OCOP xuất ngoại

Nhiều năm nỗ lực, chị Mai Thị Ý Nhi (1980) đã tạo ra được dòng sản phẩm bánh dừa nướng đạt OCOP 4 sao của thành phố Đà Nẵng, vừa khẳng định giá trị sản phẩm, vừa đưa bánh dừa thương hiệu TOPCOCO xuất khẩu qua thị trường các nước Hàn Quốc, Nhật Bản.

Sản phẩm TOPCOCO tham gia các hoạt động kích cầu.
Sản phẩm TOPCOCO tham gia các hoạt động kích cầu.

Giữ nghề gia đình

Gia đình có lò bánh mì tươi làm nguồn thu nhập chính, cũng từ lò bánh mà nuôi chị lớn lên, vì vậy, lúc “kế nghiệp” lại, chị Ý Nhi cũng chỉ nghĩ rằng muốn giữ lại cái nghề của ba mẹ.

Trong những ngày phân phối bánh đến với bạn hàng, ở các điểm du lịch, cửa hàng tạp hóa… chị Nhi nhận thấy khách du lịch khi đến Đà Nẵng tìm mua sản phẩm bánh dừa rất nhiều. Nhưng các điểm bán chỉ có bánh của các địa phương khác, Đà Nẵng chưa hề có sản phẩm bánh dừa riêng. Gia đình quê gốc ở xứ dừa Bình Định, vì vậy chị về bàn với chồng để có thể làm ra một sản phẩm bánh dừa nướng được sản xuất tại thành phố mình đang sống.

Nói là làm, chị mua hết các loại bánh dừa có trên thị trường để ăn thử, tìm ra những hương vị riêng và hướng ra cho sản phẩm của mình. Lựa chọn nguyên liệu sẵn có của người nông dân là dừa tươi, bột nếp, bột gạo… để tạo ra sản phẩm của mình, chị cho rằng: “Bánh mì được làm ra từ những sản phẩm của người nông dân, thì bánh dừa cũng vậy, mặc dù nghe tên có vẻ không liên quan đến nhau, nhưng quả thật là tôi dựa vào kinh nghiệm làm bánh mì để tạo ra bánh dừa nướng”.

Vậy nhưng những mẻ bánh dừa đầu tiên khi ra thị trường vào bốn năm trước cũng gặp nhiều vấn đề, khi thì quá dày, lúc lại quá cứng... Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, chị mang bánh đi tặng khắp nơi để nhờ các điểm bán hàng bán thử và ăn thử, rồi lắng nghe tất cả ý kiến của khách hàng phản hồi. Cả một năm liên tục cải tiến máy móc, thay đổi, khắc phục chất lượng sản phẩm, bánh dừa nướng thương hiệu “TOPCOCO” với hương vị truyền thống dần được hoàn thiện.

Bánh của chị có vị ngọt vừa phải so với dòng bánh bình thường, bởi chị thấy người mua hiện nay cũng đang hướng tới giảm lượng đường trong ăn uống. Bên cạnh đó, bánh có độ giòn xốp, không cứng, dễ ăn đối với cả người lớn tuổi và trẻ nhỏ. Lát bánh dừa được cắt bằng máy nên mỏng đều và có mầu sắc đẹp tự nhiên.

Vì là sản phẩm ra sau các dòng bánh dừa của các địa phương khác, khách ăn cũng khá nhạy về độ ngon hay dở của bánh, nên chị hiểu rõ để các cửa hàng chấp nhận bán sản phẩm của mình thì bên cạnh yếu tố chất lượng còn cả mẫu mã và cố gắng của bản thân. Những ngày đó, chị cải tiến bao bì, đưa ra những mẫu đẹp và nhiều kích cỡ gói khác nhau để không chỉ du khách mà cả người dân cũng dễ chọn lựa. Sáng làm việc trên xưởng, chiều chị lại cùng con chạy xe máy đến các chuỗi cửa hàng để thuyết phục và mời chào mua hàng với giá ổn định, cạnh tranh. Chị có niềm tin vào sản phẩm của mình, nên khẳng định chỉ cần các nhà phân phối chịu dùng thử thì có thể thuyết phục được. Thời gian đầu chỉ một số đơn vị nhận hàng, dần dần, nhiều cơ sở tìm đến hơn, cùng với những phản hồi tốt lan tỏa, thị trường đã đón nhận sản phẩm bánh dừa nướng TOPCOCO.

Vươn xa

Sản phẩm bánh dừa truyền thống dần có được chỗ đứng, chị lại mạnh dạn phát triển thêm hai dòng là bánh dừa nướng đậu xanh và bánh dừa nướng đậu phộng. Sản phẩm được chia tỷ lệ phù hợp để vẫn giữ được hương vị của dừa và “dặm” thêm vị đậu xanh, đậu phộng, hướng đến nhu cầu của nhiều người. Có lẽ cơ sở của chị cũng là nơi đầu tiên tạo ra hai dòng sản phẩm mới này tại miền trung.

“Với sản phẩm bánh dừa, mình còn mong muốn gắn kết với người nông dân miền trung. Toàn bộ nguyên liệu làm bánh đều từ đồng ruộng, từ bàn tay chăm sóc của người nông dân mà ra. Nó là sự chắt chiu những tinh hoa gần gũi với người nông dân”, chị Ý Nhi chia sẻ.

Có lẽ, sau những nỗ lực của bản thân, Ý Nhi cũng gặp được cả sự may mắn. Một ngày, chị nhận được một cuộc gọi từ phía công ty ở Nhật Bản, nguyên do chỉ là một cô nhân viên người Việt Nam của công ty này mang một chiếc bánh tới cho sếp ăn thử. Cảm thấy sản phẩm phù hợp và ngon miệng, nên vị khách muốn đặt mua để bán tại đất nước mặt trời mọc.

Mặc dù mất nhiều tháng để đàm phán, kiểm định chất lượng, linh hoạt công thức để phù hợp tiêu chí, nhưng sau cùng sản phẩm TOPCOCO đã chính thức có mặt tại Nhật Bản. Sau đó là cả thị trường Hàn Quốc. Trung bình mỗi tháng cơ sở của chị xuất hai lô hàng lớn qua hai thị trường này từ hai năm trở lại đây, kể cả trong thời gian ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Hiện tại, cơ sở sản xuất đang tạo việc làm cho 30 lao động địa phương tại huyện Hòa Vang với mức thu nhập ổn định. 40 tuổi, chị Ý Nhi vẫn còn tràn đầy năng lượng tích cực. Chị nói, sẽ tiếp tục đổi mới các kênh tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường, nghiên cứu và hướng tới một dòng sản phẩm mới cho trẻ nhỏ, giúp các con có được những chiếc bánh thơm ngon, hoàn toàn được làm ra từ nguyên liệu tự nhiên.

Có được những thành công, chị Mai Thị Ý Nhi tâm sự: “Tôi vẫn không quên mục đích ban đầu của bản thân là mang tới người dân, du khách một sản phẩm chất lượng tốt, là sản phẩm đặc trưng của thành phố để ai tới Đà Nẵng cũng sẽ chọn chiếc bánh dừa là một trong những món quà nhỏ mang về. Tôi cũng muốn nỗ lực hơn để đưa sản phẩm của mình có mặt ở nhiều nước, khẳng định giá trị và niềm tự hào của người Việt”.