1/Gió đã ấm lại rồi sau mấy ngày lạnh dữ. Nghe lan trong mù biển làn khói thơm bếp núc vạn chài. Phía trong đồng của con đê thách thức sóng gió bể Đông, chợ làng đã rực lên sắc mầu Tết nhất. Bên ấm nước chè đậm, anh chàng Tuyền bình tâm tính sổ: Năm nay dịch dã, làm ăn có khó khăn hơn, nhưng tính cả năm, nhà Tuyền lại không đến nỗi nào. Vụ mùa chẳng những đủ thóc ăn cho đến mùa sau mà còn dư ra một ít làm hàng hóa. Mấy thửa ruộng màu, nhờ biết tính toán, trồng cấy những loại rau màu đáp ứng thị trường nên dù không lãi nhiều, cũng không bị ăn vào vốn. Ao đầm là nguồn thu chính, cá tôm nuôi quảng canh, có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Cuối năm, bán hết cá tôm, ao đầm bỏ đó, chờ ra Giêng thả giống mới nối vụ.
Rồi thì Tết này, phải sắm cho mẹ con nó bộ quần áo mới. Thay cái tivi, mua cho thằng cu lớn cái laptop để nó học trực tuyến, mua cái máy giặt để mẹ nó đỡ phần vất vả...
2/Xã Hải Hòa của Tuyền là một trong bảy xã ven biển của huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Phía nam Hải Hậu, tính từ cửa Lạch Giang là đất Nghĩa Hưng. Kể từ đây, phù sa sông Ninh Cơ, sông Đáy nghìn năm bồi đắp nên bãi mật bờ xôi. Ngược lại, hầu hết đất đai ven biển Hải Hậu lại liên tục bị sóng biển xâm thực. Làng xóm cứ phải lùi dần trước sóng dữ bể Đông. Trong đó, Hải Lý, Hải Hòa là hai xã bị biển xâm thực mạnh nhất của tuyến đê Hải Hậu.
Lịch sử còn ghi, năm 1877, để đáp ứng yêu cầu có nhà nguyện của giáo dân xứ đạo, nhà thờ Trái tim Chúa bằng tranh tre trên đất Xương Điền, Hải Lý được xây dựng. Nhà thờ Trái tim Chúa đầu tiên được dựng trên bãi bồi cách bờ đê chắn sóng bây giờ đến hơn 3 km. Sóng biển đe dọa, năm 1917, nhà thờ Trái tim Chúa được di vào phía đất liền và xây dựng lại theo thiết kế của một kiến trúc sư người Pháp. Năm đó, trong khuôn viên rộng tới 9.330 m2, một nhà thờ bằng những vật liệu, có thứ phải nhập từ nước ngoài được khởi công. 10 năm sau, đầu năm 1927, nhà thờ Trái tim Chúa hiện đại, vững chắc, xinh đẹp, uy nghi tọa lạc bên sóng nước bể Đông được khánh thành.
Khác với nhiều nơi trên tuyến biển vịnh Bắc Bộ, vào mùa gió bão, những con sóng lớn từ rất xa cứ lừng lững nhằm thẳng hướng bờ biển Hải Hậu lao vào. Nhìn tổng thể trên cả một tuyến biển, về điều này, các nhà khoa học giải thích, đại thể, thì ngay trong một bãi tắm, vẫn có thể có những luồng xoáy ngược hút người tắm biển ra xa bờ. Biển Hải Hậu, so bờ biển hai huyện lân cận cũng là như vậy. Bãi biển nơi này, cứ mỗi năm lại lấn sâu về phía đất liền. Để bảo đảm an toàn, nhà thờ Trái tim Chúa, một lần nữa, lại phải dời sâu vào phía nội đồng.
Thời tiết đổi thay, bão gió cứ mạnh dần lên. Năm 2005, trận bão số 7 đã phá hủy hoàn toàn tuyến đê chắn sóng phía ngoài, xóa sổ làng chài Xương Điền-Văn Lý. Nhà thờ Trái tim Chúa khánh thành năm 1927, sau bão, chỉ còn lại tháp chuông, nền và một phần tường. Bây giờ, nhà thờ Trái tim Chúa ngoài bãi biển Hải Lý thành nơi để khách thập phương tới chụp ảnh lưu niệm và chiêm bái cảnh nhà thờ đổ lẫm liệt in bóng trên nền cát mịn. Năm đó, ngay ở vị trí trước nhà Tuyền bây giờ, đê Hải Hòa cũng bị sóng đánh vỡ.
Vào khoảng những năm cuối thập kỷ 80, ở Hải Hậu, tình trạng ly nông, ly quê ra thành phố và các tỉnh khác kiếm sống đã thành phong trào. Hy vọng thoát nghèo, 17 tuổi, Đỗ Văn Tuyền theo cha rời quê xuống thuyền làm thuê cho các chủ tàu vận tải sông biển.
3/Trên những chiếc thuyền mà hai cha con chưa bao giờ là chủ, Đỗ Văn Tuyền đã cùng cha lặn lội hầu hết sông Nam bể Bắc. Từ Móng Cái, xuống đến Cà Mau, không nơi nào cha con Tuyền chưa từng có mặt. Những năm đầu là trên tàu vận tải đường sông, sau khi trở thành tài công và thủy thủ lành nghề, anh và cha chuyển sang làm thuê cho các chủ tàu buôn đường biển. Lái thuyền, bốc vác, có những ngày rộp vai kéo thuyền trên những khúc sông cạn dòng… Không việc gì của người làm thuyền mà cha con Tuyền không trải. Gian khổ chỉ làm cho Tuyền thêm dẻo dai, cứng cáp. Rất may, Tuyền thừa hưởng từ cha sức vóc hơn người. Mấy chục năm trời lênh đênh sông nước, nói không ngoa, anh thông thạo luồng lạch trên tuyến sông nội địa như người tham gia giao thông bằng các phương tiện cơ giới trên đường bộ vậy. Có những hải trình ra các cảng biển nước ngoài lấy đi của cha con Tuyền không ít mồ hôi. Nghề vận tải thủy không chỉ vất vả mà còn phải đối mặt nhiều hiểm nguy. Sóng gió bất thường, thậm chí có những chuyến đi, chỉ khi về đến cảng đích, người đi biển mới tin là mình còn sống… Đó là những chuyến hàng trong mùa bão gió, hai cha con chở xơ dừa, nông sản từ các tỉnh miền Tây sang các cảng biển duyên hải Trung Hoa và các nước khối ASEAN.
Rồi thương đau ập đến, ngày 24/4 âm lịch năm 2012, trong một chuyến hàng từ Móng Cái về Hải Phòng, khi qua một lộ trình xung yếu, đột ngột đoạn dây neo đang chùng bỗng dưng bật căng hất cha Tuyền xuống biển… Ôm xác cha trên tay, Tuyền nhớ lại, mới mấy ngày trước đó, cha Tuyền bảo rằng: “Đã đến lúc phải bỏ cái nghề này về quê, bám vào đất đai, vào đồng biển mà làm ăn thôi con ạ!”…
4/Để chặn đứng sức tàn phá của sóng biển, từ trước năm 2010, Nhà nước chủ trương cứng hóa tuyến đê biển Hải Hậu. Phía triền đê ngoài, những tấm chắn sóng được lát kín theo chiều mái đê. Và, xa hơn một chút, là hàng vạn cục bê-tông cốt thép ba chạc (telephot) nặng hàng tấn, được xếp liền nhau, làm giảm áp lực sóng dữ lên triền đê biển. Kể từ ngày đó, mỗi mùa bão gió, bà con Hải Hậu bớt đi nỗi lo thiên tai. Dẫu vậy, xóm mạc vẫn phải lùi sâu vào sau chân đê một khoảng an toàn, đề phòng bất trắc.
Gia đình Tuyền cũng như bà con chòm xóm, có gia cư ổn định trong làng. Rời thuyền biển lên bờ, anh bỏ ra hơn 40 triệu đồng tích cóp được sau bao năm làm nghề mua lại hơn một mẫu đất, ở vị trí trước đây là khu vực dự trữ vật liệu cứu hộ đê biển. Trần lưng lặn ngụp, đào đắp, rồi Tuyền cũng có hơn một mẫu ao. Trên bờ là một căn nửa nhà nửa lán. Anh tìm hiểu kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá theo lối quảng canh, không dùng thức ăn công nghiệp. Hằng ngày, Tuyền lặn ngụp ngoài bãi, bắt don, bắt giắt làm mồi nuôi tôm cá. Nguồn lợi từ cá tôm, năm rồi, gia đình anh cũng bỏ ra được vài chục triệu đồng…
Trong những ngày bão dữ, sóng gió mù trời, nhà nhà đóng kín cửa tránh mưa, tránh gió, vẫn có một lực lượng gồm những người quản lý đê biển, công an, dân phòng tuần tra dọc tuyến. Theo quy định, không một người dân nào được có mặt ở vị trí xung yếu sát chân đê. Vậy nên, ngày bão, Tuyền bỏ lán, lên đê gia nhập đội ngũ những người tuần đê biển. Vừa trông đê vừa trông đầm cá nhà mình.
... Quan trọng hơn, chú ạ. Là cháu được ở nhà với mẹ con nó. Ấm lạnh hằng ngày có chồng có vợ, có cha có con. Mà về quê lại sống được chú ạ. Cháu thấy như thế là nhất…!
Bắt tay tạm biệt Đỗ Văn Tuyền, nghe tiếng cười hồ hởi của anh, tôi cảm được cái tình với gia đình, với đất đai đồng biển của anh chàng ăn sóng nói gió, có cả một quãng đời lang bạt kỳ hồ. Và chợt nghĩ đến câu thành ngữ: “Có cứng mới đứng đầu gió”. Như loài hoa muống biển, bão gió tràn qua lại xanh tốt bời bời.