Sinh ra bên ngoài lãnh thổ

Việt Nam hiện có 5,3 triệu Việt kiều. Trong đó, một con số không nhỏ trẻ em, những “công dân quốc tế Việt Nam” tương lai mang hồn cốt dân tộc ở bên ngoài lãnh thổ.

Một bé gái lai Pháp bên quốc kỳ Việt Nam.
Một bé gái lai Pháp bên quốc kỳ Việt Nam.

Họ là ai?

Đó là những trẻ em có cha hoặc mẹ, hoặc cả cha mẹ gốc gác Việt Nam, những đứa trẻ có thể không cùng mầu da, mầu tóc với những trẻ Việt Nam khác, nhưng đều có điểm chung, đó là dòng máu Việt Nam. Rất nhiều em chưa từng được về Việt Nam một lần, và cũng có rất nhiều không nói được tiếng Việt nhưng các em vẫn tự hào về nguồn gốc Việt.

Chúng vẫn tò mò và hướng về Tổ quốc của cha mẹ, ông bà bằng những tâm thế và tình cảm khác nhau. Điều đó được thể hiện đôi khi chỉ là sự thừa nhận trước những người khác “tôi là người gốc Việt Nam” hay tự hào khoe rằng “ông bà tôi là người gốc Việt Nam” dù trên khuôn mặt chúng không còn nhiều nét Việt Nam. Sẽ không khó để tìm ra trên mạng ảnh những đứa trẻ tóc vàng mắt xanh, mặc bộ áo dài dân tộc cùng gương mặt đầy tự hào vào ngày lễ hóa trang của trường, dù có thể chúng không hiểu ý nghĩa sâu xa của bộ trang phục, đơn giản chỉ vì chúng thấy đẹp và để khoe với bạn bè rằng đây là bộ áo dài truyền thống của đất nước nơi sinh ra cha mẹ chúng.

Tôi được tiếp xúc với không ít các em học sinh gốc gác Việt Nam. Trong một hội thảo về các mẫu nhà ở truyền thống trên thế giới dành cho học sinh cấp I tại thành phố Besançon, miền đông nước Pháp, cách đây không lâu, tôi đã có dịp giới thiệu vài nét đặc trưng căn nhà năm gian của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Bài giới thiệu chỉ vài phút nhưng phản ứng của các em thật bất ngờ. Một trong số các em đứng lên bảo với tôi, cháu là người Việt Nam. Đó là một đứa trẻ có mái tóc vàng hoe, nước da trắng hồng, đứa trẻ nói, bà ngoại cháu là người gốc Việt Nam. Rồi một đứa khác cũng làm theo, một cậu bé với đôi mắt to và chiếc mũi đặc trưng của người châu Âu nói to, cháu cũng là người Việt Nam vì bố cháu là người Việt Nam.

Có cả những cụ già bạc phơ mái tóc cũng tự hào khoe mình từng là người Việt Nam. Đối với những bạn đã từng sống ở Besançon đầu những năm 2000, hẳn ai cũng biết về một thầy tu trường dòng có tên Camille. Thầy vốn người Pháp gốc. Năm 1940, khi đó Camille vừa tròn 20 tuổi, được giáo hội Thiên chúa cử sang làm truyền giáo ở Đông Dương. Những tưởng công việc của Camille sẽ là chinh phục các con chiên để ủng hộ chế độ thực dân. Nhưng rồi chính Camille lại bị những người Đông Dương bản địa chinh phục. Cuối cùng Camille đã chọn sống cùng với những người Ê Đê đến tận năm 1975. Khi về hưu, ông đã chọn sống tại một tu viện ở Besançon. Thỉnh thoảng những sinh viên Việt Nam biết tin về ông đến tu viện thăm, ông thường nắm tay chúng tôi và nói bằng thứ tiếng Việt lơ lớ, có lẽ là do tuổi tác đã khiến ông mất đi trọng âm của tiếng Việt: Ta là người Việt Nam. Camille mất năm 2003, tôi còn nhớ đó là vào cuối mùa xuân. Ở lễ tang của ông, người chủ trì tang lễ đã đọc thánh kinh và không quên nói lên nguyện vọng muốn xưng danh người Việt Nam của ông.

Một lần khác, vào cuối buổi làm việc khi cơ quan chuẩn bị đóng cửa, chỉ còn lại vài độc giả trong phòng thư viện, tôi đi ngang qua một cụ già với làn da trắng hồng của người châu Âu. Và cũng vô tình, bảng tên đeo trước ngực của tôi đã lọt vào mắt cụ. Cụ cất tiếng hỏi tôi “cô là người Việt Nam?”. Lúc đó, tôi đã ngỡ rằng chắc nhờ vào khuôn mặt đặc trưng châu Á nên cụ đoán ra gốc gác của tôi. Sau đó, cụ tự giới thiệu về mình bằng tiếng Việt lơ lớ “Tôi cũng là người Việt”. Thực tình vì lần đầu đối diện với một người già châu Âu nói tiếng Việt, tôi cứ nghĩ mình nghe nhầm nên ngắc ngứ. Vậy là cụ giải thích thêm “Tôi là người Việt vì tôi sinh ra và lớn lên ở Việt Nam”.

Điều gì khiến họ tự hào?

Giáo dục gia đình và cộng đồng người Việt ở nước ngoài góp phần quan trọng vào việc gìn giữ những nét văn hóa dân tộc ở bên ngoài đường biên. Một thí dụ điển hình là cộng đồng Việt kiều tại Pháp. Hiện, chưa có điều tra chính thức nào về con số những người gốc Việt đang sinh sống trên lãnh thổ nước Pháp, nhưng theo con số của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đưa ra trên tạp chí Quê hương thì tổng số người Việt ở Pháp vào khoảng 250 nghìn đến 300 nghìn người, trong đó số lượng người trẻ không dừng tăng lên. Tuy nhiên, do hệ thống giáo dục tại Pháp khác với Canada và các quốc gia châu Âu khác, không chủ trương xây dựng một xã hội đa văn hóa. Vì thế, những người Pháp gốc Việt thuộc thế hệ thứ nhất phải làm mọi cách để cố gắng giữ gìn văn hóa Việt Nam và sử dụng tiếng Việt trong cộng đồng mong truyền lại cho những người thuộc thế hệ thứ hai và thứ ba sinh ra và lớn lên tại Pháp. Sẽ không có gì lạ nếu ai đó từng du lịch đến quận 13 tại Paris, đường phố rổn rang tiếng Việt tựa hồ như ở TP Hồ Chí Minh hay Hà Nội. Việc tìm kiếm những loại hàng hóa đặc trưng của Việt Nam như nón lá, áo dài, thậm chí là chày cối, bình dành hay chổi đót cũng tương đối dễ dàng. Những đứa trẻ sinh ra ở đây, dù pha trộn hay có cha mẹ đều là người Việt có thể làm quen với văn hóa dân tộc qua những đồ dùng rất tượng trưng đó.

Những ngày lễ văn hóa cũng được cộng đồng Việt kiều ở châu Âu hết sức tôn trọng và duy trì, đặc biệt là Tết Nguyên đán, Vu lan và Tết Trung thu. Hằng năm, trong dịp Tết Nguyên đán, ở những thành phố lớn như Berlin, Paris, London… thường tổ chức những buổi lễ lớn có múa lân và diễn mặc áo dài dân tộc trên đường phố để giới thiệu văn hóa dân tộc tới những người dân bản địa.

Tại Paris, hằng năm vào dịp lễ, Tết truyền thống, chính quyền thành phố có không ít các hoạt động giúp tôn vinh văn hóa Việt Nam nói riêng và văn hóa châu Á nói chung. Vào lễ Trung thu, Hội Thanh niên Việt Nam tại Pháp phối hợp Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp và Hội các kiến trúc sư Việt Nam tại Pháp cùng sự giúp đỡ của Trung tâm Văn hóa Việt Nam tổ chức buổi rước đèn dành cho trẻ gốc Việt Nam từ 3-14 tuổi tại Trung tâm hội nghị Montreuil. Buổi lễ còn có nhiều trò chơi dân gian Việt Nam với sự góp mặt của những nghệ sĩ Pháp.

Trong các gia đình Việt kiều, dù bận rộn ngược xuôi, dù trùng vào ngày nghỉ hay không thì năm nào cũng thế, cứ vào đêm Ba mươi, mọi người vẫn cố gắng làm một bữa cơm với đầy đủ các món ăn truyền thống, bánh chưng, thịt đông, giò và gà luộc, để tưởng nhớ ông bà và tổ tiên, kể những câu chuyện văn hóa dân tộc cho thế hệ mới.

Không thể không nhắc đến là chính sách quốc tịch nhân văn của đất nước. Việt Nam trao nhận quốc tịch cho những công dân chứng minh được nguồn gốc (tức là những người có ông bà, bố mẹ đã từng có quốc tịch Việt Nam), giúp cho con số công dân Việt kiều ngày một tăng, đặc biệt là giới trẻ.