảng 90% số nhân viên chăm sóc dài hạn ở các quốc gia trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) là phụ nữ. Ngay cả ở những quốc gia có chính sách an sinh tốt, chẳng hạn như Đan Mạch và Na Uy, tỷ lệ phụ nữ làm công việc chăm sóc được hưởng lương chính thức lần lượt là 95% và 92% (số liệu năm 2021).

“Trong bối cảnh đó, tầm quan trọng của công việc chăm sóc trên thế giới càng được nhấn mạnh”, Trưởng nhóm nghiên cứu Laura Addati cho hay. ILO kêu gọi tổ chức và phân phối lại, xây dựng dịch vụ công để hỗ trợ chi phí chăm sóc trong các hộ gia đình, trả lương tương xứng cho người lao động trong lĩnh vực này. Cơ quan này khuyến nghị, bằng cách tăng gấp đôi khoản đầu tư vào giáo dục, y tế và công tác xã hội tới năm 2030, thế giới có thể tạo ra hàng triệu việc làm mới trong lĩnh vực này trên toàn cầu, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tăng trưởng việc làm và gia tăng thu nhập.