Sớm trở lại nhịp lao động năm mới

Không phải ngẫu nhiên mà từng có nhiều nỗi lo lắng và những góp ý về thực trạng sau mỗi dịp Tết Nguyên đán, không khí lao động còn uể oải, tinh thần làm việc, ý thức tập trung vào chương trình, kế hoạch sản xuất chưa cao; vẫn còn hiện tượng vui chơi kéo dài; vẫn tái diễn việc tranh thủ thời gian làm việc để đi lễ, đi cầu cúng cùng nhiều thủ tục rườm rà, chi phí tốn kém… Do đó, Đảng, Nhà nước đã luôn chủ trương, định hướng người dân, các cơ quan, đơn vị vui xuân, đón Tết an toàn, lành mạnh, tiết kiệm và sau Tết, sớm trở lại nhịp lao động, sản xuất, làm việc bình thường.
0:00 / 0:00
0:00

Trong bối cảnh hiện nay, nhiều hoạt động lễ, hội được trở lại, mở ra sôi nổi sau mấy năm dừng, hoãn, hạn chế vào dịp Tết và mấy tháng xuân. Đặc biệt nhiều hoạt động đó gắn liền với các sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng. Từ đây đặt ra khả năng cuốn hút một lượng đông đảo người dân vào việc tổ chức các chuyến đi, tổ chức và tham gia những nghi thức nhằm đáp ứng nhu cầu lễ bái, thỏa mãn đời sống tâm linh. Điều này hoàn toàn đáng tôn trọng nếu không nhuốm màu mê tín dị đoan, không vi phạm các quy định pháp luật. Tuy nhiên, sẽ đáng bị phản đối, chấn chỉnh nếu ảnh hưởng đến việc lao động sản xuất, đến thời gian, giờ giấc dành cho công việc, cũng như gây ra những ảnh hưởng hoặc làm gia tăng nguy cơ mất an toàn giao thông, an ninh, trật tự xã hội, vệ sinh môi trường…

Bởi thế, ra Tết, cũng chính là dịp cần tăng cường các hoạt động kiểm tra đối với các hoạt động lễ lạt, cầu cúng, sinh hoạt tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng để phát hiện, nhắc nhở, chấn chỉnh, xử lý những trường hợp lạm dụng thời gian công cho việc tư; những hiện tượng mê muội thái quá, chạy theo nạn “buôn thần bán thánh”; những biểu hiện vui xuân, “ăn Tết kéo dài” mà ảnh hưởng đến hiệu quả công việc chung, đến tình hình ổn định xã hội.

Và đương nhiên, đề cao trách nhiệm cơ quan chức năng, phản đối những thành phần trục lợi từ nhu cầu tâm linh của quần chúng, nhưng không thể thiếu nhận thức, ý thức tự thân, sự tỉnh táo và cả tự trọng của mỗi người dân. Để “việc đời - việc lễ” được hài hòa, văn minh, không ảnh hưởng xấu đến hoạt động chung, không gây ra hệ lụy cho gia đình, cộng đồng.