Dễ dàng truy cập nhóm chat mật
Ngày 27/3, tạp chí The Atlantic gây chấn động dư luận khi công bố toàn bộ cuộc trao đổi bằng tin nhắn trong nhóm chat kín của các quan chức hàng đầu Nhà trắng về kế hoạch không kích lực lượng Houthi ở Yemen, sau khi Tổng Biên tập Jeffrey Goldberg của tờ báo này vô tình bị Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Mike Waltz thêm vào nhóm trò chuyện (chat) trên ứng dụng Signal. Trước đó, ngày 24/3, tạp chí nói trên chỉ công bố một phần nội dung cuộc trò chuyện, vì lo ngại một số đoạn trao đổi có thể chứa thông tin mật liên quan an ninh quốc gia Mỹ.
Theo AP, trong bài báo, The Atlantic công khai những chi tiết đáng chú ý từ cuộc trò chuyện giữa các quan chức Nhà trắng như Phó Tổng thống Vance và Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) John Ratcliffe, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Pete Hegseth. Đặc biệt, những thông tin về cuộc tấn công vào lực lượng Houthi ở Yemen cũng được công khai. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã chia sẻ thông tin về thời gian cất cánh, loại máy bay chiến đấu được sử dụng và các cập nhật theo thời gian về kết quả của cuộc tấn công, những thông tin mà nhiều chuyên gia nhận định là tối mật. Những chi tiết này, nếu bị kẻ xấu nắm bắt, có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng về an ninh quốc gia của Mỹ.
Không chỉ vậy, theo thông tin từ The Atlantic, các quan chức Mỹ cũng đề cập mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu. Phó Tổng thống Mỹ cho biết, “ghét” việc “giải cứu châu Âu lần nữa” thông qua hành động quân sự nhằm bảo vệ giao thương trên Biển Đỏ, trong khi tuyến đường này mang lại lợi ích cho thương mại châu Âu nhiều hơn. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth chỉ trích châu Âu “ăn bám”.
Các tin nhắn bị rò rỉ thậm chí còn có nội dung thảo luận về việc yêu cầu châu Âu “trả tiền” cho chi phí hành động quân sự của Mỹ. Thực tế, theo Politico, kế hoạch không kích được nêu chi tiết trong nhóm chat đã nhận được sự hỗ trợ từ máy bay tiếp nhiên liệu của Anh.
“Thật lạnh người khi nhận ra tôi đã vô tình phát hiện lỗ hổng bảo mật lớn trong hệ thống an ninh quốc gia của Mỹ”, Tổng Biên tập The Atlantic cho biết. Ông cũng khẳng định, đã tự thoát ra khỏi ứng dụng sau khi các thành viên khác chúc mừng nhau thực hiện thành công kế hoạch tấn công Houthi.
Sau tiết lộ chấn động vừa qua của ông Goldberg, Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Brian Hughes thừa nhận về cuộc thảo luận trên Signal cho rằng, “chuỗi tin nhắn được đưa tin có vẻ là xác thực và chính quyền đang xem xét việc một số người vô tình được thêm vào”. Tuy nhiên, Bộ trưởng Hegseth khẳng định “chẳng ai đi nhắn tin về kế hoạch chiến tranh” và chỉ trích nhà báo Goldberg là “gian dối và rất mất uy tín”.
Trong khi đó, khi được hỏi về vấn đề này, Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ: “Tôi chẳng mặn mà gì The Atlantic. Đối với tôi, đó là một tạp chí sắp phá sản. Tôi nghĩ đó không phải là một tạp chí uy tín”. Vụ rò rỉ tin nhắn từ nhóm chat Signal giữa các quan chức an ninh cấp cao trong chính quyền Mỹ đã trở thành tâm điểm của một phiên điều trần tại Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ vào đêm 26/3. Tổng thống Trump cho biết, sẽ “xem xét lại” việc sử dụng ứng dụng thương mại như Signal, nhưng khẳng định vụ việc không quá nghiêm trọng.
Trước đó, Tổng thống Trump cho rằng, Cố vấn An ninh quốc gia Waltz chịu trách nhiệm trong vụ lộ kế hoạch không kích Houthi với nhà báo, còn Bộ trưởng Quốc phòng Hegseth vô can. Theo ông Donald Trump, ông Hegseth đang làm tốt công việc của mình.
![]() |
Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ công khai đoạn chat trên ứng dụng Signal. Ảnh: US NEWS |
Hứng chịu chỉ trích
Vụ rò rỉ thông tin đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ đảng Dân chủ và cộng đồng an ninh quốc gia, đặc biệt là về việc sử dụng nền tảng Signal để trao đổi thông tin nhạy cảm. Các chuyên gia an ninh cho rằng, Signal không phải là công cụ phù hợp để trao đổi những vấn đề an ninh quốc gia vì tính bảo mật không được bảo đảm. Việc các quan chức sử dụng ứng dụng này để bàn bạc về kế hoạch quân sự được cho là một sai lầm nghiêm trọng, có thể dẫn đến những rủi ro về an ninh và ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của chính quyền.
Bà Tulsi Gabbard, một cựu nghị sĩ của đảng Dân chủ cho rằng, dù cuộc trò chuyện này có nhạy cảm nhưng không có thông tin về nguồn tin, phương pháp hay kế hoạch chiến tranh nào được chia sẻ. Tuy nhiên, nhiều nghị sĩ Dân chủ không đồng tình và khẳng định rằng, việc chia sẻ các chi tiết về kế hoạch tấn công là một vi phạm nghiêm trọng quy định bảo mật thông tin của Chính phủ Mỹ. Trong khi các cuộc điều tra đang được tiến hành, Quốc hội Mỹ, nhất là các nghị sĩ đảng Dân chủ tiếp tục gia tăng sức ép, yêu cầu làm rõ trách nhiệm và siết chặt quy trình bảo mật thông tin.
Luật sư chuyên về an ninh quốc gia Kevin Carroll đã chỉ ra rằng, cuộc trò chuyện trong nhóm chat có thể vi phạm Đạo luật Gián điệp của Mỹ, một đạo luật rất nghiêm ngặt về việc bảo vệ thông tin mật quốc gia. Năm 2015, bà Hillary Clinton từng bị điều tra vì trao đổi thông tin mật bằng email cá nhân và bị ông Trump chỉ trích thậm tệ. Sau nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump cũng bị điều tra liên quan việc đem tài liệu mật ra khỏi Nhà trắng.
Các đối tượng vi phạm có thể bị đưa ra tòa án quân sự và đối mặt các hình phạt rất nặng. Theo các chuyên gia pháp lý, sai lầm như vậy thường sẽ được Cục Điều tra Liên bang (FBI) và Bộ Tư pháp Mỹ điều tra, nhưng trong trường hợp này, vì có sự tham gia của các quan chức cấp cao, không biết vụ việc sẽ được điều tra cụ thể ra sao. Mặc dù vậy, các nghị sĩ Dân chủ vẫn yêu cầu làm rõ trách nhiệm của những người có liên quan và tăng cường quy trình bảo mật thông tin trong chính phủ.
Rò rỉ dữ liệu cá nhân của quan chức cấp cao
Sau vụ việc trên, tạp chí Der Spiegel của Đức cho hay, đã thử tìm kiếm các thông tin liên quan lãnh đạo cấp cao Mỹ trên internet. Kết quả cho thấy, số điện thoại di động của Cố vấn An ninh quốc gia Mike Waltz, Giám đốc Tình báo quốc gia Tulsi Gabbard và Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth đều có thể được tìm thấy trên các dịch vụ tìm kiếm dữ liệu thương mại và dữ liệu do tin tặc đưa lên mạng. Phần lớn những thông tin này vẫn còn giá trị sử dụng và có liên kết với nhiều nền tảng kỹ thuật số như Instagram, LinkedIn, Dropbox và các ứng dụng theo dõi vị trí. Thậm chí số điện thoại của bà Gabbard và ông Waltz được cho là có liên kết với các tài khoản nhắn tin WhatsApp và Signal.
Theo Der Spiegel, khi tìm kiếm sâu hơn, họ còn có thể tìm được địa chỉ email và mật khẩu. Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ sau đó khẳng định, các tài khoản và mật khẩu liên quan đến ông Waltz được đề cập trong bài báo của Der Spiegel đã được thay đổi từ năm 2019. Tuy nhiên, tạp chí nói trên cho rằng, có khả năng gián điệp nước ngoài đã bám sát vụ rò rỉ nhóm trò chuyện mật trên Signal vừa qua, khiến bộ ba quan chức Mỹ đối mặt khủng hoảng.
Trước tình hình này, các chuyên gia an ninh mạng cảnh báo, dữ liệu cá nhân của các chính trị gia bị rò rỉ có thể tạo cơ hội cho tin tặc lợi dụng và cài mã độc vào thiết bị của họ, giúp chúng chiếm quyền truy cập vào thiết bị, email, công cụ nhắn tin và các dịch vụ tài chính như PayPal. Ông Donald Ortmann, chuyên gia về an ninh thông tin, nhận định những thông tin này có thể bị khai thác để đánh lừa các quan chức, khiến họ vô tình tiết lộ thêm dữ liệu quan trọng.
Theo AP, vụ rò rỉ thông tin từ nhóm chat của Nhà trắng là một lời nhắc nhở nghiêm túc về tầm quan trọng của việc bảo mật thông tin trong chính quyền Mỹ. Mặc dù vụ việc này được xem là một sai lầm nghiêm trọng, nhưng cũng mở ra một cuộc tranh luận lớn về quy trình bảo mật và trách nhiệm của các quan chức trong việc xử lý thông tin quốc gia. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của chính quyền hiện tại mà còn gây ra những lo ngại về sự an toàn của thông tin quốc gia trong tương lai.