Phòng, chống thảm họa kép: Việc cần làm ngay (Kỳ 2)

Kỳ 2: Thách thức lớn khi trọng trách nhân lên

Nhà chống lũ thôn Vinh Quang, xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) do Tập đoàn Trường Thịnh xây tặng vừa hoàn thành đưa vào sử dụng.
Nhà chống lũ thôn Vinh Quang, xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) do Tập đoàn Trường Thịnh xây tặng vừa hoàn thành đưa vào sử dụng.

Các tỉnh Trung Bộ thường xuyên bị ảnh hưởng bão lũ, hằng năm đã có nhiều biện pháp ứng phó linh hoạt nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại. Tuy nhiên, mùa mưa bão năm nay còn phải đồng thời phòng, chống dịch Covid-19. Thực tế chưa có tiền lệ này đang gây nhiều lúng túng cho chính quyền và người dân. 

Nguy cơ chia cắt, lực lượng mỏng

Vùng ven biển với đặc thù sinh sống mật độ dân đông đúc, dày đặc ở các làng chài, thôn, xóm vì vậy công tác phòng dịch Covid-19 và di dời dân mùa mưa bão khó khăn nhiều hơn. Để chuẩn bị cho mùa mưa bão cận kề, các địa phương vùng biển tỉnh Quảng Ngãi đang khẩn trương rà soát vùng nguy cơ sạt lở và tính toán các phương án. Nếu như những năm trước việc di dời dân đến điểm tập trung nhanh chóng, thuận lợi hơn thì năm nay sẽ có cản trở lớn từ đại dịch Covid-19. 

Không thể  áp dụng giải pháp phòng, chống mưa lũ như những năm trước, vùng biển phải tăng địa điểm di dời dân và giãn người theo khoảng cách nhất định. Nơi giáp cửa biển Cổ Lũy, xã Nghĩa Phú, TP Quảng Ngãi, hằng năm vẫn bị ảnh hưởng trực tiếp các đợt mưa lũ, sóng lớn. Việc di dời, chạy bão là thường mỗi mùa mưa. Toàn xã có 180 tàu thuyền và nhiều khu vực nuôi trồng thủy, hải sản; đặc biệt gần 1.700 hộ với 5.800 nhân khẩu sống ở cửa biển. Gần 300 hộ nằm trong vùng ven biển nguy cơ sạt lở, trong đó, 120 hộ có nguy cơ sạt lở, nhà tạm bợ ven biển nên sẽ chịu ảnh hưởng, gặp nguy hiểm nếu mưa bão lớn xảy ra. Trong khi đó, thời gian qua, Nghĩa Phú đã ghi nhận bốn ca dương tính SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Các biện pháp khoanh vùng, ngăn dịch được triển khai quyết liệt. Lực lượng, nhân sự tại chỗ được huy động, dốc sức trong nhiều tháng qua để phòng, chống dịch nay kiêm nhiệm chuẩn bị ứng phó mưa lũ. Điều này đã dẫn tới tình trạng như chia sẻ của Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phú Võ Thị Lệ Thu, toàn xã hiện có gần 20 cán bộ, lực lượng tại chỗ và lực lượng tăng cường làm nhiệm vụ phong tỏa, truy vết dịch tễ y tế, hỗ trợ xét nghiệm, tiêm phòng, vận động người dân phòng dịch. “Lực lượng tăng cường, bán chuyên trách, hỗ trợ từ thôn, tổ cộng đồng hỗ trợ đảm đương nhiều phần việc cùng địa phương. Tuy nhiên, gánh thêm mưa lũ người làm không có, địa phương khó đảm đương”, bà Thu chia sẻ.

Còn với khu vực miền núi, như ý kiến của Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) Đỗ Đình Phương, thì nhiệm vụ kép chống mưa bão lẫn dịch bệnh khiến địa phương cạn nhân lực và nguồn lực. Khó khăn chồng chất thêm nếu cùng lúc thảm họa xảy đến trong mùa mưa bão. “Chúng tôi cần hỗ trợ gạo, dự trữ gạo trong mùa mưa bão vì miền núi mà chia cắt thì khắc phục chậm, lâu hơn. Gạo là cần nhất để chống đói cho bà con, nhất là khó khăn chồng chất sau thời gian dài bà con miền núi ảnh hưởng dịch Covid-19”. 

Trà Bồng đã có 16 ca dương tính với SARS-CoV-2, là huyện miền núi có ca bệnh Covid-19 nhiều nhất của tỉnh Quảng Ngãi. Ngăn chặn dịch lây lan ra cộng đồng, thời gian qua, huyện đã phong tỏa 850 hộ dân xã Trà Phong. Nhưng ngay trong khu vực phong tỏa Covid-19, có bốn điểm nguy cơ sạt lở núi, đe dọa trực tiếp 245 hộ với 900 người. Cách chốt kiểm soát thôn Trà Nga hơn km là khu cách ly tập trung tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Tây Trà, nơi cách ly 25 trường hợp F1. Phía sau khu cách ly tập trung mảng núi sạt lở cũ với nhiều vết nứt, đất đá đổ xuống. Trong khi đó, huyện miền núi Sơn Tây (Quảng Ngãi) có đến 23 khu vực, vị trí sạt lở núi. Hơn 1.200 hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm, nhiều nhất là các xã Sơn Long, Sơn Bua, Sơn Dung. Công tác phòng, chống mưa bão, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn song song phòng, chống dịch thêm gánh nặng hơn. Tình trạng sạt lở, đường chia cắt cục bộ tuyến đường huyện, xã về thôn bản cản trở ứng cứu thiên tai lẫn dịch họa. Theo Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Nguyễn Ngọc Trân thì khó khăn chính là bảo đảm được các nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân khi thiên tai xảy ra gây chia cắt, các địa phương bị phong tỏa. Về vấn đề này, huyện đã chỉ đạo các địa phương rà soát bảo đảm phương châm 4 tại chỗ, vận động nhân dân dự trữ lương thực đủ cho 14 ngày, nhân rộng kho lúa chung của cộng đồng để có thể hỗ trợ kịp thời cho các hộ khó khăn, hộ bị thiệt hại do thiên tai.

Phòng, chống thảm họa kép: Việc cần làm ngay (Kỳ 2) -0
 Người dân khu tái định cư xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) hoàn thiện các khâu còn lại để đưa nhà mới vào sử dụng trước mùa bão lũ năm nay.

Chuẩn bị sớm không thừa

Rút kinh nghiệm của mùa lũ lịch sử năm 2020, những ngày gần đây khi nghe tin cơn bão số 5, ông Đặng Đình Trung, ở thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã kết bàn, ghế tạo thành điểm cao an toàn để kê kích tài sản lên tránh bị ướt. Những vật dụng có thể ngâm được trong nước, ông buộc lại để không bị trôi mất. Vợ chồng ông mua đủ lương thực, thực phẩm và chuyển bếp ga lên tầng hai. Ông chia sẻ: “Muốn giảm thấp nhất thiệt hại do bão, lũ thì đừng để “nước đến chân mới nhảy. Trong hoàn cảnh dịch bệnh thế này thì mỗi nhà nên chủ động di dời từ chỗ thấp lên tầng cao. Những nhà không cao tầng thì nên lập lại gác lửng sát mái để làm nơi trú an toàn”. Ông Trung nhấn mạnh: Dịch dã còn trong cộng đồng thì bản thân chủ nhà cũng không muốn đón người khác đến trú chân như trước nữa. 

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đồng Hới (Quảng Bình) Nguyễn Đức Cường, với bão cấp độ 3 trở lên, thành phố dự kiến huy động lực lượng xung kích di dời, sơ tán gần 1.700 hộ dân với khoảng 6.000 nhân khẩu ở khu vực xung yếu, có nguy cơ cao tại 15 xã, phường đến các địa điểm tập trung, như nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, trung tâm văn hóa xã, phường, các trường học. Nhưng phải bảo đảm phòng, chống dịch theo quy định. Điều quan trọng là phải khuyến cáo người dân cần thường xuyên theo dõi tình hình thiên tai và dịch bệnh. Song song đó, người dân cần lưu các số điện thoại của lãnh đạo xã, phường, y tế, cứu hộ địa phương để liên lạc trong trường hợp cần hỗ trợ khẩn cấp. 

Còn Chủ tịch UBND xã Thuận Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) Nguyễn Xuân Các gợi ý, muốn giữ an toàn tính mạng người dân khi thiên tai và dịch bệnh cùng lúc xảy ra, chính quyền phải rà soát kỹ số lượng, hoàn cảnh từng gia đình buộc phải di dời với sự tham gia của lực lượng y tế cơ sở để biết rõ các hộ đó như thế nào, có ai đi về từ vùng dịch hay không. Từ đó, di dời theo nguyên tắc bảo đảm an toàn và tuân thủ 5K. Rất may là Thuận Hóa đang là “vùng xanh” nên công tác phòng, chống bão, lũ cũng thuận lợi và an toàn hơn các xã có người nhiễm Covid-19. 

Tuy nhiên, không vì thế mà lơ là, ngay từ bây giờ, lực lượng y tế và công an địa phương phải quản lý rất chặt về số lượng người đến, đi từ địa bàn để chủ động biện pháp ứng phó thiên tai, kịch bản di dời người dân ở các khu vực có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn, ông Các gợi mở. Ở các huyện miền núi Quảng Nam trước và trong mùa mưa bão năm nay, đề phòng sạt lở, lũ quét, ngập lụt cục bộ do nhiều địa bàn đang triển khai làm đường mới, khai thác khoáng sản, hầm lò, đã có những đề xuất về việc phải xây dựng lực lượng xung kích, kiểm tra rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven suối và bố trí các lực lượng vật tư, sẵn sàng khắc phục sự cố. Trở ra huyện miền núi cao Kỳ Sơn (Nghệ An), trong không khí cấp bách, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hữu Minh thông tin: Kỳ Sơn có năm khu vực thường xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất. Huyện đã có công điện khẩn, yêu cầu cấp ủy, chính quyền, y tế… các địa phương phải có phương án sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm đến trường học, đồn biên phòng, ở xen các nhà dân, tránh tình trạng sơ tán đến một vài điểm quá đông người như trước đây để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh.

(Còn nữa)

Một vấn đề cần phải chú ý nữa đang diễn ra đúng vào thời điểm mưa bão hiện nay, là lao động của các tỉnh miền trung từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam trở về quê hương, thì ngoài việc kiểm soát tốt người ở vùng dịch trở về, các địa phương phải bố trí khu cách ly tập trung nơi cao ráo, không bị tác động nhiều do yếu tố mưa gió to, lũ lớn…