Việt Nam đang có lợi thế về cơ cấu dân số, với khoảng 52,5 triệu người trong độ tuổi lao động, nhưng điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là sự thiếu hụt đội ngũ nhân lực khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán có trình độ, kỹ năng đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn công nghệ lớn. Cụ thể, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ mới đạt 28,1%.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo vẫn thấp
Quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu. Bộ Giáo dục và Đào tạo nhìn nhận, trong bối cảnh khoa học công nghệ đang thay đổi từng ngày, nước ta có cơ hội lớn để thu hút đầu tư và phát triển các lĩnh vực công nghệ chiến lược, nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, như vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học, năng lượng mới và vật liệu tiên tiến, cũng như các lĩnh vực ứng dụng những công nghệ đó.
Triển vọng rất sáng sủa, song thách thức nằm ở việc, hiện các chương trình đào tạo ngành công nghệ thông tin trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu. Ước tính, mỗi năm, Việt Nam thiếu khoảng 90 nghìn nhân lực để phát triển nền kinh tế số, xã hội số.
Trước nghịch lý này, TS Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) chia sẻ: “Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xu thế chuyển đổi số toàn cầu, người lao động ngoài các kỹ năng nghề nghiệp cơ bản còn cần năng động, sáng tạo hơn và có khả năng làm việc với các công cụ số, trí tuệ nhân tạo nhiều hơn. Đây cũng là nền tảng để cung cấp nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn”.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Văn Đáng, nhà nghiên cứu Quản trị công và chính sách (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết thêm: Quá trình công nghiệp hóa đòi hỏi nguồn lao động chất lượng cao. Chúng ta vẫn thường nói về thời kỳ “dân số vàng”, thì phải hiểu số lượng dân số đó có trình độ cao, “thật sự vàng” về trí thức và kỹ năng. Nếu chỉ đông người mà thiếu trình độ, kỹ năng, không đáp ứng được đòi hỏi của thị trường, doanh nghiệp thì còn là gánh nặng cho xã hội”, ông Đáng nhấn mạnh.
Tập trung cho những giải pháp quan trọng
Theo nhiều chuyên gia, trong giai đoạn tới, các chính sách cần được triển khai đồng bộ, nhất quán hơn, nhằm tăng cường hiệu quả thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đóng vai trò then chốt, là động lực mạnh mẽ để Việt Nam tăng tốc, bứt phá phát triển.
Để giải quyết bài toán nhân sự cho quá trình chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 146/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030, 90% số người dân trong độ tuổi lao động biết đến các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu khác trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, ngân hàng, giao thông; thành thạo cách thức sử dụng dịch vụ khi có nhu cầu.
Ngoài ra, đề án đặt mục tiêu hoàn thiện, mở rộng triển khai mô hình “Giáo dục đại học số” cho ít nhất 50% số trường đại học công lập trong toàn quốc; đào tạo được 20 nghìn kỹ sư, cử nhân, cử nhân thực hành chất lượng cao chuyên ngành công nghệ số tại các trường đại học, cao đẳng có thế mạnh trong đào tạo về chuyển đổi số...
Trong Đề án này, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu đào tạo một nghìn chuyên gia chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn để làm lực lượng nòng cốt chuyển đổi số trên toàn quốc. Đồng thời, đào tạo được hơn năm nghìn kỹ sư, cử nhân, thực hành chất lượng cao chuyên ngành công nghệ số tại các trường đại học, cao đẳng có thế mạnh trong đào tạo chuyển đổi số.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến dự thảo Đề án “Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao, giai đoạn 2025-2035 và định hướng tới 2045” nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tài năng, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Đánh giá cao đề án này, GS, TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, đề án là kim chỉ nam, định hướng cho các cơ sở giáo dục đại học triển khai xây dựng chiến lược phát triển, kế hoạch hành động, giúp sinh viên ra trường có thể đáp ứng yêu cầu công việc.
Mỗi cơ sở giáo dục đại học cần tạo ra chuẩn đào tạo cao hơn nữa, ưu tiên những ngành mũi nhọn, thế mạnh của Việt Nam”, GS, TS CHỬ ĐỨC TRÌNH đề xuất.
Ở góc độ chuyên gia giáo dục nghề nghiệp, TS Phạm Vũ Quốc Bình cho rằng, nội dung và phương pháp đào tạo phải liên tục được đổi mới, thường xuyên cập nhật tiến bộ của khoa học, kỹ thuật vào tổ chức, quản lý đào tạo, nhất là trong việc khai thác, sử dụng trí tuệ nhân tạo, các công cụ số, bài giảng số trong hoạt động đào tạo để người học có cả kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, và cả khả năng làm chủ các công cụ công nghệ cao đã và đang hiện diện trong môi trường làm việc hiện nay.
Một vấn đề khác, những năm gần đây, các cuộc tấn công mạng vào cơ quan, tổ chức tài chính, ngân hàng... tại Việt Nam có chiều hướng gia tăng với phương thức cực kỳ tinh vi. Các hình thức lừa đảo trực tuyến cũng tăng, gây ra nhiều hệ lụy và thiệt hại lớn về tài sản của nhân dân. Theo nhiều chuyên gia, việc phát triển lực lượng bảo vệ an toàn, an ninh mạng cũng là nhiệm vụ vô cùng quan trọng để bảo vệ sự thịnh vượng của quốc gia.
PGS, TS Trần Giang Sơn (Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội) khuyến nghị: Nhà nước cần tăng cường đầu tư cho các trường đại học có chương trình đào tạo liên quan an ninh mạng, cung cấp các thiết bị, phần mềm, tài liệu học tập hiện đại, tiên tiến và chất lượng. Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước hợp tác với các cơ sở giáo dục để tạo ra các cơ hội thực tập, việc làm, hỗ trợ học bổng cho sinh viên có năng khiếu về an ninh mạng.