Báo cáo mới nhất của Cục Quản lý chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, toàn quốc đã có hơn 1.200 chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học được kiểm định và cấp chứng nhận. Trong đó, hơn 860 chương trình đào tạo được các tổ chức trong nước kiểm định bằng bộ tiêu chuẩn trong nước và khoảng 400 chương trình đào tạo được các tổ chức kiểm định nước ngoài kiểm định; có hơn 180 cơ sở giáo dục đại học đạt kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn trong nước, chín cơ sở được tổ chức kiểm định nước ngoài kiểm định; 11 trường cao đẳng sư phạm và bốn chương trình giáo dục mầm non trình độ cao đẳng đã được kiểm định.
Để bảo đảm việc xây dựng hệ thống các tổ chức kiểm định đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hình thành "mạng lưới" theo Nghị quyết số 134/2020/QH14 ngày 17/11/2020, thời gian qua, Cục Quản lý chất lượng đã phối hợp xây dựng nội dung quy định liên quan tổ chức kiểm định công lập, tiếp tục tham mưu để công nhận hoạt động đối với ba tổ chức kiểm định nước ngoài tại Việt Nam gồm: Tổ chức ASEAN University Network-Quality Assurance (AUN-QA); Tổ chức High Council for Evaluation of Research and Higher Education (Hcéres) và Tổ chức The Quality Assurance Agency for Higher Education (QAA) trong năm 2022. Hiện Cục cũng đã tiếp nhận và đang thẩm định hồ sơ của bốn tổ chức kiểm định nước ngoài khác đăng ký hoạt động tại Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 46/2017/NĐ-CP và Nghị định số 135/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.
Thực tế cho thấy, với khối lượng công việc chuyên môn khổng lồ, trong bối cảnh nhân lực tham gia công tác kiểm định còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng, ngành giáo dục đã nỗ lực triển khai thực hiện quy định mới về bồi dưỡng kiểm định viên theo quy định tại Thông tư số 14/2022/TT-BGDĐT. Kết quả là, năm học 2022-2023 đã có thêm ba tổ chức kiểm định chất lượng tư thục được tổ chức đào tạo bồi dưỡng kiểm định viên giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm (trong tổng số bảy tổ chức kiểm định của cả nước), nâng tổng số đơn vị tham gia đào tạo, bồi dưỡng kiểm định viên lên sáu đơn vị.
Trên cơ sở đó, so các năm trước, năm học 2022-2023 được đánh giá là một bước nhảy vọt, khi có tới năm cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam trong Bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất toàn cầu năm 2022 (Best Global Universities); sang năm 2023, có thêm hai cơ sở (tổng là năm cơ sở) có tên trong bảng xếp hạng QS World University Rankings 2023; 10 cơ sở trong bảng xếp hạng Webometrics và năm cơ sở giáo dục trong bảng xếp hạng các trường đại học ở các nền kinh tế mới nổi 2021 (THE Emerging Economies University Rankings 2021)...
Để có được những kết quả trên, công bằng mà nói, cùng với công tác kiểm định chất lượng (đánh giá ngoài), là sự nỗ lực của chính các cơ sở giáo dục đại học trong việc thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (năm 2018) với những quy định cụ thể hơn về trách nhiệm xây dựng và phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng giáo dục bên trong cơ sở giáo dục đại học phù hợp với sứ mệnh, mục tiêu và điều kiện thực tế của cơ sở.
Tuy thế, thời gian qua, một số cơ sở giáo dục đại học vẫn chưa quan tâm và chú trọng xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong nhà trường do nhận thức chưa đầy đủ về vai trò của hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, chưa chú trọng đến công tác tuyển dụng, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, thiếu nguồn lực để đầu tư phát triển cơ sở vật chất.
Trao đổi về những vấn đề tồn tại, lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), kiến nghị cụ thể: Thời gian tới, đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 46/2017/NĐ-CP và Nghị định số 135/2018/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, trong đó sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan điều kiện thành lập và cho phép hoạt động của tổ chức kiểm định; bổ sung điều kiện và cho phép hoạt động đối với tổ chức kiểm định nước ngoài; Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 99/2019/NĐ-CP theo hướng bổ sung một số thông tin liên quan trách nhiệm và quyền của tổ chức kiểm định trong nước và nước ngoài. Đặc biệt, ngành giáo dục sẽ tham mưu Quốc hội sửa đổi bổ sung các quy định liên quan mô hình tổ chức kiểm định tại Luật Giáo dục đại học hiện hành; quy định về tài chính kiểm định và mạng lưới tổ chức kiểm định sau năm 2025 để bảo đảm các nhóm nguyên tắc của hoạt động kiểm định tại khoản 5 Điều 49 của Luật. Cùng đó, Chính phủ cũng cần sớm ban hành Nghị định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục để tăng cường trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học qua hoạt động công khai trong bối cảnh tự chủ đại học.
Các bộ, ngành liên quan cần rà soát, sửa đổi hoặc bổ sung quy định về văn bằng đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù (nhóm ngành sức khỏe) thuộc hệ thống giáo dục đại học nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của người học và của cơ sở giáo dục; chủ động triển khai có hiệu quả công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định tại Điều 50 Luật Giáo dục đại học; đồng thời ưu tiên nguồn lực để bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm chất lượng cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo.