Vang xa tiếng kẻng báo lũ

Cơn bão số 3 đã rời đi, nhưng hậu quả để lại thật nặng nề: nhiều khu vực miền núi, sâu, xa vẫn bị cô lập, không có điện, nước hay sóng điện thoại. Nước lũ từ thượng nguồn tiếp tục đổ xuống ào ạt. Giữa lúc hiểm nguy chực chờ, tiếng kẻng tự chế vang lên liên hồi, như hồi chuông cứu nguy cho người dân vùng lũ.
Kẻng cảnh báo bằng bình gas hết tại thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, Bảo Yên, Lào Cai). Ảnh: KMB
Kẻng cảnh báo bằng bình gas hết tại thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, Bảo Yên, Lào Cai). Ảnh: KMB

Hồi kẻng từ quá khứ

Từ xa xưa, kẻng đã là phương tiện truyền tin khẩn cấp. Mỗi mục đích khác nhau, nhịp kẻng cũng khác nhau. Từ kẻng báo thức, báo giờ nghỉ, báo giờ tan làm với âm thanh khoan thai, tới âm thanh dồn dập của kẻng báo động, kẻng báo cháy, báo vỡ đê... Mỗi làng quê, mỗi cơ quan, đơn vị, trường học... đều có một chiếc kẻng riêng, như một người bạn đồng hành, báo hiệu những giờ phút quan trọng trong ngày.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển vượt bậc của các phương tiện truyền thông hiện đại như loa phát thanh, điện thoại di động, kẻng dần mất đi vai trò của mình và lùi vào quên lãng. Thế nhưng trong thời khắc gian nguy, tiếng “keng keng” ấy lại vang lên như “phao cứu sinh” cho người dân trong cơn nguy khó.

Trong một cuộc kiểm tra thực tế tại bản Đon (xã Nghĩa Đô, Bảo Yên, Lào Cai), nơi địa hình phức tạp và thường xuyên xảy ra sạt lở đất, người dân không thể phụ thuộc hoàn toàn vào các phương tiện thông tin hiện đại, Bí thư Đảng ủy xã Đỗ Văn Lưu nhận thấy tình hình sạt lở tiềm ẩn nguy hiểm. Để bảo đảm an toàn cho người dân, xã đã chỉ đạo lập chốt trực và sử dụng mõ để cảnh báo. Tuy nhiên, tiếng mõ bằng gỗ truyền đi không hiệu quả trong điều kiện thời tiết xấu, gây khó khăn trong việc thông báo nguy hiểm. Ý nghĩ về một chiếc kẻng mới, tiếng vang xa hơn và hiệu quả hơn đã xuất hiện và lập tức được ông Lưu phải thực hiện để cảnh báo lũ cho người dân.

Thay thế những chiếc kẻng gỗ với tiếng “đục” khi gặp trời mưa là những chiếc kẻng làm từ bình gas cũ hỏng. Cây dùi được chế từ những cây thép có đường kính khoảng 20 mm. Tiếng kẻng lúc này đã vang xa hơn, vượt được những quả đồi thấp, vọng trong tiếng mưa mà không bị cản trở.

Xã Nghĩa Đô đã chủ động lắp đặt 17 chiếc kẻng sắt từ bình gas đặt tại nhà văn hóa của các bản và các điểm trực chiến, cảnh báo sạt lở trên địa bàn. Không chỉ dừng lại ở việc “sản xuất” kẻng, xã Nghĩa Đô còn tổ chức hướng dẫn cách gõ kẻng một cách khoa học và hiệu quả giúp cho tín hiệu báo động được truyền đạt nhanh chóng và chính xác hơn.

Trong sự tang tóc, đau thương tại làng Nủ (xã Phúc Khánh, Bảo Yên, Lào Cai), một trong những nơi bị tách biệt với thế giới bên ngoài, tiếng kẻng dường như nặng nề hơn bởi ngoài nhiệm vụ báo lũ, sạt lở, tiếng kẻng còn báo hiệu mỗi khi một nạn nhân được tìm thấy trong cuộc tìm những người mất tích do bị lũ cuốn tại đây.

Để tiếng kẻng vang xa núi rừng

Sáng kiến thay thế kịp thời “chuông” báo hiệu của ông Đỗ Văn Lưu tuy nhỏ bé nhưng đã thể hiện đúng tinh thần trách nhiệm của một người lãnh đạo, tất cả vì an toàn của nhân dân.

Không chỉ có thôn Làng Nủ, Tây Bắc còn có rất nhiều bản làng xa xôi khuất sau những dãy núi, nơi mà tín hiệu điện thoại - phương tiện liên lạc hiện nay cũng không thể hoạt động hoặc rất chập chờn. Tiếng kẻng trở thành phương tiện thông báo tin tức nhanh chóng nhất, kịp thời nhất và cũng thuận tiện nhất. Tại xã Hồ Bốn (Mù Cang Trải, Yên Bái), kẻng từ lâu đã trở thành phương tiện truyền báo thông tin quen thuộc của người dân. Với địa hình thường xuyên xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, người dân tại đây đã có nhiều kinh nghiệm nghe tiếng kẻng. Anh Giàng A Chống (bản Trống Là, xã Hồ Bốn) cho biết: “Ngay cả khi mất điện loa phát thanh không hoạt động, mất sóng điện thoại thì tiếng kẻng trong bản vẫn vang lên, người dân nghe tiếng kẻng biết mà chạy”.

Bên cạnh những chiếc kẻng được tái chế từ bình gas, một chiếc kẻng khác tại Thượng Bằng La (Văn Chấn, Yên Bái) được sáng tạo từ vỏ quả bom trong cuộc chiến đấu với thực dân Pháp. Chiếc kẻng dài hơn 1 m, đường kính khoảng 60 cm được treo tại trụ sở ủy ban xã Thượng Bằng La, trở thành một phần quen thuộc trong đời sống hằng ngày của nhân dân nơi đây. Không chỉ có nhiệm vụ trong mùa bão lũ, “Tiếng kẻng an ninh” vang lên 23 giờ hằng ngày, báo hiệu giờ giới nghiêm đã tới, lực lượng chức năng đi tuần tra, bảo đảm an ninh trật tự khu vực.

Có thể thấy, tiếng kẻng không chỉ là hồi chuông cảnh báo thiên tai, mà còn là biểu tượng của sự gắn kết cộng đồng, sự sẵn sàng ứng phó với khó khăn và tinh thần đoàn kết của người dân.