Bay theo trái tim Tổ quốc!

Trong kỷ nguyên công nghệ, chủ quyền quốc gia không chỉ là vùng đất, vùng biển hay vùng trời mà còn được khẳng định trên không gian mạng và không gian vũ trụ. Sự kiện NanoDragon-vệ tinh made in Việt Nam được phóng lên quỹ đạo vào sáng ngày 9/11/2021, thể hiện Việt Nam từng bước làm chủ công nghệ vệ tinh. TS Lê Xuân Huy, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam thuộc Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chia sẻ với Thời Nay.

 Vệ tinh NanoDragon made in VietNam được phóng thành công lên quỹ đạo ngày 9/11. Ảnh: Trung tâm cung cấp
Vệ tinh NanoDragon made in VietNam được phóng thành công lên quỹ đạo ngày 9/11. Ảnh: Trung tâm cung cấp

Phóng viên (PV): Dư luận đang rất quan tâm NanoDragon là vệ tinh đầu tiên 100% chế tạo tại Việt Nam. Ông có thể chia sẻ thêm mức độ tự chủ về công nghệ của Việt Nam so những dòng vệ tinh trước?

TS Lê Xuân Huy: Vệ tinh NanoDragon là sản phẩm của Đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, phóng và vận hành thử nghiệm vệ tinh siêu nhỏ cỡ nano” thuộc “Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016-2020”. Mục đích ban đầu là phục vụ phát triển đội ngũ, đào tạo con người và thử nghiệm những công nghệ mà Việt Nam đang phát triển, từng bước chinh phục không gian. Công nghệ vệ tinh là công nghệ cao, có nhiều rủi ro tiềm ẩn. Phát triển sản phẩm công nghệ vệ tinh tại Việt Nam sẽ có những đặc thù rất riêng biệt (về cơ sở hạ tầng, năng lực sản xuất-chế tạo, khả năng nhập khẩu thiết bị công nghệ cao...) không giống bất kỳ quốc gia nào. Để nắm bắt được công nghệ này cần một quá trình gian khổ, kiên trì, thực hiện nhiều lần để học hỏi và nâng cao trình độ, hoàn thiện quy trình. Trước đây, chúng tôi đã chế tạo và phóng thành công hai vệ tinh nghiên cứu của Việt Nam là PicoDragon năm 2013, MicroDragon năm 2019. Khác biệt lần này là chúng ta đã thiết kế, tích hợp NanoDragon hoàn toàn ở Việt Nam với nền công nghiệp phụ trợ của Việt Nam.

Vệ tinh LOTUSat-1 được Nhật Bản chế tạo thông qua dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, dự kiến được đưa lên quỹ đạo vào cuối năm 2023, sẽ là vệ tinh quan sát Trái đất sử dụng công nghệ radar đầu tiên của Việt Nam. Vệ tinh có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết và rất phù hợp điều kiện khí hậu của chúng ta.

PV: Làm chủ công nghệ cao, trong đó có công nghệ sản xuất vệ tinh sẽ có ý nghĩa như thế nào với việc bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia?

TS Lê Xuân Huy: Trong hoàn cảnh bình thường, tại những địa điểm không gian đặc biệt, ta vẫn có thể có đặt hàng để có được dữ liệu ảnh vệ tinh. Tuy nhiên, trong những hoàn cảnh cấp thiết (xảy ra xung đột, tranh chấp) nếu không có vệ tinh cho riêng mình, Việt Nam sẽ rất khó chủ động có được hình ảnh dữ liệu từ vệ tinh để phục vụ những nhiệm vụ quan trọng. Ngoài ra, nếu hệ thống vệ tinh do chúng ta tự phát triển, khả năng vệ tinh bị can thiệp trong quá trình điều khiển, vận hành sẽ thấp hơn.

PV: Phải chăng, công nghệ vũ trụ không phải là một cái gì đó xa xôi, mà chúng ta có thể cảm nhận ngay trong đời sống hằng ngày?

TS Lê Xuân Huy: Hiện nay, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, nhờ công nghệ định vị vệ tinh GNSS, nhiều người có thể sử dụng bản đồ số, google map giúp đi lại dễ dàng hơn. Hay việc truyền tín hiệu âm thanh, hình ảnh qua vệ tinh đã rất thông dụng mà gần như gia đình nào cũng có thể tiếp cận. Hay công nghệ quan sát Trái đất sử dụng vệ tinh được coi là một trong những công nghệ tốt nhất, có ảnh hưởng sâu rộng nhất trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ, góp phần hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững của một quốc gia được LHQ đưa ra. Việt Nam nằm trong số những quốc gia chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu, thiệt hại khoảng 1% GDP mỗi năm do thiên tai, tương đương khoảng 3,5 tỷ USD. Ảnh vệ tinh giúp kịp thời cảnh báo chính xác hơn tình trạng bão, lũ, ngập, cho phép sơ tán, giảm thiệt hại về người mà còn giảm thiểu thiệt hại kinh tế khoảng 10%/năm, tương đương 350 triệu USD…

Bay theo trái tim Tổ quốc! -0
Ảnh: Trung tâm cung cấp

Ngoài ra, vệ tinh quan sát Trái đất còn hỗ trợ giám sát nông nghiệp, tài nguyên, lưu lượng nước, lũ lụt, hàng hải, quy hoạch lãnh thổ và đặc biệt trong an ninh-quốc phòng. Thí dụ, như sản lượng lúa, diện tích lúa, vụ lúa, tình hình ngập lụt xâm ngập mặn sẽ được mô phỏng theo kịch bản biến đổi khí hậu. Từ đó, dự báo được sản lượng lúa của cả một vùng hay cả nước.

PV: Vậy đến thời điểm nào chúng ta đạt được mục tiêu sẽ hoàn toàn có thể làm chủ được công nghệ sản xuất vệ tinh?

TS Lê Xuân Huy: Mục tiêu là đến năm 2030 chúng ta sẽ làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh đó. Tôi nghĩ làm chủ ở đây là chúng ta cố gắng để đạt được khoảng 80% thiết bị chính trong vệ tinh, ảnh hưởng đến vấn đề bảo mật và an ninh của vệ tinh mà chúng ta tự làm.

PV: Để đạt được những mục tiêu trong “Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ vũ trụ tới năm 2030”, chúng ta cần thêm những nguồn lực nào?

TS Lê Xuân Huy: Đảng và Nhà nước cần xác định không gian vũ trụ là một trong năm không gian (vùng đất, vùng trời, vùng biển, không gian mạng và không gian vũ trụ) mà Việt Nam cần làm chủ để bảo vệ quyền lợi quốc gia. Ngoài ra, công nghệ vũ trụ cần sự đầu tư lớn về các nguồn lực tài chính, nhân lực và thời gian. Nếu không có một sự bảo đảm về định hướng, rất khó có tổ chức nào dám đầu tư. Đảng và Chính phủ cần bảo đảm định hướng phát triển cân đối và bền vững cho lĩnh vực này bằng việc xây dựng Luật Vũ trụ của Việt Nam, đây là tiền đề để cho các thành phần khác yên tâm đầu tư phát triển.

Nước ta cần thúc đẩy nhu cầu khai thác các ứng dụng từ công nghệ vũ trụ, tạo nhu cầu đủ hấp dẫn các thành phần kinh tế, các startup công nghệ cùng tham gia xây dựng nền kinh tế vũ trụ; tăng cường hợp tác quốc tế, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ, rút ngắn khoảng cách để có thể tham gia đóng góp vào các chương trình nghiên cứu chung của thế giới. Nhà nước cũng cần có chính sách nuôi dưỡng nguồn nhân lực hiện có bằng môi trường làm việc, chính sách đãi ngộ tốt, thu hút và chuẩn bị nguồn nhân lực kế cận.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Tháng 2/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030”. Chiến lược nhằm ứng dụng rộng rãi thành tựu của khoa học và công nghệ vũ trụ; phấn đấu làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo, tích hợp các cảm biến quang học, ra-đa cho vệ tinh quan sát Trái đất và phát triển thị trường, hỗ trợ khởi nghiệp dần hình thành nền công nghiệp vũ trụ của Việt Nam.

Lúc 7 giờ 55 phút 16 giây sáng 9/11/2021, vệ tinh NanoDragon “made in Vietnam” cùng 8 vệ tinh nhỏ khác đã được tên lửa Epsilon-5 của Cơ quan Hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) phóng thành công lên quỹ đạo tại bãi phóng Uchinoura, Nhật Bản.