Gia tăng bệnh nhân cấp cứu khi thời tiết lạnh

Thời tiết chuyển lạnh từ đầu tuần tới nay làm gia tăng các ca cấp cứu tại nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội vì đột quỵ, phổi tắc nghẽn mạn tính, các bệnh đường hô hấp và tiêu hóa… Trong số này có nhiều người trẻ cấp cứu vì đột quỵ và bệnh đường tiêu hóa.
0:00 / 0:00
0:00
Trời lạnh, gia tăng số bệnh nhân nhập viện tại nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội.
Trời lạnh, gia tăng số bệnh nhân nhập viện tại nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội.

Đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế

Hiện mỗi ngày Trung tâm Cấp cứu A9 Bệnh viện (BV) Bạch Mai tiếp nhận khoảng 300 bệnh nhân được chuyển từ các BV tuyến dưới và gia đình tự đưa vào cấp cứu. Qua sàng lọc cho thấy, có tới 40% số bệnh nhân nặng cần hồi sức tích cực ngay. Bác sĩ Nguyễn Như Bình, Trung tâm Cấp cứu A9 cho biết: “Phần lớn bệnh nhân vào Trung tâm đều có tình trạng rất nặng và xử trí cấp cứu ban đầu tại nhà không đúng cách dẫn đến tình trạng bệnh nhân đến muộn và nặng rồi mới đưa vào cấp cứu”.

Tương tự, số bệnh nhân được đưa vào Trung tâm Đột quỵ, BV Bạch Mai cũng tăng đột biến khoảng 20-25% khi thời tiết chuyển lạnh. Đặc biệt có nhiều trường hợp bệnh nhân trẻ bị đột quỵ. Thí dụ như trường hợp bệnh nhân nam N.V.H 37 tuổi (quê ở Hưng Yên) khi nhập viện thì tay và chân phải đã có dấu hiệu liệt. “Trước cơ thể không có biểu hiện gì bất thường, khi tôi thấy tay bị tê thì mới nhập viện tuyến dưới để chụp chiếu xem hình ảnh thế nào”, bệnh nhân N.V.H nói. Bác sĩ Nguyễn Minh Anh, Trung tâm Đột quỵ, BV Bạch Mai cho biết: “Khi vào, chúng tôi đo huyết áp của bệnh nhân N.V.H là 160/100 mmHg và huyết áp những ngày sau đó đều cao. Bệnh nhân đã tăng huyết áp trước đó nhưng chủ quan. Những triệu chứng ban đầu đơn giản, chỉ là tê bì nửa người bên phải nhưng vì vẫn đi lại được nên bệnh nhân vẫn ở nhà theo dõi. Đến khi triệu chứng nặng lên, tay phải không nâng lên được, chân phải không đi lại được thì bệnh nhân mới vào viện”.

Thời tiết chuyển lạnh khiến số bệnh nhân mắc các bệnh đột quỵ, đường hô hấp tăng cao. Nhiều trường hợp đột quỵ nặng dẫn đến hôn mê, thở máy, tiên lượng xấu. “Những bệnh nhân, đặc biệt người có bệnh lý nền về huyết áp, tiểu đường, mỡ máu hay rối loạn nhịp tim thì việc thăm khám đều là rất quan trọng. Trong điều kiện thời tiết rét buốt như thế này, rất nhiều người ngại, lười đi khám bệnh. Họ thường sử dụng đơn thuốc cũ, thậm chí dừng, không uống thuốc nữa. Việc tái khám bệnh lý nền rất quan trọng”, bác sĩ Nguyễn Minh Anh cảnh báo.

Tại Khoa cấp cứu, BV E Hà Nội những ngày thời tiết lạnh, số bệnh nhân đột quỵ cũng gia tăng. Có bệnh nhân chưa đến 50 tuổi nhưng đã phải nhập viện do đột quỵ lần 2. Lần thứ nhất, bệnh nhân này đột quỵ cách đây đã vài năm, tuy nhiên do chủ quan nên ông không giữ gìn chế độ ăn uống và sinh hoạt.

Theo bác sĩ CKII Phạm Xuân Hiếu, Trưởng khoa Cấp cứu BV E, lượng bệnh nhân nhập viện do các bệnh liên quan đến tim mạch, đột quỵ trong những ngày qua tăng lên. Thông thường, vào mùa lạnh số bệnh nhân thường tăng ít nhất 15%. Bên cạnh đó, ngoài những người mắc bệnh mới, người có tiền sử đột quỵ, tai biến cũng có nguy cơ tái phát khá cao.

Bác sĩ CKII Đoàn Văn Phúc, Phó Giám đốc BV đa khoa Đức Giang cũng cho biết, tại BV đa khoa Đức Giang, số bệnh nhân nhập viện do đột quỵ những ngày qua cũng gia tăng đáng kể.

Nguy cơ bị đột quỵ tăng 80%, đặc biệt khi nhiệt độ giảm đột ngột xuống dưới 15oC. Các bác sĩ cho rằng, nhiệt độ lạnh có thể làm mạch máu co lại, gây tăng huyết áp. Và nó cũng có thể làm máu cô đặc lại, dẫn đến hình thành cục máu đông. Trong mùa đông lạnh, nhiều người trở nên lười vận động hơn và đây cũng có thể là một yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ đột quỵ. Một yếu tố nữa là trời lạnh mang lại nhiều căng thẳng, gây stress cho cơ thể kết hợp những thói quen không lành mạnh như ăn và uống quá nhiều.

Để phòng tránh đột quỵ khi trời lạnh, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần thường xuyên theo dõi huyết áp khi thời tiết thay đổi. Và ngay khi cơ thể có những thay đổi nhẹ hoặc huyết áp tăng cao bất thường, ngay lập tức phải liên hệ với bác sĩ để được kê đơn thuốc hoặc điều chỉnh thuốc. Người bệnh cũng cần thăm khám định kỳ để kiểm soát các bệnh lý nền thật tốt, đặc biệt là các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch…; tránh tiếp xúc đột ngột với thời tiết lạnh, đặc biệt khi trời lạnh dưới 15oC, duy trì hoạt động thể chất thường xuyên và thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, tránh căng thẳng, stress quá mức.

Tác dụng ngược khi tập thể dục không đúng cách

Thời gian qua, các BV trên địa bàn Hà Nội liên tục tiếp nhận những trường hợp nhập viện do luyện tập thể dục, thể thao quá sức, không đúng cách. Đơn cử, BV E mới đây vừa can thiệp cấp cứu cho một nam thanh niên (32 tuổi ở tỉnh Vĩnh Phúc) nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở, vã mồ hôi… do nhồi máu cơ tim cấp. Bệnh nhân vốn là huấn luyện viên thể hình, thường xuyên tập luyện với cường độ cao. Thời điểm xảy ra tình trạng trên là sau khi kết thúc tập luyện tại phòng tập, nam bệnh nhân có biểu hiện khó thở tăng dần, rồi chuyển sang tức ngực, đau thắt ngực theo cơn kéo dài…

Trước đó, BV này cũng tiếp nhận bệnh nhân (37 tuổi ở thành phố Hà Nội) nhập viện trong tình trạng kích thích vật vã, mất nước, mạch nhanh, huyết áp tụt... Theo đó, trong khi đang tham gia giải chạy bộ phong trào, bệnh nhân thấy chóng mặt, choáng váng và ngất xỉu. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân bị sốc choáng, giảm khối lượng tuần hoàn do hoạt động thể lực gắng sức.

Đáng chú ý, những trường hợp như trên không hề hiếm gặp. Trung bình mỗi năm, Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc (BV E) tiếp nhận 4-5 bệnh nhân vào cấp cứu do sốc, choáng vì vận động quá sức. Tương tự, trong tháng 10/2024, BV T.Ư Quân đội 108 tiếp nhận cấp cứu và điều trị cho 6 bệnh nhân bị sốc nhiệt sau khi tham gia giải chạy marathon tại Hà Nội. Theo đó, 6 bệnh nhân được đưa đến Khoa Cấp cứu trong tình trạng rối loạn ý thức, lơ mơ, yếu cơ tứ chi, hạ huyết áp, da khô, thiểu niệu. Theo kết quả xét nghiệm, các bệnh này đều có tình trạng tăng men cơ, suy giảm chức năng thận…

Bác sĩ CKII Nguyễn Thái Cường, Chủ nhiệm Khoa Cấp cứu BV T.Ư Quân đội 108 cho biết, vài năm gần đây, tình trạng sốc nhiệt khi tham gia các giải chạy marathon và thể thao đường dài gia tăng. Sốc nhiệt do gắng sức hay gặp ở những người trẻ, khỏe mạnh, đặc biệt là những vận động viên không chuyên khi tham gia các giải chạy marathon. Tình trạng này không chỉ xảy ra sau phơi nhiễm với nhiệt độ môi trường tăng cao mà còn do tình trạng sinh nhiệt lúc luyện tập gắng sức.

Theo các chuyên gia, tùy thuộc vào thể trạng của từng người, một người trưởng thành mỗi tuần nên dành ra 5 giờ để tập luyện ở cường độ trung bình và khoảng 2,5 giờ ở cường độ cao. Ngoài ra, đối với trẻ trong độ tuổi từ 6 đến 17 nên tập luyện ít nhất 3 lần/tuần, mỗi lần khoảng 60 phút. Như vậy, các trường hợp tập luyện nhiều hơn mức trung bình được coi là vận động quá sức. Nguy hiểm nhất là trường hợp tập luyện liên tục, không cho cơ thể thời gian ngừng nghỉ, hoặc đẩy giới hạn chịu đựng của cơ thể lên cao nhất.

Để tránh những nguy cơ nguy hiểm đối với sức khỏe khi tập luyện thể dục, thể thao, Ths, bác sĩ Đàm Hải Sơn, Khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực, Trung tâm Tim mạch (BV E) khuyến cáo, những người thường xuyên luyện tập, nhất là các hoạt động thể lực gắng sức nên thăm khám định kỳ và tầm soát các nguy cơ về tim mạch. Đặc biệt, những người có tiền sử nhồi máu cơ tim hoàn toàn có thể tái phát với một số biến chứng nguy hiểm như: Đau tim, rối loạn nhịp, suy tim cấp, thuyên tắc mạch phổi, đột quỵ, hở van tim cấp, đột tử… Do đó, những trường hợp này, khi định luyện tập thể dục, thể thao, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ và tránh những bài tập với cường độ cao.

Đột quỵ não là nguyên nhân dẫn tới tử vong đứng hàng thứ ba trên thế giới, chỉ sau ung thư và tim mạch. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế. Theo thống kê của Hội Đột quỵ não Việt Nam, hằng năm có khoảng 200.000 người bị bệnh lý này ở nước ta. Đặc biệt, bệnh hay xảy ra vào mùa lạnh, khi thời tiết thay đổi đột ngột.