Trách nhiệm của doanh nghiệp với biến đổi khí hậu

Một báo cáo có tên “Carbon Majors” do tổ chức phi lợi nhuận InfluenceMap công bố mới đây cho thấy, quá trình sản xuất của 36 công ty nhiên liệu hóa thạch đã phát thải tới 20 tỷ tấn khí CO2 trong năm 2023, chiếm một nửa lượng phát thải carbon toàn cầu. Dữ liệu mới này làm dấy lên làn sóng yêu cầu các doanh nghiệp chịu trách nhiệm khi góp phần gây ra “khủng hoảng khí hậu”.
0:00 / 0:00
0:00
Khí CO2 từ các nhà máy khiến biến đổi khí hậu thêm nghiêm trọng. Ảnh: BLOOMBERG
Khí CO2 từ các nhà máy khiến biến đổi khí hậu thêm nghiêm trọng. Ảnh: BLOOMBERG

Công bố gây kinh ngạc

Theo báo cáo nêu trên, những công ty dẫn đầu về phát thải CO2 bao gồm các doanh nghiệp tên tuổi như Tập đoàn dầu khí Saudi Aramco (Saudi Arabia), Công ty khai thác than đá Coal India (Ấn Độ), Công ty Dầu khí tự nhiên ExxonMobil (Indonesia), Công ty Dầu khí đa quốc gia Shell và một số doanh nghiệp Trung Quốc… Báo cáo cho thấy 25 trên tổng số 36 công ty này do các doanh nghiệp nhà nước chi phối, 10 trong số đó nằm ở Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu so sánh rằng, nếu coi Saudi Aramco là một quốc gia, đây sẽ là nước phát thải lớn thứ 4 thế giới sau Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ. Trong khi đó, lượng khí thải từ ExxonMobil tương đương với Đức - quốc gia phát thải lớn thứ 9 toàn cầu.

Báo cáo Carbon Majors cũng tính toán lượng khí phát thải từ quá trình đốt than, dầu và khí đốt do 169 công ty lớn sản xuất vào năm 2023. Cơ sở dữ liệu này cho thấy 41% lượng khí thải năm 2023 đến từ than đá, 32% từ dầu mỏ, 23% từ khí đốt và 4% từ sản xuất xi-măng. Báo cáo phát hiện 93 công ty đã tăng tổng lượng khí thải so năm trước. Ngoài ra, cơ sở dữ liệu cũng ghi nhận lượng khí thải lịch sử từ năm 1854 đến 2023. Theo đó, 180 công ty chịu trách nhiệm cho hai phần ba tổng lượng khí thải carbon từ thời Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất (nửa cuối thế kỷ 18 đến nửa đầu thế kỷ 19). Hiện 11 công ty trong số đó không còn tồn tại.

Bà Christiana Figueres, nguyên Giám đốc Khí hậu của LHQ vào thời điểm Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 được thông qua cho biết: “Những công ty này đang khiến thế giới phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch mà không có kế hoạch làm chậm sản xuất. Khoa học đã chứng minh rõ ràng rằng chúng ta không thể quay lại việc khai thác nhiên liệu hóa thạch nhiều hơn. Thay vào đó, chúng ta phải tiến tới các khả năng của một hệ thống kinh tế phi carbon bền vững vì con người và hành tinh này”.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Emmett Connaire thuộc Tổ chức InfluenceMap - nhóm nghiên cứu đã biên soạn báo cáo Carbon Majors - khẳng định: “Bất chấp các cam kết về khí hậu toàn cầu, một nhóm nhỏ các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch lớn nhất thế giới đang tăng đáng kể sản lượng và lượng khí thải. Nghiên cứu này nêu bật tác động không cân xứng của các công ty này đối với cuộc khủng hoảng khí hậu và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng trách nhiệm doanh nghiệp”.

Mặc dù thế giới cần cắt giảm 45% lượng khí thải vào năm 2030 để giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 1,5°C so thời kỳ tiền công nghiệp, lượng khí thải hiện vẫn tiếp tục gia tăng, làm trầm trọng thêm các hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và sinh kế của hàng triệu người trên toàn cầu.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho hay, các dự án nhiên liệu hóa thạch mới bắt đầu sau năm 2021 không phù hợp mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Hầu hết 169 công ty trong cơ sở dữ liệu Carbon Majors đều tăng lượng khí thải vào năm 2023, năm nóng nhất được ghi nhận vào thời điểm đó.

Trước báo cáo Carbon Major, người phát ngôn của Tập đoàn Shell cho biết: “Shell cam kết trở thành doanh nghiệp năng lượng phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Các khoản đầu tư của chúng tôi vào công nghệ mới đang giúp giảm phát thải cho Shell và khách hàng”. Trong khi đó, Saudi Aramco, Coal India, ExxonMobil, Chevron, TotalEnergies và BP từ chối bình luận về vấn đề này.

Trách nhiệm của doanh nghiệp với biến đổi khí hậu ảnh 1

Cơ sở lọc hóa dầu của Tập đoàn Saudi Aramco. Ảnh: AL JAZEERA

Yêu cầu trách nhiệm

Khí CO2 phát thải từ nhiên liệu hóa thạch là một trong những nguyên nhân chính gây ra hiệu ứng nhà kính, dẫn đến biến đổi khí hậu. Nhiệt độ toàn cầu gia tăng đồng thời làm xuất hiện nhiều hơn các hiện tượng thời tiết cực đoan, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống con người và thiệt hại nền kinh tế.

Trong một thập kỷ từ năm 2009-2019, ước tính các hiện tượng thời tiết cực đoan đã khiến khoảng 23,1 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, khiến họ lâm vào nghèo đói. Hầu hết người tị nạn đến từ những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu hoặc ít có khả năng sẵn sàng thích ứng. Các chuyên gia dự báo, nếu không có những biện pháp kịp thời cắt giảm nhiên liệu hóa thạch, nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng đỉnh điểm 2,7oC vào năm 2100 và xóa bỏ mục tiêu quốc tế đưa ra tại Thỏa thuận Paris là hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5oC. Trong một báo cáo mới nhất, nhiệt độ trung bình bề mặt của Trái đất đang ở mức cao nhất mọi thời đại, với tháng 7/2024 chứng kiến ​​3 ngày nóng nhất từng ghi nhận trong lịch sử.

Theo Euronews, báo cáo Carbon Majors công bố lần đầu vào năm 2013. Tài liệu này kết hợp dữ liệu về sản xuất than đá, dầu mỏ và khí đốt do các công ty tự báo cáo với các nguồn như Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ, Hiệp hội Khai thác quốc gia Mỹ và các nguồn dữ liệu khác. Báo cáo này đã được sử dụng như một bằng chứng chiến lược để buộc các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về những tác động của họ đối với thiệt hại về khí hậu, yêu cầu các công ty nhiên liệu hóa thạch bồi thường cho những hậu quả mà họ gây ra. Dữ liệu cũng đã được các nhóm pháp lý trích dẫn để hỗ trợ cho cáo buộc hình sự tiềm tàng đối với những người lãnh đạo các tập đoàn, công ty nói trên và được tham chiếu trong các chính sách quản lý.

Nghiên cứu của InfluenceMap nêu bật tác động không cân xứng của các công ty này đối với cuộc khủng hoảng khí hậu. Một số công ty hiện phải đối mặt với hành động pháp lý tại Mỹ theo Luật Quỹ siêu cấp khí hậu, dựa trên những phát hiện từ cơ sở dữ liệu. “Điều này nhấn mạnh vai trò quan trọng của báo cáo Carbon Majors trong việc theo dõi lượng khí thải, thúc đẩy thay đổi mang tính hệ thống và hỗ trợ các nỗ lực thực thi trách nhiệm của doanh nghiệp”, ông Emmett Connaire cho hay.

Trong khi đó, người đứng đầu khu vực tại Tổ chức môi trường quốc tế 350.org, ông Savio Carvalho, nhận định những phát hiện trong báo cáo là “đáng báo động và không thể chấp nhận được”. Ông cho rằng đây là hồi chuông cảnh báo đối với các chính phủ, nhà hoạch định chính sách và xã hội dân sự. “Các tập đoàn và cá nhân siêu giàu vẫn tiếp tục theo đuổi lợi nhuận ngắn hạn cho bản thân và các cổ đông, và không thể được tin tưởng giao phó nhiệm vụ giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu hoặc dẫn đầu quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo mà chúng ta rất cần”, ông Carvalho nhấn mạnh.

Trước tình trạng cấp thiết nói trên, ông Kumi Naidoo, Chủ tịch Sáng kiến ​​Hiệp ước Không phổ biến nhiên liệu hóa thạch kêu gọi các chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp cần phải hành động ngay lập tức. “Chúng ta đang sống trong thời điểm quan trọng trong lịch sử loài người. Điều cần thiết là các chính phủ phải hành động và sử dụng thẩm quyền của mình để chấm dứt nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang phải đối mặt, đó là sự mở rộng của nhiên liệu hóa thạch”, ông Naidoo nói. Chia sẻ quan điểm này, ông Carvalho cho rằng cuộc khủng hoảng khí hậu sẽ không biến mất, do đó con người cần hành động khẩn cấp để chuyển đổi sang năng lượng tái tạo an toàn với giá cả phải chăng.

Theo AFP, trong nhiều năm nay, giới chức thế giới đã đề ra cũng như triển khai nhiều chính sách để giảm tình trạng biến đổi khí hậu vốn đang diễn biến nhanh chóng và phức tạp. Dù vậy, các chuyên gia khí hậu cũng cho biết không thể cắt giảm ô nhiễm carbon nếu các quốc gia không đủ tài chính để loại bỏ than, dầu và khí đốt. Hiện, ước tính thế giới cần 1.000 tỷ USD mỗi năm để có thể chuyển đổi hoàn toàn sang năng lượng tái tạo. Con số này bị coi là “gánh nặng” đối với các nước đang phát triển. Tuy nhiên, các chuyên gia khí hậu cho rằng nếu còn chần chừ, chi phí ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.