Phát triển công nghiệp trọng điểm

Giảm tỷ trọng đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) vào ngân sách, sản xuất công nghiệp trong các ngành trọng điểm chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp, là một số hạn chế hiện hữu của phát triển công nghiệp trọng điểm thời gian qua được Bộ Công thương chỉ ra.
Ở các ngành công nghiệp lớn, doanh nghiệp trong nước chỉ tham gia vào các khâu gia công, lắp ráp. Ảnh: NGUYỆT ANH
Ở các ngành công nghiệp lớn, doanh nghiệp trong nước chỉ tham gia vào các khâu gia công, lắp ráp. Ảnh: NGUYỆT ANH

Giữ vai trò chi phối phần lớn trong các ngành công nghiệp xuất khẩu lớn nhất, khu vực đầu tư nước ngoài đang đóng góp vào ngân sách nhà nước khiêm tốn khi chứng kiến tốc độ tăng về số nộp ngân sách thấp hơn tốc độ tăng về lợi nhuận, tỷ trọng đóng góp cho ngân sách nhà nước có xu hướng giảm.

Băn khoăn chất lượng dòng chảy FDI

Theo Bộ Công thương, trong cơ cấu kinh tế hiện nay, khu vực FDI đóng góp khoảng hơn 20% GDP, chiếm 72% tổng giá trị xuất khẩu, khoảng 50% sản lượng công nghiệp. Căn cứ tỷ trọng giá trị gia tăng, doanh thu và việc làm, các doanh nghiệp FDI chi phối 4 trong 5 ngành công nghiệp xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là dệt may, da giày, điện tử và sản xuất đồ gỗ và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thay thế nhập khẩu như cao-su - nhựa, kim loại cơ bản và các sản phẩm cơ khí.

Một chi tiết đáng chú ý, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam hiện đứng thứ 12 thế giới và thứ 3 trong khu vực ASEAN về xuất khẩu, tuy nhiên có tới 95% tổng giá trị xuất khẩu của ngành này thuộc về các doanh nghiệp FDI.

Tuy nhiên, Bộ Công thương đánh giá, đóng góp vào ngân sách nhà nước của khu vực đầu tư nước ngoài còn chưa tương xứng khi chứng kiến tốc độ tăng về số nộp ngân sách thấp hơn tốc độ tăng về lợi nhuận, tỷ trọng đóng góp cho ngân sách nhà nước có xu hướng giảm.

Bộ cho biết, hiện tượng chuyển giá gia tăng về số lượng và mức độ ngày càng tinh vi, phức tạp, có tình trạng chuyển giá ngược từ nước ngoài vào Việt Nam của một số doanh nghiệp đang trong thời gian hưởng ưu đãi thuế.

Hiệu quả và chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam rất hạn chế và ở mức thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, trong khi tỷ lệ vốn FDI trong công nghiệp ở mức cao so với nhiều nước khác.

Cụ thể, giai đoạn 2006-2015, trong gần 14.000 dự án FDI đang hoạt động chỉ có khoảng 600 hợp đồng chuyển giao công nghệ (tức chưa tới 5%). Năm 2015, tỷ lệ vốn FDI trong công nghiệp của Việt Nam là 25,5% cao hơn nhiều so với Malaysia là 14,3%, Trung Quốc 3%, Thái Lan 11%.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương nhận định, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài thiếu liên kết, tác động lan tỏa với doanh nghiệp trong nước. Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chủ yếu nhập khẩu để phục vụ sản xuất, việc nhận cung ứng nguyên vật liệu, hàng hóa từ các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế.

Điển hình, theo khảo sát năm 2018 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (nay là Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam), chỉ khoảng 14-15% doanh nghiệp tư nhân có khách hàng là các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam. Trong khi đó, đối với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, chưa tới 27% đầu vào của khu vực này được mua tại Việt Nam, còn lại mua từ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài khác.

Mức độ liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước chưa cao, nhất là ở một số ngành quan trọng như điện tử, công nghệ thông tin... đã hạn chế năng lực tăng năng suất cho khu vực trong nước thông qua chuyển giao công nghệ và nâng cao trình độ quản lý. Từ đây, dẫn tới cản trở các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

Rất ít doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển (chỉ có trong một số lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử viễn thông). Số lượng các tập đoàn đa quốc gia mở trụ sở khu vực tại Việt Nam còn quá ít. Do vậy tạo nên hiệu ứng phát triển lan tỏa đến “nền kinh tế trong nước” chưa cao.

Số hợp đồng chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp FDI rất khiêm tốn, chỉ khoảng 1.000 hợp đồng trong tổng số gần 27.500 dự án đầu tư nước ngoài. Trong đó, chuyển giao công nghệ bao gồm đối tượng sở hữu công nghiệp chỉ chiếm 13%. Tỷ lệ nội địa hóa chưa cao, bình quân 20-25%.

Số lượng các dự án có công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghệ nguồn từ Mỹ và châu Âu còn thấp (5%), có tới 80% là công nghệ trung bình, trong đó xuất xứ từ Trung Quốc là 30 - 40%; công nghệ thấp, lạc hậu 15% (theo kết quả khảo sát diện hẹp của Bộ Khoa học và Công nghệ tại một số khu công nghiệp). Thực trạng này kéo theo nguy cơ, thách thức về tiêu tốn năng lượng, cạn kiệt tài nguyên.

Công nghiệp trọng điểm chủ yếu là gia công?

Bộ Công thương nhìn nhận, thực tế hiện nay các ngành công nghiệp và doanh nghiệp trong nước nhìn chung mới chỉ tham gia được vào các khâu trung gian có giá trị gia tăng thấp (gia công, lắp ráp) trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong khi đó, các phân khúc có giá trị gia tăng cao đều ở nước ngoài như các khâu thượng nguồn (nghiên cứu phát triển, thiết kế sản phẩm; quảng bá sản phẩm, phân phối, chăm sóc khách hàng) và các khâu hạ nguồn (nguyên, nhiên vật liệu, máy móc thiết bị sản xuất); các dịch vụ hỗ trợ phát triển công nghiệp còn yếu (tư vấn đầu tư, sản xuất, kết nối thị trường, đào tạo nguồn nhân lực).

Điển hình, ngành dệt may hiện chủ yếu tham gia vào các khâu gia công chiếm đến 60% và chỉ khoảng 5% xuất khẩu theo phương thức ODM (thiết kế trên ý tưởng có sẵn, sản xuất). Ngành điện tử hiện nay là ngành tham gia mạnh mẽ vào chuỗi giá trị toàn cầu, tuy nhiên, ngành điện tử Việt Nam (bao gồm cả các doanh nghiệp FDI) hiện đang đứng ở vị trí thấp nhất trong chuỗi giá trị là công đoạn lắp ráp và gia công sản phẩm.

Một số tiểu ngành trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo (CBCT) thực hiện gia công, lắp ráp sản phẩm, đảm nhận những khâu đơn giản có giá trị gia tăng thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu lại chiếm tỷ trọng cao và có xu hướng phát triển mạnh.

Đơn cử, sơ bộ năm 2020, giá trị tăng thêm (VA) ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học chiếm 16,42% tổng giá trị gia tăng (VA) của toàn ngành CBCT, tăng 9,68 điểm phần trăm so với năm 2011. Tỷ trọng cao trong VA toàn ngành công nghiệp CBCT của ngành này phần lớn liên quan đến dòng vốn đầu tư nước ngoài, nhiều tập đoàn điện tử nước ngoài đã tiến hành các hoạt động đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ở Việt Nam trong vòng 10 năm qua.

Một số ngành có trình độ công nghệ thấp, chế biến sản phẩm giản đơn phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu có tỷ trọng VA trong tổng VA ngành CBCT giảm hoặc tăng thấp so với năm 2011 như: Sản xuất, chế biến thực phẩm chiếm 11,34% và giảm 4,03 điểm phần trăm; sản xuất trang phục chiếm 6,84% và tăng 0,18 điểm phần trăm; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan chiếm 5,93% và tăng 0,84 điểm phần trăm; dệt chiếm 3,97% và tăng 0,04 điểm phần trăm.

Mô hình phát triển công nghiệp bước đầu đều dựa trên những ngành thâm dụng nhiều lao động nhưng VA lại chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng VA của công nghiệp CBCT cũng như trong toàn ngành công nghiệp, thể hiện mức độ gia công của các ngành này khá cao, hàm lượng khoa học kỹ thuật còn thấp. Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp trực tiếp phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn chỉ chiếm tỷ trọng tương đối thấp và chưa gia tăng đáng kể trong giai đoạn 2011-2020.