Từ con chuồn chuồn tre…
Tốt nghiệp chuyên ngành Tạo dáng sản phẩm, Trường đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh năm 2018, Huỳnh Nam đang là một nhà thiết kế sản phẩm làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Bước chân vào môi trường học tập thiết kế chuyên nghiệp, cậu sinh viên quê Long Khánh (Đồng Nai) luôn quan tâm đặc biệt đến những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam.
Hồi bé, Huỳnh Nam tình cờ nhận được con chuồn chuồn bằng tre đầy mầu sắc có thể tự thăng bằng, Nam đã vô cùng thích thú và bắt đầu quan tâm đến loại vật liệu này. Sau này, khi tìm hiểu anh mới biết chúng được làm từ đôi tay các nghệ nhân làng chuồn chuồn tre Thạch Xá. Nam như được truyền thêm cảm hứng, thêm đam mê những giá trị nghệ thuật truyền thống, những sản phẩm từ cây tre. Với Nam, cây tre như linh hồn và phẩm chất của con người Việt Nam.
Nam biết trên thị trường xuất hiện rất nhiều sản phẩm chế tác từ tre, phục vụ nhu cầu, sở thích cũng như xu hướng “sống xanh”. Tuy nhiên, đa số khá đơn giản, chủ yếu thiên về tính trang trí nhiều hơn là mục đích sử dụng thật sự. Huỳnh Nam ấp ủ thiết kế và phát triển một sản phẩm gia dụng hoạt động bằng điện nhưng phải thật sự cần thiết và tiện dụng trong mỗi gia đình Việt Nam. Ý tưởng về một chiếc quạt điện bằng tre được hình thành.
Trong quá trình lên ý tưởng và thiết kế, Nam không bắt đầu bằng việc phác thảo hình dáng của chiếc quạt. Anh chọn hướng nghiên cứu cách xử lý tre, các hình thái, cấu trúc cũng như những kỹ thuật uốn ép thủ công, cách tạo hình của nghệ nhân truyền thống. Từ đó, rút ra những tạo hình sơ bộ, đưa vào những mẫu phác thảo đầu tiên. Chọn được phác thảo ưng ý nhất và hoàn thiện bản vẽ chi tiết, Huỳnh Nam mới đưa vật liệu thật vào thiết kế. Vì tre là một loại vật liệu đặc biệt, có thể nói là dễ mà khó, khó mà dễ, mẫu thiết kế có thể rất đẹp nhưng không thể ứng dụng lên vật liệu, khi đó xem như thất bại. Nam cho biết, nhiều nghiên cứu cho thấy, tre là vật liệu thân thiện môi trường, độ bền với tính chất cơ học cao gấp 2-3 lần so gỗ thông thường, độ bền kéo lớn hơn so với thép và chịu lực nén tốt hơn bê-tông! Nếu được xử lý đúng cách, độ bền loại vật liệu này có thể lên đến hàng trăm năm, cao hơn nhiều loại vật liệu đắt tiền hiện nay.
Nhờ nghiên cứu trước nên giai đoạn hoàn thiện thiết kế bằng vật liệu thật diễn ra khá thuận lợi, sản phẩm hoàn thiện giống đến 95% bản vẽ, đúng với mong muốn về thẩm mỹ cũng như thông điệp mà Nam muốn truyền tải. Công đoạn khó nhất là uốn tre tạo hình, phải linh hoạt vừa tác động nhiệt vừa dùng lực để có thể định hình tre, nếu lực quá mạnh hay nhiệt độ chưa đủ, tre có thể bị gãy. Toàn bộ quá trình làm sản phẩm, Nam đều tự tay hoàn thiện bằng những kỹ thuật gia công xử lý của các làng nghề mây tre đan truyền thống tại Việt Nam.
Quạt bao gồm những bộ phận chính: thân quạt, chân quạt, lồng quạt. Những chi tiết nhỏ khác được tỉ mỉ tạo hình như cánh quạt, nắp mở để sửa chữa động cơ, núm điều khiển, điều khiển từ xa… Được trang bị hai động cơ riêng biệt, một để xoay cánh quạt và một để xoay thân quạt nên sản phẩm có thể xoay lên xuống 180 độ (điều chỉnh bằng tay) và xoay trái phải 120 độ (xoay tự động) để bảo đảm diện tích làm mát được lớn nhất.
… bước vào ngôn ngữ đương đại
Chiếc quạt điện bằng tre mang đến sự độc đáo và cảm giác mới lạ cho người dùng; phô bày trọn vẹn sự mộc mạc nhưng sang trọng, bình dị nhưng đặc sắc và nét đẹp “kỳ diệu” của cây tre Việt Nam.
Tại cuộc thi dành cho các nhà thiết kế Việt Nam đương đại-“Đánh thức truyền thống”, “Gió đánh cành tre” của Huỳnh Nam được đánh giá rất cao, vào chung kết và đạt giải ba với thái độ tôn trọng và dựa vào chất liệu truyền thống bản địa để tạo ra sản phẩm truyền thống mới có tính kết nối với thời đại. Anh đã chứng minh việc làm chủ chất liệu có thể thay đổi mọi thứ và vấn đề lưu giữ truyền thống trong lĩnh vực thiết kế không đơn giản là quá trình “cắt và dán”. Ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, giám khảo cuộc thi đánh giá, có thể nói là chưa ai nghĩ rằng có thể dùng chất liệu tre để làm nên chiếc quạt có hình dáng công nghiệp chạy mượt mà như vậy, tiềm năng thiết kế của các bạn trẻ thật sự rất tuyệt vời!
Chưa thể đưa ra được mức giá cụ thể cho sản phẩm, nhưng theo tính toán sơ bộ của Nam, chi phí cho vật liệu tre, động cơ điện và các phụ kiện đi kèm là khá thấp. Khi đưa vào quy trình sản xuất hàng loạt, giá thành sản phẩm sẽ rất phải chăng. Đã có rất nhiều khách hàng muốn mua lại sản phẩm khiến Huỳnh Nam rất phấn khởi. Anh mong muốn xây dựng riêng một nhà xưởng để phát triển ý tưởng và cho ra đời nhiều hơn nữa những sản phẩm sử dụng nguyên liệu tự nhiên, truyền thống nói chung. Sẽ có thêm nhiều sản phẩm gia dụng độc đáo và quan trọng hơn nữa là có được sự quan tâm của các nhà đầu tư. “Sẽ không hề đơn giản vì để thương mại hóa một sản phẩm là cực kỳ phức tạp, đặc biệt là những sản phẩm dùng vật liệu tự nhiên truyền thống như định hướng của tôi thì lại càng khó khăn hơn nữa”, Nam tâm sự.
Con đường sẽ còn rất dài. Nhưng điều lạc quan từ cuộc thi Vietnam Design Week 2021, chính là cách Huỳnh Nam và nhiều nhà thiết kế trẻ đã giúp mọi người nhìn thấy sự ưu việt của nét đẹp văn hóa Việt Nam, của những sản phẩm từ “vật liệu xanh” trên hành trình trở nên “ngôn ngữ” mới của thời đại.