Những chấm đỏ bên bờ sóng

Anh Tịnh một tay giữ thúng, một tay bám chắc vào mỏm đá, giữ thăng bằng cho chúng tôi leo lên Hòn Ông Căn. Nắng miền trung bỏng rát, sóng đập ầm ầm khiến chiếc thúng chỉ chực xoay tròn, nhưng người đàn ông ngoại tứ tuần vẫn đang cười tươi rói: “Hồi làm cái cột mốc kia, tôi chở ghe vật liệu đó. Chở lên chở xuống cả mấy tháng liền”.

Hòn Ông Căn là đảo xa nhất ở cụm đảo Hòn Sẹo.
Hòn Ông Căn là đảo xa nhất ở cụm đảo Hòn Sẹo.

Từ những điểm A

Điểm cơ sở A8 (tọa độ 13°54’00″ vĩ bắc, 109°21’00″ kinh đông) nằm trên Hòn Ông Căn, đảo xa nhất của cụm ba đảo Hòn Cân trên vùng biển xã Nhơn Lý (Quy Nhơn, Bình Định). Anh Tịnh nói chúng tôi may mắn, vì tuy mùa gió nhưng không mưa, vẫn thả thuyền thúng vào đảo được. “Nếu trời thuận lợi thì đi ca-nô chỉ mất 15 phút thôi, nhưng biển như thế này thì đi ghe an toàn hơn”, anh Tịnh bảo. Rời ghe, chúng tôi phải chuyển qua thuyền thúng và chèo tới các bậc thang để lên đảo. Cũng phải mất tới nửa tiếng bồng bềnh từ ghe lên thúng, rồi leo lên 17 bậc thang, chúng tôi mới đặt tay vào điểm cơ sở.

Trong số 12 điểm nối theo đường cong chữ S hướng về biển, ngoại trừ điểm cơ sở A8 tại mũi Đại Lãnh (tỉnh Phú Yên), các điểm đến đều nằm trên các hòn đảo. Bởi vậy, để đặt chân tới các điểm cơ sở, ngoài các thủ tục cần thiết, có khi còn cần thêm cả sự may mắn của thời tiết. Thành Phương, một thanh niên người Phú Quý chính gốc, nói rằng gần 30 năm sinh ra lớn lên ở đây, cậu cũng mới chỉ đặt chân tới Hòn Hải (điểm A6) một lần. Dù Hòn Hải thuộc hải phận đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) và cũng chỉ cách đảo chừng hơn một giờ ca-nô. “Lúc thời tiết thuận lợi thì không xin được giấy phép còn xin được thì không thuận lợi á”, Phương bảo. Dễ nhất như mũi Đại Lãnh thì cũng phải leo 110 bậc thang gỗ lên tới nhà đèn mới đi ra được điểm đặt tấm biển ghi tọa độ.

Thế nên Hòn Ông Căn có thể coi như đích đến khá dễ dàng, chỉ cần một lần đi ghe. Nơi dài nhất của đảo chỉ chừng 200 m, đảo còn gần như chia đôi bởi một vách đá sâu hút, phía dưới sóng tung bọt trắng xóa. Anh Tịnh bảo, hồi làm cột mốc cơ sở, người ta cũng phải dùng thuyền thúng chuyển vật liệu, mỗi chuyến chuyển một ít. “Cái cột be bé đó mà xây mất bao nhiêu công đó”, người con trai miền biển thở dài. Cái cột, nhìn từ xa thì bé thật, nằm chơi vơi giữa bốn bề sóng.

Nếu nói thử thách về sức lực, thì điểm cơ sở A7 (Hòn Đôi, Khánh Hòa) có thể xem là nơi thử độ lì của con người. Bởi vì nơi đó chúng tôi đã phải băng qua một trảng cát dài 12 cây số, trong cái nóng của miền trung. Ngay cả vào thời điểm mát mẻ nhất khoảng tháng 5, cũng không phải ai cũng sẽ dễ dàng nhấc bàn chân nặng nề lên khỏi mặt cát bỏng. Thậm chí, đã từng có người kiệt sức mà tử vong trong hành trình chinh phục. Đó cũng là điểm đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền của Việt Nam. Một vài tài liệu nói rằng, điểm A7 nằm trên Mũi Đôi-một điểm cách Hòn Đầu 200 m, cũng nằm trong cụm đảo Mũi Đôi-Hòn Đôi (Hòn Đầu) trên bán đảo Hòn Gốm. Tuy nhiên, nếu căn cứ theo Tuyên bố năm 1982 của Việt Nam, theo tài liệu và điểm mốc ghi tọa độ tại Hòn Đầu, thì tôi tạm xác định Hòn Đầu chính là điểm A7 (tọa độ 12°39’00″ vĩ bắc, 109° kinh đông). Tôi có hai lần được ngắm bình minh theo cách đặc biệt. Đó là lần ngắm từ điểm A7 Hòn Đôi, chờ ánh sáng đầu tiên của ngày chạy từ mặt biển, lan dần vào những thớ đá, tràn ngập mặt đất. Và một lần ngắm ánh bình minh từ trên tàu giữa quần đảo Trường Sa, ngay trên vùng biển đảo Tiên Nữ-hòn đảo xa nhất về phía đông mà Việt Nam đang giữ quyền kiểm soát. Đó là những ánh bình minh lịch sử với riêng cá nhân tôi.

Biển của ta

Hôm ở Hòn Ông Căn, trong lúc chúng tôi khám phá đảo, cha con anh Tịnh thay bộ đồ lặn bắt cá. Anh Tịnh quen với vùng biển này từ trước khi người ta đến và nói với anh về cột mốc. Anh không biết về tọa độ, về những công ước, nhưng anh biết rằng, nơi này là ngư trường quen thuộc của người Nhơn Lý. “Cá nhiều lắm, đợt này nghỉ trăng, nên ít đánh cá thôi”, anh Tịnh cười. Từ bến thuyền Nhơn Lý, ghe chạy độ 30 phút, qua mấy nhóm đá nhấp nhô ven bờ là nhìn thấy cụm đảo Hòn Cân. Khu vực này, theo một số người nói còn có tên là Nghiêm Kinh Chiểu. Tôi chưa tìm ra được các tư liệu liên quan, nên cứ lấy tên như trong bản đồ vệ tinh và Hòn Cân. Hòn Sẹo gần nhất, cũng là điểm gần đây đang hút khách du lịch với một dải đá dựng và một bãi cát lấp lánh. Hòn Cỏ xa hơn, sở dĩ gọi là Hòn Cỏ vì có một bãi cỏ xanh mướt kéo dài 1/3 phía đảo. Rồi sau cùng tới Hòn Ông Căn. Chỗ nào anh Tịnh cũng có thể chỉ những đoạn anh từng qua, từng bắt cá, từng nằm dài trên đá nghỉ ngơi. Con trai anh giờ cũng đang theo ba trên những chuyến ghe ra biển. Cậu thiếu niên như anh tự hào, là nó nhìn cá còn giỏi hơn cả ba nó.

Nhìn anh Tịnh, tôi lại nhớ một ngày cuối năm ở Hòn Khoai (Cà Mau), đứng nhìn ra Hòn Đá Lẻ (A2), anh bạn biên phòng ở đó bảo: “Chấm bé xíu, mà quan trọng lắm đó”. Quanh cái chấm đó, tàu cá vẫn dập dìu. Anh bạn biên phòng ngoài 30 tuổi, tay vẫn trống chưa được đeo nhẫn cưới, vì ở đảo lâu quá chưa tìm được người yêu. Hay cô giáo ở Trường mầm non Hoa Phong Ba trên đảo Cồn Cỏ (A11, tỉnh Quảng Trị), cả hai vợ chồng xung phong ra đảo, rồi ở lại luôn trên hòn đảo ấy. Tôi cũng nhớ ông Võ Văn Út, hậu duệ của một trong bảy vị tiền hiền ra đảo Lý Sơn (A11, tỉnh Quảng Ngãi). Ông có giọng Quảng Ngãi đặc sệt, kể chuyện mộ gió và chuyện đảo thì cả ngày không hết. Hồi trai tráng, ông Út cũng dọc ngang khắp các vùng biển Hoàng Sa tới Trường Sa, chưa ngán bất cứ một ai ngăn cấm thuyền mình đánh cá trên biển mình. Hồi cơn bão số 9 vào đảo, tôi gọi ra hỏi thăm ông, chỉ thấy ù ù tiếng gió, giọng ông tiếng được tiếng mất, ông bảo vừa ngớt gió, ông đang chạy ra cầu cảng, đếm xem có bao nhiêu tàu thuyền hỏng. Không phải tàu thuyền nhà ông, từ dạo nghỉ đánh cá, ông bán thuyền rồi, mà là ông xem tàu của nhà nào hỏng. Bởi ông bảo tàu là máu thịt của người Lý Sơn, còn tàu là còn làm lại được, khó khăn nào cũng qua được hết. Rồi tôi nghe ông hồ hởi: “Hỏng ít hơn năm ngoái, đỡ rồi”.

Ở mỗi một điểm A, tôi lại nhớ những bóng dáng quanh đó. Những con người bé nhỏ, như một chấm đỏ, góp nên những vùng biển trù phú phía đông. Đó là những điểm nối, mà nếu nhìn trên bản đồ, thì sẽ là một phần trên đường cong kiêu hãnh của “đất nước vươn mình nhoài ra phía biển” (ý thơ của nhà thơ Thanh Thảo).

Đất nước mấy nghìn năm bên bờ sóng, mấy nghìn năm những chấm đỏ nối tiếp vẫn nhoài về phía biển.

Phương pháp xác định đường cơ sở thông thường chủ yếu được áp dụng đối với quốc gia có bờ biển tương đối bằng phẳng, không có đoạn lồi lõm ven bờ, phải xác định được ngấn nước thủy triều xuống thấp nhất chạy dọc theo bờ biển.

Điều 7 Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982 đã bổ sung thêm hoàn cảnh thực tế cho phép quốc gia ven biển được xác định đường cơ sở thẳng tại các bờ biển không ổn định và khả năng sử dụng mực nước thủy triều thấp nhất tại bãi cạn lúc nổi lúc chìm mà trên đó không có đèn biển hoặc công trình tương tự, với điều kiện đường cơ sở thẳng đó được cộng đồng quốc tế công nhận. Bờ biển Việt Nam có những đặc điểm địa hình hoàn toàn phù hợp để áp dụng quy định của UNCLOS.

Theo Điều 8 Luật Biển Việt Nam năm 2012: “Đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam là đường cơ sở thẳng đã được Chính phủ công bố”.

Đường cơ sở thẳng của Việt Nam là hệ thống các đoạn thẳng nối 12 điểm gồm: Điểm A0 là “điểm tiếp giáp của hai đường cơ sở” của Việt Nam và Campuchia “nằm giữa biển, trên đường thẳng nối liền quần đảo Thổ Chu và Poulo Wai” và “nằm ở Tây Nam đường phân định vùng nước lịch sử giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa nhân dân Campuchia”.