Quả đắng "việc nhẹ lương cao"!

Người thất nghiệp muốn có việc làm, người có thời gian rảnh rỗi muốn kiếm thêm thu nhập. Lợi dụng tâm lý này, không ít đối tượng đã giăng bẫy trên không gian mạng, nhằm lừa đảo người cả tin, chiếm đoạt tài sản của họ. Ngoài sự nỗ lực của các cơ quan chức năng về tuyên truyền, cảnh báo, xử lý đối tượng, chính người dân phải tự chủ động, là "người tìm việc" thông thái.
0:00 / 0:00
0:00
Cần thận trọng khi tìm kiếm việc làm online để tránh sập bẫy kẻ lừa đảo. Ảnh: Anh Trang
Cần thận trọng khi tìm kiếm việc làm online để tránh sập bẫy kẻ lừa đảo. Ảnh: Anh Trang

Ðâm lao phải theo lao

Gõ từ khóa tìm kiếm "việc nhẹ lương cao" trên Google, chỉ chưa đầy nửa giây đã cho hơn 17 triệu kết quả liên quan. Hay chỉ cần gõ các từ khóa "tìm việc làm part-time", "việc làm full-time, part-time", "tìm việc làm thêm cho sinh viên"... sẽ có hàng trăm bản tin tuyển dụng rởm đăng tải mỗi ngày xen một số tin thật xuất hiện. Và những nguy cơ, cạm bẫy từ tìm việc làm trên mạng xã hội, nhu cầu người lao động, công nhân sử dụng công nghệ để tìm việc, làm thêm là rất lớn. Mới đây, chị Nguyễn Thị Duyên (Mỹ Hào, Hưng Yên) đã gửi đơn đến cơ quan chức năng tố cáo một số đối tượng lừa đảo. Làm việc ở nhà, có thời gian nên muốn làm thêm, chị Duyên lên mạng tìm kiếm và được tuyển làm cộng tác viên của trang mua sắm Shopee (giả mạo). Sau đó chị được cấp mã đăng nhập vào các app. Sau khi đăng nhập, chị phải chuyển tiền chốt đơn, giả vờ mua hàng để tăng tương tác và uy tín. Số tiền ứng trước mua hàng sẽ được hoàn trả cùng hoa hồng (từ 20-30% giá trị mỗi đơn hàng). Chị Duyên chia sẻ: "Những đơn hàng đầu có giá trị thấp nên tôi nhận được luôn tiền hoa hồng. Họ quy định sau đơn thứ 15 là có thể rút được tiền hoa hồng ngay sau khi giao dịch đơn thành công. Thường đơn thứ 11-15 sẽ tăng đột biến giá trị, nên các đối tượng chần chừ hoàn trả tiền. Đến khi tôi không thể tiếp tục chốt đơn nữa thì các đối tượng chặn tài khoản".

Anh Bùi Văn Hiển (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng là nạn nhân của kẻ lừa đảo. Khi tìm hiểu những lời chào mời của nhóm "Tìm việc làm AEON Long Biên và các khu vực lân cận", anh thấy hấp dẫn. Anh Hiển xin và được tuyển làm cộng tác viên, được giao nhiệm vụ chốt đơn hàng online trên phần mềm của công ty. Với mỗi đơn hàng chốt được, anh Hiển sẽ được hưởng 20% hoa hồng giá trị đơn hàng. Anh Hiển kể lại: "Sau khi được hướng dẫn vào nhóm, app, bọn chúng giao cho tôi phải chốt ít nhất năm đơn hàng/ngày. Nếu tôi không làm đủ sẽ không rút được tiền". Ban đầu, Hiển chỉ chọn những đơn ít tiền. Sau khi hoàn thành năm đơn hàng đầu tiên, ngoài tiền gốc, Hiển đã thu về 200 nghìn đồng. Thấy kiếm tiền dễ, anh Hiển tiếp tục nạp 1,2 triệu đồng để chốt đơn thứ sáu, rồi 10, số tiền tăng lên tới 20 triệu đồng. Nghi ngờ lừa đảo, Hiển muốn "quay xe", song anh không thể rút được tiền. "Chúng yêu cầu tôi phải hoàn thành nốt đơn thứ 11, 12. Số tiền tôi đã nạp vào tài khoản là hơn 40 triệu đồng. Tiếp tục giục để rút tiền ra, họ lại lấy lý do số tiền lớn, phải chuyển khoản qua ngân hàng. Họ yêu cầu tôi nộp cả tiền thuế thu nhập cá nhân và một số giấy tờ khác và rồi, tôi đã mất trắng…", Hiển xót xa.

Nhiều nạn nhân cho rằng, các đối tượng lừa đảo còn đưa ra quy định hỗ trợ thúc đẩy đại lý để hoàn thiện đơn hàng. Bọn chúng sẵn sàng chuyển một phần tiền (tối đa 20%) giá trị đơn hàng vào tài khoản (tài khoản app) của người chơi nếu số tiền đơn hàng lớn quá sức người chơi, nhằm "nhử mồi" người chơi. Theo Phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố Hà Nội), cho các đối tượng sử dụng chiêu trò "việc nhẹ lương cao" thường tiếp cận người có nhu cầu làm việc tại nhà, làm việc online. Đối tượng cũng "vẽ ra" những công việc nhẹ nhàng, không cần chuyên môn, trả thù lao trong ngày để thu hút người tham gia. Sau khi lừa được nạn nhân, các đối tượng đưa ra các gói nhiệm vụ có giá trị cao, người tham gia buộc phải mua các gói tiền cao hoặc giới thiệu thêm người tham gia để được rút tiền. Điều này sẽ khiến nạn nhân có tâm lý "đâm lao phải theo lao". Sau khi người tham gia nhận ra dấu hiệu bị lừa đảo, các app, website sẽ liên tục báo lỗi hoặc ngừng hoạt động, đối tượng lừa đảo cũng biến mất.

Cần tỉnh táo, cảnh giác

Để tránh "tiền mất, việc không", người lao động, nhất là sinh viên mới ra trường khi đăng ký tìm việc làm qua mạng cần kiểm tra thật kỹ các thông tin của đơn vị tuyển dụng như trụ sở làm việc; lĩnh vực kinh doanh; thông tin của tư vấn viên... Đặc biệt, người dân nên trực tiếp đến công ty, doanh nghiệp để xác nhận thông tin tuyển dụng.

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, hiện nay, nhu cầu việc làm của người lao động là cao, đặc biệt là đối với lực lượng lao động trẻ như học sinh, sinh viên, phụ nữ làm nội trợ ở nhà. Các đối tượng lừa đảo rất hiểu tâm lý, nhu cầu tìm việc nên đã tận dụng công nghệ, mạng xã hội để tung ra các chiêu trò, trục lợi bất hợp pháp. Người lao động, học sinh, sinh viên nên tiếp cận những sàn giao dịch việc làm chính thống, được tổ chức liên tục để tìm kiếm cơ hội cho mình.

Ở khía cạnh khác, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) phối hợp Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) khuyến cáo mọi người: Không tham gia các nhóm khi chưa có thông tin xác thực; không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ trên không gian mạng; các doanh nghiệp sở hữu thương hiệu cần cảnh báo/thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về những hành vi lừa đảo việc làm online; thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về tội phạm lừa đảo qua mạng.