1/Chào đón năm 2022-năm Nhâm Dần với những hy vọng mới trong bối cảnh Đại hội XIII đã định hướng: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc…”. Sức mạnh đó cũng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ quan điểm khi nhắc đến câu nói của tiền bối, đó là: “Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”.
Nói đến vai trò của con người và hạnh phúc như là động lực phát triển, văn hóa phương Tây cũng đề cao như cựu Thủ tướng Anh, ông David Cameron đã cho rằng: “Đã đến lúc chúng ta thừa nhận rằng, có nhiều thứ trong cuộc sống hơn là chuyện tiền bạc và đã đến lúc chúng ta phải tập trung không chỉ vào GDP mà còn vào cả GWB (General Wellbeing-hạnh phúc nói chung)”.
Thế giới đang bước vào kỷ nguyên của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây là cơ hội lịch sử để Việt Nam vươn lên, thực hiện khát vọng đứng vào hàng ngũ các quốc gia phát triển vào năm 2045, dịp kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Để thực hiện được khát vọng đó, Việt Nam cần xây dựng mô hình phát triển phù hợp nhằm huy động và phát triển năm nguồn lực, mà trong đó tài chính, cơ sở vật chất và tự nhiên là động lực chính, còn văn hóa xã hội và con người chính là nguồn lực nội sinh để phát triển.
Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, nguồn lực, động lực nội sinh to lớn của đất nước, có vai trò điều tiết sự vận động của xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra luận điểm: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (tháng 11/1946)… Con người trong quan điểm Hồ Chí Minh trước hết là gia đình. Hạnh phúc của con người trước hết là hạnh phúc của gia đình. Hạnh phúc thật sự của con người là ở gia đình-đây là điểm then chốt của giải phóng con người trong mọi hoạt động đấu tranh cách mạng của Hồ Chí Minh. Hạnh phúc gia đình chính là đỉnh cao của văn hóa Việt, là hạt nhân của hệ giá trị văn hóa gia đình và là nội dung cốt lõi của xây dựng văn hóa gia đình trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong đó, dịp lễ hội văn hóa lớn nhất của đất nước-Tết, dịp thể hiện sự đoàn tụ và hạnh phúc gia đình của chúng ta phải là nơi khởi nguồn và bắt đầu sự kết nối chặt chẽ nhất của con người để hình thành các nguồn lực hoặc vốn xã hội.
2/Trong các nền kinh tế công nghiệp hóa hiện đại, thuật ngữ “vốn xã hội” đề cập đến sự tin tưởng, hiểu biết lẫn nhau, các giá trị được chia sẻ và kiến thức xã hội nắm giữ để tạo điều kiện cho sự phối hợp xã hội của các hoạt động kinh tế… Để phát huy và phát triển vốn xã hội (trong đó có văn hóa) bảo đảm sự bền vững đất nước, cần nâng cao hơn nữa nhận thức và tuyên truyền trong các thành phần kinh tế-xã hội: Văn hóa là một nguồn lực sản xuất đặc thù. Lịch sử cho thấy, sự phát triển của đất nước về mọi mặt, kể cả kinh tế, chính trị và con người, xét đến cùng, nếu muốn tiến xa, nếu muốn ngày càng trở nên bền vững hơn thì đều phải nằm trong quỹ đạo của văn hóa và phải có văn hóa dẫn đường. Trong quá trình đó, văn hóa ngày Tết, truyền thống gia đình… là điểm then chốt trong việc bảo tồn và phát huy nguồn lực văn hóa xã hội.
Cùng với đó, đổi mới phương thức bảo tồn và phát triển văn hóa xã hội: Phát triển công nghiệp văn hóa trở thành động lực mới của nền kinh tế… Trong đó, các gia đình Việt Nam và các tổ chức kinh tế-xã hội… là những mắt xích bền vững trong nền công nghiệp văn hóa. Nhiều quốc gia đã phát triển công nghiệp văn hóa thành công, trở thành một động lực của nền kinh tế như Anh, Hoa Kỳ, Israel, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,...
Cũng cần phải bảo tồn, khai thác và phát huy nguồn tài nguyên văn hóa. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh, cần bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam: Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Phát triển văn hóa cần tiếp tục được đổi mới, hiệu quả hơn, đi vào cuộc sống hơn; trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc phát triển các giá trị văn hóa Việt Nam, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên. Ngoài ra, trong một thế giới ngày càng thay đổi nhanh chóng với sự xuất hiện của công nghệ số, cần nghiên cứu và sử dụng mạng xã hội như một công cụ mạnh để bảo tồn và phát triển văn hóa xã hội bên cạnh các biện pháp hạn chế tiêu cực của nó.
Tin tưởng rằng, Tết Nhâm Dần sắp tới dẫn vào năm con hổ thể hiện sức mạnh và ý chí mạnh mẽ, đồng thời cũng là năm bản lề thứ hai thực hiện Văn kiện Đại hội Đảng XIII, sẽ là một sự khởi nguồn mới của nguồn lực xã hội bắt nguồn từ cái nôi hạnh phúc gia đình Việt.
Ts Đoàn Duy Khương
Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN-Việt Nam (ASEAN BAC Vietnam).