Sen ngự giữa lòng danh thắng

Tưởng đã tuyệt chủng sau hàng chục năm vắng bóng, sen trắng nay lại tỏa hương trước sự ngỡ ngàng của du khách và người dân xứ Huế. “May quá, danh thơm sen “ngự” đã hồi sinh!”, nhiều cao niên thốt lên mừng rỡ bởi rất lâu rồi mới thấy lại những bông sen trắng muốt nở giữa lòng hồ Tịnh Tâm.

Sen ngự giữa lòng danh thắng

Danh xưng sen cung đình

Hồ Tịnh Tâm hay hồ Tịnh xưa là thắng cảnh được vua Thiệu Trị xếp vào “thần kinh nhị thập cảnh” (20 cảnh đẹp kinh đô). Nét đẹp của danh thắng được tôn thêm bởi loài sen trắng trồng quanh hồ, người dân quen gọi sen “ngự”. Nhưng, khu vườn ngự của vua xuống cấp theo thời gian, theo đó sự ô nhiễm ao hồ. Sen trắng thưa dần, rồi vắng bóng, thế chỗ là những vựa rau muống thời vụ và giống sen hồng cao sản.

Cho đến một ngày đầu năm 2021, một phụ nữ bằng mọi giá quyết hồi sinh cho được giống sen “ngự” giữa lòng hồ Tịnh. “Ngày mình đặt vấn đề cũng không ít lời khuyên ngăn bởi giống sen “ngự” rất khó trồng”, bà Nguyễn Thị Huệ, Giám đốc Công ty Hữu cơ Huế Việt, người đã hồi sinh giống sen trắng ở hồ Tịnh bắt đầu câu chuyện.

Để làm được điều đó, bà Huệ đã mua lại hai loại sen giống xuất xứ từ cung đình có tên trẹt lồi và trẹt lõm do Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế phục hồi, đem về trồng ở hồ sen Làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền). Từ các củ sen “ngự” nhân giống thành công, bà Huệ liền mang thả xuống hồ Tịnh.

“Sau những ngày đi về miệt mài cắm mặt xuống nước, cuối cùng trời không phụ lòng người”, bà Huệ đã thốt lên khi nhìn những búp sen đầu tiên hé nở. Ngày qua ngày, mặt hồ phủ đầy sen, hoa nở trắng muốt tỏa hương thơm làm mê mẩn người qua lại. Hay tin Huế có mùa sen “ngự” đầu tiên sau nhiều năm vắng bóng, nhiều gia đình đưa nhau đến ngắm và còn mua hoa về cắm. Dưới hồ, người nông dân thu hoạch, thiếu nữ ướp trà trên từng búp sen, còn bên trên khách tạo dáng lưu lại những tấm hình kỷ niệm. Trên đảo Bồng Lai nằm giữa hồ, bà Huệ tự tay pha những ấm trà từ vụ sen trắng đầu tiên mời khách thưởng lãm giữa khung cảnh nên thơ.

Công phu một cuộc phục hồi

TS Lê Công Sơn, Chánh văn phòng Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết, dưới triều Nguyễn, việc chăm sóc tu bổ hệ thống đê điều, sông ngòi, ao hồ rất được quan tâm. Việc nạo vét bùn đất, gia cố kè hồ, khơi thông dòng chảy và trồng các loại cây thủy sinh được tính toán, thực hiện bài bản. Đặc biệt, tất cả các ao hồ bên trong cung điện hay lăng tẩm đều trồng sen trắng. Tuy nhiên, trải qua thời gian, vì nhiều yếu tố nên hệ thống dòng chảy bị ngăn lấp dẫn đến giống sen “ngự” dần biến mất.

Năm 2007, ông Sơn đã chủ trì đề tài nghiên cứu phục hồi giống sen trắng. Hằng ngày, ông cùng nhiều cộng sự lặn lội đến một số ngôi chùa để tìm lại giống cổ. May mắn vài nơi vẫn còn giữ được hai giống sen trắng là trẹt lồi và trẹt lõm nên đã đưa về gây giống. Một thời gian sau, nhóm nghiên cứu phát hiện thêm giống sen trắng bộp quý trong khu hồ nước tại lăng vua Gia Long, vị vua sáng lập triều Nguyễn, liền đem về nhân cấy thành công.

Theo ông Sơn, giống sen “ngự” chỉ thích ứng môi trường nước sạch, có độ dinh dưỡng cao và đặc biệt dòng chảy phải lưu thông. Vì thế, muốn trồng được phải làm vệ sinh kỹ lòng, đáy hồ và tạo dòng chảy tốt. Nhờ đó, không chỉ riêng hồ Tịnh Tâm mà một số hồ bên trong Hoàng cung Huế năm nay cũng ngập tràn sắc sen trắng.

Những người như ông Sơn, bà Huệ còn vui hơn khi hồ Tịnh Tâm đã được cải tạo, chỉnh trang tạo nên một không gian văn hóa tuyệt đẹp. “Mùa sen nở trùng với thời điểm tổ chức các hoạt động lễ hội mùa hè, Festival thường niên nên địa danh này rồi sẽ trở thành một sân khấu, gắn liền các sự kiện ngoài trời dành cho mọi người”, ông Sơn hào hứng.

TS Trần Đình Hằng, Trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Huế cho rằng, việc xanh-sạch hóa mặt nước ao hồ ở Huế với việc phục hồi các giống sen trắng quý hiếm, đặc biệt ở hồ Tịnh Tâm mang lại nhiều giá trị về kinh tế và văn hóa. Trồng sen không chỉ làm đẹp cảnh quan, mang lại nguồn lợi từ sản phẩm sen, nhất là trên phương diện ẩm thực (dinh dưỡng, dược lý của hạt sen, tim sen, trà sen, rượu sen), thẩm mỹ (cảnh quan, hoa sen, nón sen) và tín ngưỡng (hoa sen cúng Phật, làm tinh dầu)... Việc tái hiện không gian cho sen trắng Tịnh Tâm cần được bổ trợ nhằm phát huy những đặc hữu của văn hóa Huế.