Khởi nghiệp từ nghề “quen”
Chỉ mới bắt tay vào nuôi hươu lấy nhung lộc hơn 3 năm nhưng đến giờ trang trại hươu sao của Tiệp ở thôn 8 (xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn) được đánh giá là lớn nhất nhì tại địa phương.
Tiệp sinh năm 1996, hiện đang là Bí thư Đoàn Thanh niên xã Sơn Giang. Từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học, Tiệp đã nung nấu ý định sau khi ra trường sẽ đầu tư chăn nuôi hươu, một nghề đã gắn bó với gia đình Tiệp từ nhỏ. “Trước kia bố mẹ tôi cũng nuôi gần 40 con hươu nhưng chỉ theo phương pháp truyền thống, còn tôi muốn đầu tư và nuôi hươu theo phương pháp hiện đại, bài bản tạo nên uy tín cho trang trại. Ban đầu tôi cũng gặp một vài khó khăn về vốn nhưng sau vài lần thuyết phục, trao đổi với bố mẹ và một vài người góp cổ phần, thấy tôi là người có quyết tâm và kế hoạch rõ ràng nên ai cũng đồng ý”, Tiệp tâm sự.
Chính thức từ tháng 5/2021, trang trại chăn nuôi hươu của Tiệp được hình thành. Với số vốn khoảng 3 tỷ đồng vay mượn, Tiệp đã xây dựng hệ thống chuồng trại và mua 200 con hươu giống về chăn nuôi.
Sử dụng đệm lót sinh học cho hươu
Điểm khác biệt lớn nhất ở trang trại nuôi hươu của Tiệp so với các hộ khác chính là áp dụng đệm lót sinh học trong chuồng nuôi, vừa giúp bảo vệ môi trường đồng thời hạn chế dịch bệnh cho hươu. Mô hình sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi hươu sao của Đoàn Thanh niên xã Sơn Giang là một trong 17 mô hình dân vận khéo được Đảng ủy xã Sơn Giang trao tặng giấy khen trong giai đoạn 2019 - 2024. Hiện nay, mô hình này đang được nhân rộng trong toàn xã cũng như các xã lân cận. Tiệp cho biết, khi phủ đệm lót sinh học phân hươu phân hủy nhanh, sàn chuồng khô ráo, hạn chế ký sinh trùng, không còn mùi hôi thối, không có ruồi muỗi.
"Đệm lót sinh học được làm từ các phế phụ phẩm từ nông nghiệp, sau khi sử dụng đệm lót được 6 tháng đem chỗ đệm đó bón cho cây cỏ, cây ngô, tạo nên một vòng tuần hoàn trong chăn nuôi và trồng trọt. Đệm lót sinh học cũng giúp hươu khỏe mạnh và ít bị bệnh tật hơn, đặc biệt là các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa", Tiệp cho biết.
Hươu đã trở thành vật nuôi chủ lực của huyện Hương Sơn trong nhiều năm trở lại đây. Theo thống kê, tổng sản lượng nhung bình quân trong 5 năm gần đây đạt từ 15-18 tấn/năm, trung bình tăng 15% mỗi năm, doanh thu ước tính từ 250-270 tỷ đồng/năm. Hiện nay, toàn huyện Hương Sơn có tổng đàn hươu khoảng 45 nghìn con, vào dịp Tết nguyên đán hằng năm toàn huyện thu khoảng hơn 200 tỷ đồng từ việc bán nhung.
Hươu là loài động vật không kén thức ăn nhưng chúng lại ăn rất sạch, nên phải chú ý về chế độ vệ sinh trong thức ăn. Ngoài cho ăn những thức ăn truyền thống như lá cây, cỏ, Tiệp còn bổ sung thêm tinh bột cho hươu như gạo nếp, ngô, vitamin tổng hợp, các loại khoáng cần thiết giúp tăng cường sức đề kháng và để có được nhung đạt chất lượng.
“Tôi thường xuyên thay đổi thức ăn cho hươu để tránh chán sẽ ảnh hưởng chất lượng nhung. Ngoài ăn sạch, nguồn nước uống cũng phải an toàn, sạch sẽ. Mùa hè, một ngày hươu trưởng thành có thể uống hết 6 đến 8 lít nước, nên phải cung cấp liên tục”, Tiệp chia sẻ.
Tiệp cho biết, sau nhiều lần đầu tư mở rộng chuồng trại, từ tháng 7/2022 quy mô chăn nuôi được lấp đầy trong trang trại rộng hơn 3.000 m2. Mỗi năm trang trại của Tiệp sinh sản ra khoảng 140-150 hươu con và cho khoảng 70 kg nhung với tổng trị giá khoảng 3 tỷ đồng/năm, thu về lợi nhuận khoảng 1,1 tỷ đồng/năm. Hiện nay, Tiệp cũng đã đặt tên cho trang của mình là "Trại hươu giống hạt nhân 38" và là đơn vị cung cấp giống uy tín trong vùng.
Chia sẻ về hướng phát triển trong tương lai, Tiệp cho biết, sẽ tập trung sản xuất hươu giống và chế biến sâu các sản phẩm như rượu nhung hươu, cao nhung hoặc nhung hươu sấy khô dạng bột. Tiệp cũng mở rộng liên kết nuôi tại các tỉnh Quảng Ninh, Nghệ An, Lâm Đồng, Lào Cai. Với vai trò Bí thư Đoàn Thanh niên xã, Tiệp cũng đã chia sẻ kinh nghiệm của mô hình nuôi hươu với đoàn viên, thanh niên các địa phương, giúp họ vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Năm 2022, Nguyễn Hồng Tiệp vinh dự nhận Giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn trao tặng dành cho các nhà nông trẻ tiêu biểu.