Vòng xoáy bạo lực mới

Ngày 19/3 vừa qua, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) bắt đầu nối lại chiến dịch trên bộ tại khu vực trung và nam Dải Gaza, chiếm lại một phần khu vực quan trọng trong lãnh thổ này sau khi tiến hành không kích một hôm trước đó khiến hơn 400 người thiệt mạng, khoảng 1.000 người bị thương, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em, phá vỡ lệnh ngừng bắn kéo dài hai tháng với phong trào vũ trang Hamas.
0:00 / 0:00
0:00
Quân đội Israel tập kết tại biên giới với Dải Gaza. Ảnh: ABC NEWS
Quân đội Israel tập kết tại biên giới với Dải Gaza. Ảnh: ABC NEWS

Đàm phán dưới hỏa lực

Trong một tuyên bố video gửi tới người dân Gaza, Bộ trưởng Quốc phòng Israel, ông Israel Katz cho biết, IDF sẽ hoạt động mạnh mẽ ở các khu vực khác của Gaza, người dân được yêu cầu sơ tán khỏi các khu vực chiến sự vì sự an toàn của chính mình. “Hãy làm theo lời khuyên của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trả lại con tin và tiêu diệt Hamas, rồi các bạn sẽ có nhiều lựa chọn khác, bao gồm việc đi đến những nơi khác trên thế giới nếu muốn”, ông Katz nói.

Bộ trưởng Ngoại giao Israel Gideon Saar nói các cuộc không kích “không chỉ kéo dài một ngày”. Ông cũng cho biết, do Hamas không chấp nhận đề xuất gia hạn ngừng bắn nên Israel “không còn lựa chọn nào khác” ngoài việc tấn công Hamas một lần nữa.

Còn Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết, Israel mở lại các cuộc tấn công vào Hamas là do cuộc đàm phán ngừng bắn đi vào bế tắc và Hamas đã nhiều lần từ chối thả con tin theo đề xuất của Mỹ. “Nếu Hamas vẫn tiếp tục từ chối thả con tin, chúng tôi sẽ quay lại chiến đấu. Và thật sự, chúng tôi đã quay lại chiến đấu với tất cả sức mạnh của mình. Từ bây giờ, các cuộc đàm phán sẽ chỉ diễn ra dưới hỏa lực, ông Benjamin Netanyahu tuyên bố.

Trong khi đó, Hamas tuyên bố các cuộc không kích của Israel và hoạt động trên bộ vào Gaza đã vi phạm thỏa thuận ngừng bắn giữa hai bên có từ hai tháng trước, gây nguy hiểm cho số phận của các con tin Israel hiện đang bị giam giữ tại Gaza. Hamas cho biết, họ vẫn cam kết thực hiện thỏa thuận ngừng bắn ký với Israel hồi tháng 1.

Thỏa thuận ba giai đoạn

Ngày 16/1/2025, dưới sự trung gian hòa giải của Mỹ, Ai Cập và Qatar, Israel và phong trào Hồi giáo Hamas đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza sau 15 tháng xung đột. Thỏa thuận ngừng bắn bắt đầu có hiệu lực từ ngày 19/1/2025, chia làm ba giai đoạn, mỗi giai đoạn kéo dài 42 ngày.

Trong giai đoạn 1, Hamas sẽ thả một số con tin, gồm phụ nữ, trẻ em và những người hơn 50 tuổi, còn Israel sẽ thả hàng trăm tù nhân người Palestine, bắt đầu rút lui khỏi một số khu vực ở Gaza, tạo điều kiện để viện trợ nhân đạo trở lại đây dễ dàng hơn. Giai đoạn 2, Hamas sẽ thả tất cả các con tin nam giới còn lại, trong khi Israel thả một số tù nhân Palestine cao cấp và rút hoàn toàn khỏi Gaza. Ở giai đoạn 3 của thỏa thuận, Hamas trao trả thi thể các con tin và bắt đầu công cuộc tái thiết Gaza.

Ngoại trừ một vài trục trặc nhỏ với các cáo buộc lẫn nhau của cả hai phía, giai đoạn 1 (kết thúc vào ngày 1/3), diễn ra suôn sẻ với việc Hamas thả 33 con tin người Israel và người mang hai quốc tịch, trong đó tám người đã thiệt mạng; phía Israel thả khoảng 1.800 tù nhân Palestine.

Lẽ ra hai bên phải bắt đầu bước vào đàm phán để bắt đầu giai đoạn 2 của thỏa thuận, nhưng Văn phòng Thủ tướng Israel đưa ra đề xuất mới. Theo đó, thay vì thực hiện giai đoạn 2 như thỏa thuận trước đó, Israel muốn gia hạn giai đoạn 1 của thỏa thuận đến ngày 20/4, yêu cầu Hamas trả tự do cho 59 con tin còn lại (24 con tin được cho là vẫn còn sống, số khác đã thiệt mạng) thành hai đợt vào đầu và cuối tháng lễ Ramadan và lễ Vượt qua, kéo dài đến ngày 19/4. Thủ tướng B.Netanyahu cũng bác bỏ yêu cầu rút quân toàn bộ khỏi Gaza, khẳng định Israel không có kế hoạch rút khỏi Hành lang Philadelphi giữa Ai Cập và Gaza, bất chấp thỏa thuận trước đó với Hamas.

Nhiều nguồn tin cho rằng, đặc phái viên Trung Đông của Mỹ, ông Steve Witkoff, là người đứng sau đề xuất này. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump không xác nhận thông tin họ là bên đứng sau nhưng bày tỏ sự ủng hộ đối với đề xuất của phía Israel đưa ra. Còn phía Hamas khẳng định họ chỉ chấp nhận thỏa thuận đã được thống nhất từ tháng 1/2025 và không có ý định đàm phán thêm.

Mục tiêu không thay đổi

Chiến dịch đột kích của Hamas vào lãnh thổ Israel ngày 7/10/2023 đã khiến hơn 1.200 người Israel thiệt mạng, 251 người bị bắt làm con tin và bị Hamas đưa về Dải Gaza. Kể từ đó, Israel đã tiến hành một chiến dịch tổng phản kích nhằm trả đũa với mục tiêu cao nhất là tiêu diệt tận gốc Hamas, giải thoát cho toàn bộ con tin bị Hamas bắt giữ.

Các nguồn tin tình báo của Israel cho hay, chỉ trong tám tháng đầu chiến dịch của Tel Aviv, Hamas đã mất khoảng một nửa lực lượng, hàng ngũ các lãnh đạo chỉ huy cao cấp của Hamas bị tổn thất nặng nề. Các nguồn tin tình báo Mỹ ước tính sau hơn 15 tháng giao tranh, khoảng 20.000 tay súng Hamas đã thiệt mạng. Nhưng cũng chính Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ dưới thời Tổng thống J.Biden là ông Antony Blinken, chỉ vài ngày trước khi rời nhiệm sở hồi tháng 1 vừa qua đã phát biểu rằng: “Hamas đã chiêu mộ được số chiến binh mới gần bằng số chiến binh bị mất”.

Chiến dịch tấn công vào Dải Gaza đã gây nên những thiệt hại nặng nề cho dân thường Palestine. Cơ quan y tế của Hamas cho biết, các hoạt động quân sự của Israel trong hơn 15 tháng qua đã gây nên cái chết của hơn 50.000 người, san phẳng nhiều vùng đất rộng lớn, tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo thảm khốc tại Gaza.

Câu hỏi đặt ra là vì sao Israel lại nối lại các cuộc tấn công nhằm vào Dải Gaza ở thời điểm này?

Có thể thấy, kể cả khi đã đạt được thỏa thuận ngưng chiến với Hamas, mục tiêu của Israel trước sau vẫn không thay đổi: Loại bỏ hoàn toàn Hamas ra khỏi đời sống xã hội ở Gaza, tận diệt lực lượng này, tránh nguy cơ trong tương lai có thể xảy ra những vụ tấn công tương tự ngày 7/10/2023. Do vậy, sau khi đã đạt được mục tiêu giải thoát một số con tin trong giai đoạn 1 của thỏa thuận với Hamas, Tel Aviv đã quyết định xuống tay bạo liệt nhằm mục tiêu kép, đó là vừa tiêu diệt Hamas, vừa tìm cách giải thoát số con tin còn lại.

Israel cũng hy vọng rằng, những cuộc tấn công mang tính sát thương liên tục nhằm vào Dải Gaza sẽ khiến cho người Palestine ở khu vực này không chịu nổi áp lực và lên tiếng phản kháng Hamas, đòi hỏi lực lượng này có phương cách mềm dẻo hơn đối với Israel. Bằng chứng cho sự kỳ vọng này của Israel là đã bắt đầu xuất hiện những cuộc biểu tình lẻ tẻ của người Palestine ở Gaza chống Hamas, đòi phải nhanh chóng chấm dứt chiến tranh. Nếu như xu hướng này lan rộng, đó sẽ là một thách thức lớn đối với Hamas và phù hợp sự kỳ vọng của phía Israel.

Cũng không thể không tính đến tác động của sự chuyển hướng chính sách dưới chính quyền của Tổng thống Donald Trump. Kể từ khi quay lại Nhà trắng trong nhiệm kỳ 2, ông Trump đã thể hiện lập trường ủng hộ Israel vô điều kiện, nhiều lần lên tiếng cảnh báo Hamas phải lập tức thả toàn bộ con tin, nếu không sẽ phải trả giá đắt. Đề xuất của ông D.Trump về việc toàn bộ người dân Palestine ở Gaza nên rời đi định cư ở các nước Arab chung quanh, để cho Mỹ tiếp quản Gaza và biến vùng đất đã bị tàn phá này thành một khu du lịch sang trọng ở Trung Đông, mặc dù gây sốc cho nhiều người, nhưng rõ ràng cũng phù hợp những tính toán chiến lược của Israel. Việc Mỹ tấn công trên quy mô lớn lực lượng Houthi ở Yemen, vốn lâu nay đe dọa an toàn hàng hải ở khu vực Biển Đỏ nhằm ủng hộ cuộc chiến của Hamas chống Israel, phần nào cũng cho thấy sự hợp đồng chặt chẽ giữa Washington và Tel Aviv trong đối sách với Hamas.

Hành động quân sự của Israel còn phản ánh phần nào những vấn đề nội tại trên chính trường nước này. Từ lâu, các phe phái cực hữu trong Chính phủ Israel đã phản đối thỏa thuận ngừng bắn, coi đó là sự đầu hàng trước Hamas. Họ muốn người Palestine rời khỏi Dải Gaza, khôi phục các khu định cư mà Israel đã rút đi hồi năm 2005. Áp lực từ phía các phe phái cực hữu là động lực khiến Thủ tướng Benjamin Netanyahu phải ra tay hành động để xoa dịu cánh hữu; một “nội các chiến tranh” sẽ có cơ may vượt qua được những rắc rối cá nhân mà Thủ tướng Benjamin Netanyahu phải đối mặt trong thời gian gần đây.

Thỏa thuận ngừng bắn đạt được giữa Israel và Hamas hồi tháng 1 những tưởng sẽ mang lại cho Gaza sự bình yên nhưng chỉ duy trì được trong một khoảng thời gian ngắn ngủi. Việc Israel nối lại các cuộc tấn công nhằm vào Dải Gaza đã đẩy khu vực vào một vòng xoáy bạo lực mới, chắc chắn sẽ mang lại những thảm kịch cho người dân ở đây, vốn đã phải chịu vô vàn thương đau trong thời gian hơn 15 tháng qua.