Bảo đảm an sinh cho người dân vùng thiên tai

Nhằm khắc phục hậu quả của bão lụt, Cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cam kết giải quyết chế độ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) nhanh, thuận tiện và cải cách nhất.
Lãnh đạo Bộ Y tế thăm, tặng quà bệnh nhân vùng ảnh hưởng bão lũ điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Báo SỨC KHỎE & ĐỜI SỐNG
Lãnh đạo Bộ Y tế thăm, tặng quà bệnh nhân vùng ảnh hưởng bão lũ điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Báo SỨC KHỎE & ĐỜI SỐNG

1/Bảo đảm quyền lợi BHXH, BHYT của người tham gia, trong và sau bão số 3, BHXH các cấp đã kịp thời xử lý các phát sinh do bão, lũ. Trong công tác khám, chữa bệnh (KCB) BHYT, do có dự báo nên không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Đơn cử như tại Bệnh viện đa khoa Hòe Nhai (Hà Nội), do bão làm hỏng hệ thống chạy thận nhân tạo, nên hơn 200 bệnh nhân chạy thận đã được cải cách thủ tục, kịp thời chuyển đến các cơ sở y tế khác để chữa bệnh mà vẫn được bảo đảm về quyền lợi thanh toán BHYT, không cần giấy chuyển viện.

Bên cạnh đó, tại một số địa bàn thuộc tỉnh Lào Cai, nhiều người dân bị mất, hỏng thuốc do nước lũ đều đã được cấp bù đầy đủ đến kỳ sau. Hay việc nhiều người dân mắc bệnh mạn tính ở các vùng bị ngập lụt, cô lập, chia cắt không thể đến cơ sở KCB cũng được cơ quan BHXH phối hợp với ngành y tế đến tận nhà khám và cấp thuốc với thủ tục đơn giản, thuận tiện, giúp quá trình điều trị không bị gián đoạn…

Nhận định ảnh hưởng sau bão số 3 còn nặng nề, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu, các đơn vị trực thuộc, BHXH các tỉnh, thành phố tiếp tục bám sát, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, cấp ủy, chính quyền địa phương, có các giải pháp bảo đảm quyền lợi người tham gia BHXH, BHYT, giúp người dân có thêm nguồn lực, nhanh chóng ổn định cuộc sống sau thiên tai. Với những tình huống phát sinh sau bão, lũ, BHXH các địa phương tích cực vào cuộc, bảo đảm quyền lợi BHXH, KCB BHYT của người dân. Đối với vùng bị ảnh hưởng trực tiếp của bão (như thiệt hại nặng nề, bị chia cắt, gián đoạn giao thông, hạ tầng, liên lạc, mất điện, nước...), BHXH các địa phương cử cán bộ cùng với các ngành, các cơ quan liên quan trực tiếp đến địa bàn để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, kịp thời tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc, bảo đảm đầy đủ, kịp thời quyền lợi người tham gia BHXH, BHYT.

Bảo đảm an sinh cho người dân vùng thiên tai ảnh 1

Bảo đảm người dân vùng lũ không bị gián đoạn KCB bằng thẻ BHYT. Ảnh: TTXVN

2/Mới đây, Bộ Y tế có công văn về việc bảo đảm công tác KCB, hỗ trợ khắc phục hậu quả bão lụt. Hiện tại, nhiều cơ sở KCB bị ảnh hưởng và hư hại, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hòa Bình… Trong bối cảnh đó, các bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế… vẫn bảo đảm công tác KCB phục vụ nhân dân. Theo báo cáo nhanh của các địa phương, cho đến nay không có trường hợp nào không được cấp cứu, điều trị kịp thời.

Tại một số bệnh viện ở TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, do mất điện lưới kéo dài, nhiên liệu chạy máy phát điện hết, nên các đơn vị y tế đã huy động nhân viên bóp bóng bằng tay cứu sống người bệnh. Các cơ sở y tế tại các tỉnh miền núi phía bắc đã tích cực cứu chữa nạn nhân bị vùi lấp, chấn thương… do sạt lở đất. Nhiều nhân viên y tế đã dầm mình trong bùn, lũ cùng người dân đối phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

Để tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhằm khắc phục nhanh chóng hậu quả của bão, lụt, duy trì và bảo đảm các điều kiện nhằm thực hiện tốt công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, Bộ Y tế đề xuất:

Thứ nhất, các bệnh viện tại các tỉnh, thành phố khác có điều kiện về chuyên môn, không bị ảnh hưởng bão, lụt sẵn sàng chi viện, thành lập đoàn công tác để tăng cường nhân lực điều trị và phòng, chống dịch bệnh cho các bệnh viện tại các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 và lũ lụt trong trường hợp cần thiết… Đồng thời, hỗ trợ, kết nối hội chẩn KCB từ xa, tiếp nhận người bệnh...

Thứ hai, các bệnh viện, cơ sở y tế tại các vùng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, tiếp tục phát huy tinh thần “Lương y phải như từ mẫu” của người thầy thuốc, sẵn sàng, hết lòng phục vụ người bệnh. Trường hợp vượt quá khả năng, đơn vị chuyển cơ sở khác hoặc đề nghị hỗ trợ KCB từ xa. Các đơn vị phối hợp tiếp nhận, phân phối, sử dụng các khoản hỗ trợ của tổ chức, cá nhân, theo đúng quy định của pháp luật.

Sở Y tế các tỉnh, thành phố cũng cần tăng cường giám sát thực tế, chỉ đạo sát sao, nắm chắc tình hình của các cơ sở y tế tại địa phương và hỗ trợ ngay nếu cần thiết để khắc phục nhanh nhất các thiệt hại, đưa hoạt động KCB trở lại bình thường. Sở cần chỉ đạo trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) phối hợp với chính quyền địa phương để thực hiện công tác bảo đảm nước sạch, vệ sinh môi trường và phòng, chống dịch bệnh. Các cơ sở chuẩn bị sẵn sàng phương án đối phó với kịch bản dịch bệnh gia tăng sau bão lụt và các bệnh như tiêu chảy, ngộ độc, viêm da…

3/Theo Bộ Tài chính, hiện nay, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã chủ động vào cuộc, cử cán bộ, nhân viên tới các địa bàn trọng điểm để xác định thiệt hại về người và tài sản của khách hàng tham gia bảo hiểm. Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm cũng đang tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan để tiến hành hỗ trợ nhân đạo, tiến hành xác định thiệt hại để tạm ứng và chi trả bồi thường nhanh nhất cho các khách hàng bị thiệt hại do bão số 3 và lũ lụt ở miền bắc gây ra.

Để kịp thời hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khắc phục thiệt hại do bão lụt gây ra, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cũng đã có công văn đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xác định thiệt hại về người và tài sản của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; thực hiện việc tạm ứng bồi thường, bồi thường và trả tiền bảo hiểm nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm, người thụ hưởng theo thỏa thuận tại hợp đồng và quy định pháp luật.

Theo số liệu cập nhật từ các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, có 6 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có ghi nhận về các vụ tổn thất về người là khách hàng tham gia hợp đồng bảo hiểm nhân thọ do bão số 3 và lũ lụt tại các tỉnh miền bắc gây ra. Cập nhật con số tổng hợp tại 6 doanh nghiệp trên có 15 vụ, 15 người thương vong và số tiền ước chi trả và hỗ trợ ban đầu khoảng 9,72 tỷ đồng.

Theo báo cáo sơ bộ từ một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có thị phần nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe, tài sản kỹ thuật và xe cơ giới cao trên thị trường, các doanh nghiệp đã tiếp nhận được 1.754 vụ tổn thất của khách hàng thiệt hại do bão số 3 gây ra. Theo đó, về nghiệp vụ bảo hiểm tài sản kỹ thuật, các doanh nghiệp bảo hiểm đã ghi nhận 684 vụ tổn thất, trong đó: Bảo Việt 220 vụ, VBI 150 vụ, PVI 134 vụ, Bảo Minh 44 vụ, ABIC 29 vụ, PJICO 107 vụ. Về nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, các doanh nghiệp ghi nhận 1.070 vụ tổn thất, trong đó: Bảo Việt 315 vụ, VBI 91 vụ, PTI 273 vụ, PJICO 219 vụ.

Các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ hiện tại chưa ước tính được cụ thể giá trị thiệt hại; đồng thời tiếp tục theo cập nhật về số vụ tổn thất của khách hàng, đặc biệt là trong bối cảnh hoàn lưu bão số 3 tiếp tục gây thiệt hại nghiêm trọng, gây lũ, lụt, sạt lở trên diện rộng tại nhiều địa phương phía bắc.

Bộ Y tế lưu ý các cơ sở y tế không thu viện phí các khoản không được BHYT thanh toán đối với các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi bão, lũ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tổng hợp chi phí điều trị và báo cáo sở y tế.