Phòng bão từ sớm, giảm thiệt hại

Bão số 4 đi vào Quảng Bình, Quảng Trị và nhanh chóng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Cơn bão này không mạnh song Quảng Bình đã không chủ quan, thực hiện các phương án phòng tránh từ sớm một cách khẩn trương, quyết liệt cùng với sự sáng tạo của chính người dân để “sống chung” với lũ lụt nên không có thiệt hại đáng kể nào.
Bộ đội Biên phòng Quảng Bình giúp người dân chuyển thuyền đánh cá lên bờ chạy bão số 4.
Bộ đội Biên phòng Quảng Bình giúp người dân chuyển thuyền đánh cá lên bờ chạy bão số 4.

1/Ngay khi có dự báo về áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Bình đã chủ động kết nối thông tin liên lạc, kêu gọi tàu thuyền tìm nơi tránh trú, không đi vào vùng nguy hiểm. Chỉ trong 1 ngày từ 18 đến 19/9, toàn bộ hơn 7.000 tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Bình đã vào các khu tránh trú neo đậu an toàn. Cẩn thận hơn, những ngư dân có tàu đánh bắt gần bờ ở thành phố Đồng Hới còn dùng xe cẩu, cẩu hẳn thuyền đánh cá lên kè sông Nhật Lệ. Ở vùng bãi ngang Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, ngư dân tự chế ra mô hình tời, sử dụng động cơ xe máy cũ và dây cáp để tời, kéo thuyền đánh cá vào sâu trên bờ tránh gió bão quăng quật.

Động viên, hướng dẫn và hợp sức với ngư dân là cán bộ, chiến sĩ các Đồn Biên phòng tuyến biển. Không chỉ theo dõi chặt chẽ hải trình, nhật ký các tàu cá để kịp thời liên lạc, hỗ trợ ngư dân mà các chiến sĩ biên phòng chia thành nhiều tổ công tác bám địa bàn nhắc nhở ngư dân không chủ quan khi chằng chống các mái nhà yếu, di dời người dân ở các ngôi nhà chưa bảo đảm an toàn trước gió bão, kéo hoặc đẩy thuyền lên bãi. Ông Nguyễn Trường Lâm, ở thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới chia sẻ, người dân vùng biển vốn quen với gió bão nhưng không ai chủ quan trong ứng phó nên việc kéo thuyền lên cao, chèn cát, buộc lại nhà cửa được thực hiện từ sớm. Với gió bão ở vùng biển những việc làm như vậy là không thừa.

Trước bão, tỉnh Quảng Bình đã rà soát, phát hiện 164 điểm sạt lở và nguy cơ sạt lở núi, khu dân cư, bờ sông, biển trên toàn tỉnh. Trong số này, có 10 vị trí sạt lở nghiêm trọng ở các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Lệ Thủy có thể vùi lấp khi có mưa lớn. Trong mưa, chính quyền địa phương và các lực lượng, trong đó nòng cốt là Bộ đội Biên phòng đã quyết liệt di dời người dân ở các khu vực này đến nơi an toàn.

Sợ tắc đường do ngập lụt và sạt lở, huyện Minh Hóa đã chuyển 2 tấn gạo vào gửi ở Đồn Biên phòng Cà Xèng để khi cần thiết cấp gạo cho đồng bào người Rục ở xã Thượng Hóa. Bí thư, Trưởng bản Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa Cao Xuân Long nói, cứ vào mùa mưa lũ, tuyến đường độc đạo vào bản Rục ngập sâu. Đợt mưa do bão số 4, tuyến đường qua Hung Trâu ngập gần 3 m gây cô lập 3 bản người Rục nhiều ngày. Bị cô lập nhưng không hề bi quan, ngược lại, 2 vụ lúa nước năm nay bà con được mùa nên lương thực cất trữ trong từng gia đình khá nhiều. Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng bám địa bàn giúp bà con vượt qua khó khăn, ứng phó hiệu quả với thiên tai nên càng yên tâm hơn.

2/Những năm gần đây, ở các vùng thấp trũng của tỉnh Quảng Bình, người dân đã sáng tạo ra mô hình nhà nổi để sống chung an toàn trên nước lũ. Khởi đầu từ “rốn lũ” Tân Hóa của huyện Minh Hóa, mỗi khi nước lũ dâng cao đến vài mét, người dân phải chạy lên núi đá vôi để tránh. Người chạy được chứ tài sản, lương thực thì không, vì thế bà con mới đóng một chiếc thùng, gắn phía dưới mấy cái phao để bỏ tài sản, lương thực tránh bị hư hỏng.

Từ mô hình đầu tiên đó, người dân xã Tân Hóa bắt đầu làm nhà phao tránh lũ để khỏi sơ tán lên núi cao. Chủ tịch UBND xã Trương Thanh Duẩn mô tả, nhà nổi tránh lũ còn gọi là nhà phao làm bằng gỗ, lợp tôn khá kiên cố, được gắn trên một giàn gồm nhiều thùng nhựa phi rỗng để khi nước lũ dâng cao thì ngôi nhà cũng nổi lên theo. Mỗi nhà nổi khoảng 15 m2, được chia thành nhiều ngăn để cả gia đình ngủ, nơi đặt bếp, nơi để lương thực.

Đến mùa mưa lũ, người dân thu dọn đồ đạc thiết yếu, lương thực, thực phẩm lên nhà nổi. Lũ dâng lên, cả gia đình lên nhà phao sinh sống. Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Nguyễn Bắc Việt cho biết, mùa mưa lũ năm nay, địa phương yên tâm hơn bởi người dân đã chủ động các biện pháp ứng phó, đặc biệt là ở các “rốn lũ” Tân Hóa và Minh Hóa có gần 1.000 nhà phao để sống chung với lũ lụt. Trong đó, tại xã Tân Hóa có 650 nhà phao, số còn lại ở xã Minh Hóa. Bây giờ, mỗi nhà phao có diện tích khoảng 25-40 m2, được thi công khá đẹp mắt, đủ sinh hoạt cho cả gia đình trong những ngày nước lũ. Mưa to trong những ngày qua đã làm cho Tân Hóa ngập từ 0,5-2,5 m gây ngập lụt hơn 400 ngôi nhà.

Đặc biệt, mùa lũ lụt năm nay, bà con không còn thiếu nước sinh hoạt và điện để sạc điện thoại vì đã có doanh nghiệp Oxalis hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn hỗ trợ. Chủ tịch xã Trương Thanh Duẩn nói, nếu nói không lo lũ lụt nữa là không đúng nhưng người dân Tân Hóa đã vững tâm và chủ động hơn mỗi khi lũ lụt đến nhờ có nhà phao. Canh chừng khi nước rút, bà con vệ sinh môi trường kịp thời không để bùn đóng váng hoặc khô lại, rồi chuyển cuộc sống từ nhà nổi trở lại ngôi nhà bình thường.

Ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh, kinh nghiệm những năm qua cũng như bão số 4 vừa rồi là công tác ứng phó phải thực hiện từ sớm và khẩn trương khi bão còn ngoài khơi, thực hiện các biện pháp, công việc phòng, chống càng chu đáo, quyết liệt thì giảm thiểu được thiệt hại do thiên tai.