"Họa "bức đồng quê

Trên tấm áp-phích dựng đầu “làng họa sĩ”-thôn Cổ Đô (xã Cổ Đô, Ba Vì, Hà Nội), họa sĩ Đỗ Sự đã thể hiện ba nghề truyền thống của làng là canh cửi, làm bún và vẽ tranh. Chiều cuối năm, bên ấm trà mạn, lần theo mong muốn tái hiện quang cảnh làng quê trước đây, nối giữa quá khứ và hiện tại, bức họa đồng quê dần hiện ra...

Câu lạc bộ mỹ thuật nhí Trường tiểu học Vân Hòa (Ba Vì, Hà Nội). Ảnh: FANPAGE cổ đô
Câu lạc bộ mỹ thuật nhí Trường tiểu học Vân Hòa (Ba Vì, Hà Nội). Ảnh: FANPAGE cổ đô

Ngược dòng ký ức

“Làng này xưa giờ vẫn thế, cư dân sinh sống bao đời nay. Có khác cái là nhiều nhà mới xây, chứ xưa thì toàn nhà tre, nhà gỗ. Thí dụ, ở cái dải này, cũng vẫn từng nhà như này nhưng xưa thì thưa ít người hơn”, cụ Trần Quốc Cảnh (92 tuổi) khoát tay chỉ từ trên đê ra mãi phía cuối con ngõ nhỏ, nơi có bến đò Cổ Đô xưa tấp nập. “Cái dải này” là cách ông gọi dải đất ven khúc cua sông Đà hòa với sông Hồng, trông sang bên kia là huyện Lâm Thao (Phú Thọ). Đó cũng là điểm đầu thôn Cổ Đô, các xóm trong thôn được đặt tên theo vị trí: xóm Miếu, xóm Đình, xóm Chợ… và cả xóm Vạn của những người vạn chài ở khúc sông cuối làng.

“Quanh bến đò này ngày xưa đã tấp nập người qua lại”-cụ Cảnh nói rằng, dải đất ở phía ngoài đê nên dịu mát hơn do thưa nhà cửa, cây cối nhiều, tính khí con người vì thế mà hiền hòa, chân chất. Làng nằm bên bờ sông, nơi cư dân có điều kiện thu mua được thóc lúa, củ dong theo thuyền từ các vùng núi và trung du Bắc Bộ về, phần nào giải thích sự hình thành một làng nghề chế biến thực phẩm. Cụ Cảnh nheo mắt: “Những năm thanh niên, làng tôi có nghề làm bún và nghề đâm xay, tức là đi mua lúa về đâm xay thành gạo đem bán. Còn nhiều anh nam giới, mùa nước lên họ ngược lên thượng nguồn vớt củi”.

Nghề làm bún gắn với niên thiếu của cụ. Đời các cụ đến cha mẹ đều làm bún có tiếng, dù nay nghề không còn truyền lại nhưng ký ức thì còn nguyên: “Các cụ chưa xây dựng (gia đình) đã làm rồi. Bún trong làng bây giờ vẫn còn vài nhà làm, nhưng không ngon như ngày xưa. Nghề bún có từ thời các cụ truyền lại cho bố mẹ (tôi). Làm thủ công bằng tay vất vả lắm! Mùa nóng tôi ngồi canh bếp lửa đun nước chờ bún chín, bếp lửa to tướng bằng người. Ngày xưa làm được sợi bún rõ nhiều công đoạn, phải chọn gạo ngon, ngâm đãi sạch sẽ, cho vào cối xay thành bột. Ra bột rồi lại ngâm, mùa đông thì khoảng một tuần, mùa hè độ bốn, năm ngày mới bắt đầu dồn lên cạn để khô rồi cho vào cối giã. Giã cho tơi ra, mịn lại thành quả bột tròn tròn như cái rá mới cho vào nồi luộc. Luộc đến độ rồi lại cho ra cối giã để dẻo như bánh dày. Cuối cùng mới bắt sợi thành con bún. Tất cả dăm, bảy công đoạn mới ra thành sợi bún”.

Cuốn phim ký ức quay đến ngày cậu trai làng trưởng thành lên đường đi bộ đội: “Ấy là vào năm 1950, lên đường đi kháng chiến chống Pháp. Năm 1954, tôi về tham gia công tác ở Ty Công an Sơn Tây mấy năm rồi về. Làng tôi thời kỳ tổng kết của Đảng bộ Sơn Tây những năm 1950 ấy, cứ 10 người dân thì một người bộ đội, làng có hơn 20 chiến sĩ Điện Biên, bây giờ có hai người còn sống. Những năm kháng chiến, Pháp đóng quân ngay ở gần đình. Du kích hoạt động suốt đêm. Rồi Pháp thả bom đốt mất đình làng, lửa cháy rừng rực mấy ngày mấy đêm…”. Những năm xây dựng miền bắc xã hội chủ nghĩa, người làng nô nức tham gia trồng chuối ở bãi đất bồi ven sông. “Những năm ấy, một vùng này toàn là chuối, thu nhập cao lắm vì xuất khẩu sang Liên Xô”, cụ Cảnh trầm ngâm nhớ lại.

“Nhiều năm qua, Cổ Đô đã vượt qua nhiều khó khăn để xây dựng thôn phát triển toàn diện”, trưởng thôn Nguyễn Ngọc Nho nhấn mạnh. Hỏi con cháu trong làng ai cũng thuộc bài học lịch sử vỡ lòng: Làng có hai danh nhân văn hóa: Lưỡng quốc Thượng thư Nguyễn Sư Mạnh và Tiến sĩ, Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân. Cổ Đô có 9 di tích lịch sử văn hóa các cấp, là xã duy nhất trong cả nước có hai bảo tàng mỹ thuật… Sự tiếp nối các thế hệ những người sống bên sông đã tạo ra chiếc cầu nối quá khứ và tương lai.

Cư dân-người sáng tạo văn hóa(1)

“Mấy năm gần đây làng tôi được thành phố phê duyệt làm du lịch cộng đồng, mở tuyến tham quan quanh làng, xây dựng cả nhà bảo tàng họa sĩ. Làng đầu tư giao thông nội đồng, xây dựng làng kiểu mẫu, người dân tham gia hào hứng. Đường nội đồng, đường trong làng to lắm. Ở đây (ven sông) thì sang năm bắt đầu làm đường”, cụ Cảnh náo nức hẳn lên khi nói về khung cảnh làng quê đang đổi mới.

“Làng tôi gọi là làng họa sĩ, là làng có nhiều hội viên Hội mỹ thuật Việt Nam nhất cả nước. Gọi như vậy từ thời họa sĩ Nguyễn Sĩ Tốt, sau khi làm giảng viên trường Mỹ thuật, cụ về quê mở lớp dạy ở trong làng, rất nhiều thế hệ họa sĩ ra đời từ lớp học làng đó”, anh Nguyễn Trường Yên, Phó Chủ tịch CLB Họa sĩ Cổ Đô chia sẻ. Giọng anh sôi nổi hẳn lên khi nhắc về các thế hệ họa sĩ của làng như Giang Khích, Trần Hòa, Ngọc Thạch, Quang Trung, Hoàng Việt… Các họa sĩ trẻ hơn ngày nay tiếp nối truyền thống hội họa, trưởng thành từ những lớp vẽ miễn phí ở làng và đã thành danh.

Gần như tất cả họa sĩ ở Cổ Đô có hai mảng đề tài, thứ nhất là vẽ về quê hương, về phong cảnh làng-đề tài “xương máu” của họ; một mảng đề tài thỏa sức cho họa sĩ trẻ là tranh trừu tượng và bán trừu tượng, lấy nội dung, chất liệu cũng chính từ quê hương. “Khi chúng mình lớn lên dù nghề lụa ở Cổ Đô không còn, song được học về truyền thống ấy qua tranh của họa sĩ Trần Hòa. Năm nay gần 80, ông vẽ tranh về cách làm lụa trong làng”, anh Yên trò chuyện. Anh cũng nhấn mạnh rằng, làng của anh không phải làng họa sĩ nông dân như nhiều báo viết, mà các họa sĩ được đào tạo bài bản từ trường đại học: “Thậm chí chú Huỳnh Mai được đào tạo từ trường Mỹ thuật ở Nga, nay là Phó Chủ nhiệm CLB phụ trách các họa sĩ dưới Hà Nội. Cũng có một số các họa sĩ tự học mà thành danh, nhưng đó đều là kết quả của quá trình lao động nghiêm túc chứ không tự phát”.

Chuyện về làng cứ râm ran niềm tự hào, vui sướng, quyến luyến mãi không thôi. Một năm dịch bệnh nữa đã qua đi. Trên những đường quê, dọc các con mương bao quanh ruộng rau màu mỡ, người dân thư thái đạp xe rèn sức khỏe, việc đồng áng mùa này cũng có phần thong dong.

1- Tứ được trích dẫn từ nghiên cứu “Văn hóa ven sông Hồng ở Việt Nam, vấn đề và sự tiếp cận” của GS, TS Nguyễn Chí Bền, 2008.

2- Trích Nghề dệt Phương La, Từ điển Thái Bình, http://thaibinh.gov.vn

Theo nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, thông tin tỉnh Hà Tây (trước kia) Đặng Văn Tu: “Nghề trồng dâu, chăn tằm dệt lụa, theo truyền thuyết có từ thời Hùng Vương ở một số làng ven sông Hồng, sông Đáy. Đó là các làng Cổ Đô, La Phẩm ở Ba Vì. Từ xưa lụa Cổ Đô đã nổi tiếng: “Lụa này là lụa Cổ Đô/Chính tông lụa cống các cô ưa dùng”.

Theo trí nhớ của cụ Cảnh, thứ lụa từ thượng cổ ấy trước đây gọi là “lụa mẹo” Cổ Đô, rất có tiếng: “Đến đời tôi biết trong làng còn có hai cụ, một là cụ Thán họ Nguyễn, trong nhà vẫn còn khung dệt. Nhưng sau đến tuổi thì cụ đi, con cháu vẫn ở làng nhưng có biết nghề đâu, khung bỏ mãi rồi cũng mục, ải…”. Nếu đúng gọi là “lụa mẹo”, thì nghề dệt ở Cổ Đô trước đây hẳn có sự giao thoa giữa các vùng miền. Trong văn chương truyền miệng có nhắc đến “Chiếu Hới, vải Bơn, lụa Mẹo”, trong đó “Cũng vì lụa Mẹo nổi tiếng nên làng có tên chữ là “Hương La” (lụa thơm), sau khi dùng chữ Quốc ngữ thường gọi Phương La, lâu dần thành quen(2) .