Theo đó, dưới sự tác động dòng chảy của sông Ea H’leo, tại vị trí khu vực vùng tiếp giáp với Tháp Yang Prong có hiện tượng sạt lở nghiêm trọng. Khoảng cách từ khu vực tháp tới sông Ea H’leo chỉ còn khoảng 25 m, trong đó mới sạt lở thêm 5-7 m. Một số cây rừng quanh khu vực tháp Yang Prong bị chết khô, đe dọa sự an toàn của Di tích kiến trúc-lịch sử cấp quốc gia quan trọng này.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thanh Tuấn, huyện kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành khẩn trương phối hợp UBND huyện đánh giá mức độ tác động của dòng chảy sông Ea H’leo; đồng thời tỉnh kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về sự nguy cấp, sớm có giải pháp để bảo vệ di tích.
Huyện cũng kiến nghị tỉnh chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh chủ trì, phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện khảo sát, kiểm đếm chủng loại, số lượng cây rừng trong khu vực di tích; tham mưu tỉnh giải pháp xử lý một số cây rừng bị chết khô có khối lượng lớn để tránh hư hỏng và bảo đảm an toàn cho du khách khi đến thăm di tích.
Theo khảo sát và tính toán của huyện, kinh phí kè bờ sông Ea H’leo khỏi gây sạt lở và xây dựng tường rào chung quanh khu vực tháp Yang Prong là khoảng 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, Ea Súp là huyện nghèo nên mong tỉnh Đắk Lắk và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm bố trí kinh phí để thực hiện, bảo đảm sự an toàn cho di tích.
Được biết, tỉnh cũng vừa giao các ngành văn hóa, tài nguyên và môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp các đơn vị liên quan xem xét, nội dung kiến nghị để tham mưu tỉnh giải quyết theo quy định.
Các nguồn tư liệu cho biết, tháp Yang Prong (Thần vĩ đại) còn gọi là tháp Chàm rừng xanh, là tháp Chàm duy nhất còn nguyên vẹn được tìm thấy trên vùng đất Tây Nguyên. Tháp được xây dựng vào cuối thế kỷ XIII dưới thời vua Sinhavarman III (Chế Mân) để thờ thần Siva dưới dạng Mukhalinga, cầu mong sự nảy nở của giống nòi và ấm no hạnh phúc. Tháp Yang Prong được nhà dân tộc học người Pháp Henri Maitre phát hiện vào khoảng những năm 1904-1911.