“Công xưởng” của những phát minh
Tọa lạc tại thành phố Dubna, ngoại ô Thủ đô Moscow (Nga), JINR là một tổ chức khoa học liên chính phủ quốc tế gồm 16 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam. Với phương châm “Khoa học kết nối các quốc gia”, JINR đã kết nối với nhiều trung tâm nghiên cứu khác trên thế giới để cùng giải quyết những vấn đề chung của vật lý hạt nhân. Các nhà khoa học JINR chú trọng công tác nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm cơ bản trong các lĩnh vực vật lý hạt, vật lý hạt nhân, vật lý vật chất ngưng tụ và vật lý năng lượng cao.
Hiện nay, JINR có 7 cơ sở thí nghiệm khác nhau. Trong phòng thí nghiệm phản ứng hạt nhân, 10 nguyên tố mới đã được tổng hợp: Từ 102 đến 105, 108 và từ 114 đến 118. Để ghi nhận những đóng góp to lớn của các nhà khoa học JINR cho vật lý và hóa học hiện đại, nguyên tố thứ 105 được đặt tên là dubnium, nguyên tố thứ 114 được đặt tên là flerovium để vinh danh người sáng lập phòng thí nghiệm Georgy Flerov, nguyên tố thứ 115 được đặt tên là moscovium để vinh danh Moscow và nguyên tố thứ 118 được đặt tên là oganesson để vinh danh Giám đốc khoa học của phòng thí nghiệm Yuri Oganessian.
Năm 2019, JINR đã khánh thành nhà máy sản xuất nguyên tố siêu nặng với máy gia tốc DC-280. Xét về cường độ chùm tia, máy gia tốc này vượt trội hơn các máy gia tốc tương tự trên thế giới. Sự ra đời của DC-280 đã mở rộng đáng kể khả năng tổng hợp các nguyên tố mới cũng như nghiên cứu tính chất của chúng. Từ nhiều năm nay, nhà máy có kế hoạch tổng hợp ba nguyên tố mới: 119, 120 và 121.
Bên cạnh đó, JINR đang triển khai dự án chế tạo máy gia tốc ion siêu dẫn NICA. Đây là một trong 6 dự án siêu khoa học tại Nga nhằm tạo đột phá trong nghiên cứu khoa học cơ bản. Máy gia tốc siêu dẫn của proton và ion nặng NICA đang được xây dựng trên địa bàn của JINR. Đây là máy gia tốc có khả năng tái tạo trạng thái vật chất đặc biệt mà vũ trụ tồn tại trong những khoảnh khắc đầu tiên sau Vụ nổ lớn (Big bang).
Với sự giúp đỡ của “cỗ máy kỳ diệu”, các nhà khoa học sẽ tiến hành nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực khoa học vật liệu, y học, sinh học bức xạ, nghiên cứu khoa học điện tử, kỹ thuật đông lạnh, tái chế và xử lý chất thải phóng xạ, tạo ra những nguồn năng lượng sạch mới.
JINR cũng đóng vai trò chủ đạo trong việc thực hiện dự án khoa học lớn nhằm chế tạo kính viễn vọng neutrino biển sâu Baikal-GVD. Neutrino được biết đến như “hạt ma” do chúng có khả năng đi qua các vật thể rắn một cách dễ dàng. Hạt neutrino tương tác rất yếu với vật chất. Một hạt neutrino có thể di chuyển quãng đường 1 năm ánh sáng (xấp xỉ 9,5 nghìn tỷ km) trong kim loại chì mà không va chạm với bất kỳ nguyên tử nào.
Hợp tác hướng tới tương lai
JINR được thành lập theo Công ước do 12 nước sáng lập, trong đó có Việt Nam, là một tổ chức nghiên cứu khoa học liên chính phủ. Từ năm 1982, Viện Khoa học Việt Nam (sau này là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã được Chính phủ giao nhiệm vụ là cơ quan đầu mối để điều phối các hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Chính phủ Việt Nam và JINR. Đại diện Toàn quyền của Chính phủ Việt Nam tại JINR qua các thời kỳ lần lượt là GS Trần Đại Nghĩa, GS Lê Văn Thiêm, GS, VS Nguyễn Văn Hiệu, GS Lê Hồng Khiêm và hiện nay là GS Trần Tuấn Anh.
Từ tháng 10/2022 có sự thay đổi trong cơ chế hợp tác. Chiến lược hợp tác mới nhằm khai thác hiệu quả kinh phí trích từ niên liễm (sự đóng góp hằng năm của cá nhân cho tập thể), đàm phán lại mức chi niên liễm phù hợp mức chi nghiên cứu cơ bản của Việt Nam và các nước đang phát triển, đồng thời đẩy mạnh hợp tác khoa học - công nghệ và tăng cường ảnh hưởng của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu quốc tế. Việt Nam đã xây dựng thêm nhiều đề xuất dự án hợp tác chung, góp phần thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu có chiều sâu hơn.
Trong những năm gần đây, chất lượng cán bộ được cử sang công tác tại Dubna ngày càng tăng. Sự điều phối hợp lý của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã bắt đầu thu hút các nhà khoa học và chuyên gia kinh nghiệm đến JINR tham gia nghiên cứu, hỗ trợ đào tạo cho cán bộ Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực hạt nhân cơ bản và hạt nhân ứng dụng.
Các cán bộ trẻ không ngừng học hỏi và nâng cao năng lực nghiên cứu của mình. Đặc biệt, nhiều nghiên cứu viên trẻ đã có những đóng góp trong các dự án khoa học và nhận được tài trợ từ JINR. Một số nghiên cứu viên đoạt giải thưởng khoa học quốc tế và nhận các khoản hỗ trợ tài chính để tiếp tục nghiên cứu. Các chương trình đào tạo thạc sĩ, nghiên cứu sinh được thúc đẩy, với nhiều cán bộ Việt Nam tham gia các chương trình đào tạo quốc tế và trong nước. Trong năm 2023, có 5 cán bộ bảo vệ thành công luận án tiến sĩ (bao gồm 2 luận án được bảo vệ ở JINR và 3 luận án bảo vệ trong nước) theo các đề tài nghiên cứu ở Việt Nam, với các thí nghiệm được thực hiện hoàn toàn tại các phòng thí nghiệm của JINR.
Đánh giá về kết quả hợp tác thời gian gần đây, GS, VS Grigory Trubnikov - Giám đốc JINR cho biết, Việt Nam, trong đó đại diện là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, là đối tác chiến lược của JINR. Hai bên đã triển khai nhiều hoạt động chung, đặc biệt đã có sự kết nối, tương tác tốt giữa các nhà khoa học để cùng đề xuất các dự án nghiên cứu.
Ông Grigory Trubnikov nhấn mạnh, Việt Nam có nền kinh tế phát triển nhanh và dân số tăng trưởng đáng kể. Đây là tiêu chí rất tốt để đánh giá về sự phát triển năng động của đất nước Việt Nam. Trong bối cảnh đó, khoa học đóng vai trò, ảnh hưởng nhiều hơn trong nền kinh tế và giáo dục. Các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu tại JINR luôn tích cực nâng cao trình độ và sẵn sàng cống hiến cho nền khoa học nước nhà khi trở về Tổ quốc.
GS, TS Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Toàn quyền Việt Nam tại JINR cho biết, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW năm 2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Theo đó, việc đào tạo các thế hệ nhà khoa học mới ở thành phố Dubna được Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam kỳ vọng có vai trò quan trọng. Đội ngũ các nhà khoa học Việt Nam đang làm việc và học tập tại Dubna luôn mong muốn có những đóng góp nhất định vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Theo ông Trần Tuấn Anh, tại JINR hiện có 36 nghiên cứu viên trẻ Việt Nam được cử sang theo chương trình dài hạn và ngắn hạn, tham gia vào nhiều dự án khoa học, từ nghiên cứu vận hành lò phản ứng hạt nhân đến việc ứng dụng vào những lĩnh vực vật liệu, y sinh, năng lượng. Với sự điều phối của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các nhóm nghiên cứu đang được tăng cường và đạt nhiều kết quả khả quan.
Chia sẻ về công tác nghiên cứu khoa học tại JINR, nghiên cứu viên trẻ Mai Quỳnh Anh cho biết, qua nghiên cứu tại JINR có thể thấy được bức tranh toàn cảnh, các nhà khoa học Việt Nam thấy được mình đang ở đâu, từ đó tiếp nhận, tích lũy kiến thức để sau này về Tổ quốc triển khai, áp dụng. Quỳnh Anh chia sẻ, JINR là môi trường làm việc tốt, được làm việc với các nhà khoa học có chuyên môn rất cao và làm quen những thiết bị đặc thù hiện đại.
Ngành công nghiệp Nga đang hướng tới mục tiêu bảo đảm chủ quyền công nghệ và chuyển đổi sang công nghệ mới nhất trong thời gian ngắn nhất có thể. Nhà nước và các công ty lớn trong nước đang tập trung nguồn lực phát triển nhanh chóng cơ sở hạ tầng, công trình nghiên cứu và khoa học - công nghệ trong nước. Nắm bắt được xu thế đó, JINR tại Dubna đang đưa vào sử dụng các cải tiến và thiết bị công nghệ cao cho phép chiếm lĩnh những thị trường mới, tăng khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp hạt nhân và công nghiệp Nga nói chung.
Các nhà khoa học Việt Nam tại JINR được kỳ vọng sẽ khẳng định được vị thế trong cộng đồng nghiên cứu hạt nhân, đồng thời thể hiện được năng lực trong môi trường nghiên cứu đa quốc gia, đóng góp vào nhiều dự án lớn của JINR và Việt Nam. Họ cũng chính là cầu nối khoa học giữa Việt Nam với Nga và quốc tế, giúp đào tạo các thế hệ nhà khoa học Việt Nam tương lai và tiếp nhận những kiến thức về công nghệ hạt nhân để sau về phục vụ đất nước.