Trải nghiệm di sản với chuyên gia

Tham quan, tìm hiểu các di tích bên trong Hoàng cung Huế là hoạt động đã được Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tổ chức nhiều năm qua. Không chỉ tìm hiểu lịch sử các di tích thuộc quần thể di sản Huế, các em học sinh còn được tham gia trải nghiệm những chương trình nghệ thuật và trò chơi với các chuyên gia. Cứ như thế, những kiến thức về văn hoá truyền thống đã được truyền tải một cách đầy cảm hứng, sinh động đến với thế hệ trẻ.
Bà Andrea Teufel và các cộng sự hướng dẫn trò chơi tìm hiểu về họa tiết hoa văn. Ảnh: BẢO MINH
Bà Andrea Teufel và các cộng sự hướng dẫn trò chơi tìm hiểu về họa tiết hoa văn. Ảnh: BẢO MINH

91/ Năm 2024, để làm mới chương trình, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế phối hợp với Hội Bảo tồn di sản văn hóa Đức tổ chức chương trình tô mầu di sản và trò chơi trí nhớ nghệ thuật Huế với các họa tiết truyền thống của triều Nguyễn. Và trong những ngày đầu tháng 9, chương trình đã chính thức bắt đầu trong niềm háo hức của những em học sinh đến từ Trường THCS Nguyễn Chí Diểu (TP Huế).

Điểm khác biệt của chương trình năm nay chính là không gian tìm hiểu, khám phá diễn ra ở điện Phụng Tiên, một trong những ngôi điện nằm bên trong Hoàng cung Huế, nơi Hội Bảo tồn di sản văn hóa Đức đang thực hiện dự án “Bảo tồn, trùng tu và phục chế ảo, tích hợp đào tạo kỹ thuật tại điện Phụng Tiên”.

Tại không gian điện Phụng Tiên, các em học sinh vừa bất ngờ, vừa cảm thấy thú vị khi được trải nghiệm những trò chơi liên quan đến tìm hiểu di sản, nghệ thuật, họa tiết hoa văn. Háo hức hơn khi các em được chính bà Andrea Teufel, Trưởng đại diện Hội Bảo tồn di sản văn hóa Đức cùng các cộng sự tận tay hướng dẫn, giới thiệu về chương trình. Bà Andrea Teufel là chuyên gia bảo tồn di sản, đã gắn bó với công cuộc hồi sinh, phát huy giá trị di sản Huế suốt 21 năm qua. Một trong những công trình đang được bà Teufel cùng các cộng sự thực hiện là phục hồi nguyên trạng hệ thống cổng chính, bình phong và non bộ ở khu vực điện Phụng Tiên. Ngôi điện này là một trong những công trình thờ tự quan trọng nhất nằm trong Hoàng cung Huế bị phá hủy hoàn toàn do chiến tranh.

Trong không gian di sản lộng lẫy, các em học sinh đã được các chuyên gia giảng giải một cách cặn kẽ về kỹ thuật vẽ tranh tường truyền thống, giới thiệu về kỹ thuật tô mầu và cả cách pha mầu. Không dừng lại đó, các bạn nhỏ còn được khám phá và tìm hiểu những họa tiết truyền thống tại bình phong và cổng chính của điện. Sau khi nắm rõ thông tin, mỗi người sẽ chọn các bức họa tiết được in sẵn rồi tự trải nghiệm bằng cách pha, tô mầu tranh tại Văn phòng dự án trong khu vực điện.

2/ Sau hai giờ tham gia, Ngọc Phong (lớp 6A) cho biết, em rất vui khi được biết thêm nhiều câu chuyện về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật thông qua những hoa văn gắn trên tường của di tích. “Nhờ các chuyên gia em mới hiểu rõ hơn về cái đẹp cũng như giá trị và ý nghĩa mà người xưa gửi gắm đằng sau những hình trang trí”, Phong nói.

Cũng như Phong, em Khánh Thương (lớp 6C) tỏ ra hào hứng khi được vừa học vừa chơi những trò thú vị liên quan đến văn hóa di sản. "Bên cạnh những thông tin mới, em càng thấy tự hào về những di sản mà người xưa để lại và thêm kính trọng những kỹ sư, chuyên gia đã hết lòng bảo tồn và phục dựng một công trình lớn để thế hệ trẻ như chúng em có nơi để tham quan, giới thiệu với bạn bè trong và ngoài nước".

Cô Trần Mỹ Hà, giáo viên Trường THCS Nguyễn Chí Diểu cho biết, các em học sinh rất thích thú khi được tham gia chương trình. "Những tiết học thực tế đã giúp các em thêm yêu lịch sử, tăng niềm đam mê tìm hiểu nét đẹp của văn hóa di sản. Các em cũng như chúng tôi mong muốn sẽ có nhiều hơn những chương trình trải nghiệm "chơi mà học" như vậy trong thời gian tới để các giá trị văn hóa lịch sử được lan tỏa, sống mãi".

Theo đại diện Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, hoạt động trải nghiệm di sản Huế nói chung và chương trình nghệ thuật ở điện Phụng Tiên nói riêng hướng đến nâng cao nhận thức về di sản văn hóa Huế, giúp trẻ luyện tập các kỹ năng tập trung cũng như truyền cảm hứng nhằm phát huy khả năng nghệ thuật, sức sáng tạo của trẻ thông qua hoạt động khám phá có tính tương tác về nghệ thuật triều Nguyễn. Thường các hoạt động này sẽ diễn ra vào hai ngày cuối tuần, tuy nhiên các trường học trên địa bàn nếu có nhu cầu cho học sinh trải nghiệm như một tiết học ngoại khóa có thể đăng ký trực tiếp về Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế để cùng lên chương trình chi tiết.