Quảng Bình: Nhiều điểm trường xây xong rồi bỏ không

Những năm gần đây, để nâng cao chất lượng giáo dục, huyện miền núi Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình đã xây dựng cơ sở vật chất phục vụ dạy và học. Tuy nhiên, một số điểm trường xây xong rồi bỏ không hoặc chậm đưa vào sử dụng, gây lãng phí ngân sách Nhà nước và bức xúc dư luận.
0:00 / 0:00
0:00
Điểm trường mầm non Cầu Roòng, xã Hồng Hóa, huyện Minh Hóa bỏ không đã nhiều năm.
Điểm trường mầm non Cầu Roòng, xã Hồng Hóa, huyện Minh Hóa bỏ không đã nhiều năm.

1/Điểm trường mầm non Cầu Roòng, thuộc Trường mầm non xã Hồng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình được xây dựng khang trang với thiết kế hai phòng học, phòng bếp có tổng đầu tư gần 2 tỷ đồng từ ngân sách địa phương. Trường được hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng cuối năm 2018. Tuy nhiên, sau đó chỉ tổ chức dạy học được 1 năm học với một nhóm rất ít trẻ em rồi đóng cửa cho đến nay.

Hiệu trưởng Đinh Thị Vinh cho biết, ngoài điểm trung tâm, còn có 2 điểm trường nhưng điểm ở Cầu Roòng hiện đang tạm thời đóng cửa do không có trẻ đến học. Cầu Roòng được xem là vùng kinh tế mới, có nhiều hộ đến sản xuất, vì thế lãnh đạo xã trước đây đã cho xây dựng một điểm trường mầm non. Năm học 2021-2022, trường mở cửa điểm trường Cầu Roòng, tổ chức dạy học cho 6 trẻ. Sau đó, do ít hộ đến định cư và phải đi kiếm việc ở nhiều nơi khác nên đưa con đi cùng rồi gửi vào học tại nơi làm việc. Năm học 2022-2023 và 2023-2024, trường cũng tổ chức tuyển sinh, bố trí giáo viên đến dạy nhưng không có trẻ nên nhà trường phải tạm đóng cửa và nhờ một người dân gần đó thỉnh thoảng lui tới trông coi điểm trường này.

Theo quan sát của chúng tôi, điểm trường Cầu Roòng được xây dựng khá chất lượng, đã nhiều năm bỏ không, cửa phải buộc bằng các cây tre khô hoặc thanh gỗ gác ngang nhưng chưa bị xuống cấp nhiều. Điểm trường được thiết kế khá bài bản, có đầy đủ phòng học, phòng bếp, khu vệ sinh liên hoàn, có không gian làm việc cho giáo viên. Nhưng đến nay trong các phòng ngổn ngang các ghế băng dài và rác, một số thiết bị mất và bị hư hỏng, phủ đầy bụi… Cô hiệu trưởng cho biết, điểm trường thỉnh thoảng được khu dân cư mượn làm nơi hội họp, họp xong thì cửa được buộc tạm để đấy. Ông Cao Hữu Cần ở xã Hồng Hóa nói: “Điểm trường hoàn thiện mấy năm nay nhưng không sử dụng thật tiếc. Chúng tôi cũng không biết tại sao một công trình đẹp như thế mà lại bỏ hoang, quá lãng phí, nếu không sử dụng vào việc dạy học thì xem xét giao cho thôn làm nhà văn hóa để tránh hư hỏng, xuống cấp”.

2/Còn tại xã biên giới Dân Hóa, công trình trường học bản Ka Ai được xây dựng và hoàn thành vào năm 2021 với số vốn hơn 3,3 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ do UBND xã làm chủ đầu tư. Công trình được thiết kế 2 tầng với 4 phòng học, bảo đảm cho gần 60 học sinh tại hai bản Ka Ai và Ka Vàng học tập, nhưng đến nay vẫn chưa thể bàn giao do hạ tầng chưa hoàn thiện như chưa có các hệ thống phòng cháy, chữa cháy và cấp thoát nước. Trong khi đó, dù chưa đưa vào sử dụng nhưng nhiều bức tường của phòng học đã có các vết nứt. Đại diện chính quyền địa phương thừa nhận, điểm trường mầm non Ka Ai hoàn thiện một thời gian dài mà chưa đưa vào sử dụng do một số hạng mục xây dựng thiếu đồng bộ, có hạng mục chưa sử dụng đã có dấu hiệu xuống cấp nên đang cho nhà thầu lắp đặt, sửa chữa lại để báo cáo Sở Xây dựng nghiệm thu, sớm bàn giao cho nhà trường.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Đinh Tiến Dũng khẳng định: “Qua nắm bắt tình hình, lãnh đạo huyện nhận thấy thời điểm này có hai điểm trường ở xã Dân Hóa và xã Hồng Hóa đã hoàn thành xây dựng các hạng mục nhưng vẫn chưa đưa vào sử dụng theo lộ trình. Trong thời gian tới khi bảo đảm số lượng biên chế giáo viên, nhất là bảo đảm số lượng học sinh ở các điểm này thì chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức dạy học để tạo thuận lợi cho bà con nhân dân”.

Tình trạng nhiều điểm trường xây xong rồi bỏ không trong thời gian dài không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục mà còn gây lãng phí nguồn ngân sách của Nhà nước. Mong UBND huyện sớm chỉ đạo rà soát hệ thống các điểm trường lẻ để có kế hoạch, lộ trình sử dụng hợp lý. Bên cạnh đó cần nghiêm túc đánh giá, rút kinh nghiệm và thậm chí xử lý lãnh đạo UBND cấp xã khi quyết định đầu tư dự án xây dựng điểm trường ở vị trí, địa điểm chưa hợp lý, dẫn đến chậm hoặc sử dụng không hiệu quả, thậm chí bỏ hoang gây bức xúc trong nhân dân.

Trong khi đó, trẻ em ở Dân Hóa vẫn phải ngồi học trong điểm trường cũ tạm bợ. Cô Nguyễn Thị Thu Hường, Hiệu trưởng Trường mầm non Dân Hóa cho biết, trường có 9 điểm, trong đó có 4 điểm trường đang còn học trong các phòng học tạm bợ, trời nắng thì rất nóng, còn trời mưa thì lại bị dột không thể học được nên trẻ phải nghỉ ở nhà.