Giảm áp lực tài chính cho các gia đình
Trong dự thảo ngân sách này, Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch tài trợ khoảng 50% ngân sách bổ sung, tương đương 6.700 tỷ yên, thông qua việc phát hành trái phiếu mới. Dự thảo trên sẽ được thảo luận tại phiên họp bất thường của Quốc hội diễn ra đến ngày 21/12 tới.
Ngân sách bổ sung được đệ trình khi chi tiêu của người tiêu dùng khả năng sẽ lại suy yếu do giá cả tăng, đồng yên mất giá đẩy giá hàng hóa nhập khẩu tăng cao. Với ngân sách bổ sung cho năm tài chính kéo dài đến tháng 3/2025, chính quyền của Thủ tướng Ishiba Shigeru tìm cách thức triển khai gói kích thích kinh tế, trong bối cảnh lạm phát tiếp tục đè nặng cuộc sống của người tiêu dùng.
Ngân sách bổ sung sẽ tập trung vào các biện pháp giảm giá năng lượng, hỗ trợ trực tiếp cho các gia đình có thu nhập thấp, cải thiện cơ sở hạ tầng và đầu tư vào các ngành công nghiệp tương lai như trí tuệ nhân tạo (AI) và bán dẫn. Khoảng 50% ngân sách (6.700 tỷ yên) sẽ được huy động từ việc phát hành trái phiếu mới, làm dấy lên lo ngại tình hình tài chính của Nhật Bản - vốn xấu nhất trong số các nền kinh tế phát triển, có thể u ám hơn nữa.
Tuy nhiên, việc đảng Dân chủ Tự do của Thủ tướng Ishiba mất đa số tại Quốc hội có thể khiến tiến trình thông qua khoản ngân sách bổ sung này gặp nhiều khó khăn, khi đảng đối lập đã phản đối với lập luận khoản ngân sách bổ sung này không thật sự cần thiết.
Lạm phát gia tăng do đồng yên yếu và giá năng lượng thế giới tăng cao đang đe dọa làm suy giảm sức mua của người dân và ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế. Cuối tháng 11 vừa qua, đồng yên Nhật đã bất ngờ tăng vọt so USD trong bối cảnh dữ liệu lạm phát cao hơn dự kiến đã thúc đẩy suy đoán rằng, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) có thể tăng lãi suất. Cụ thể, đồng yên Nhật Bản lần đầu vượt qua mốc 150 yên đổi được 1 USD kể từ cuối tháng 10, sau khi nước này công bố Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cốt lõi, không bao gồm giá thực phẩm dễ biến động, tăng 2,2% so năm trước.
Điều chỉnh tăng trưởng kinh tế
Văn phòng Chính phủ Nhật Bản cho biết, tăng trưởng kinh tế nước này trong quý III vừa qua thực tế tăng 1,2%, điều chỉnh tăng so mức báo cáo trước đó 0,9%, nhờ hàng tồn trữ và đầu tư khu vực tư nhân cao hơn. Theo đó, đây là quý thứ hai liên tiếp kinh tế Nhật Bản ghi nhận tăng trưởng. Theo báo cáo mới nhất, GDP thực tế, được điều chỉnh theo lạm phát, quý III/2024 tăng 0,3% so quý trước, cao hơn mức 0,2% của số liệu sơ bộ. Đầu tư vốn giảm 0,1% trong giai đoạn từ tháng 7-9 vừa qua, được điều chỉnh tăng so mức giảm 0,2% trong báo cáo trước, nhờ nhu cầu sản phẩm bán dẫn tăng mạnh.
Hàng tồn trữ của khu vực tư nhân tăng, phản ánh các hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, đóng góp 0,2 điểm phần trăm vào tăng trưởng kinh tế, cao hơn so mức 0,1 điểm phần trăm trước đó, sau khi kho dự trữ dầu thô được điều chỉnh tăng. Theo Văn phòng Chính phủ, xuất khẩu tăng 1,1%, so mức 0,4% trong báo cáo trước, do du khách nước ngoài chi tiêu mạnh tại Nhật Bản. Trong khi đó, tiêu dùng tư nhân, chiếm hơn 50% GDP của Nhật Bản, tăng 0,7%, giảm so mức 0,9% trong báo cáo sơ bộ, một phần do doanh số bán ô-tô đi xuống.
Nhà kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu Meiji Yasuda, ông Yuichi Kodama cho rằng, không cần thay đổi quan điểm đánh giá về các điều kiện kinh tế Nhật Bản so báo cáo sơ bộ, do dữ liệu trên chứng tỏ kinh tế trong nước tiếp tục phục hồi trong mùa hè. Chuyên gia Yuichi dự báo kinh tế “đất nước mặt trời mọc” tiếp tục tăng trưởng vừa phải, nhờ chi tiêu tiêu dùng vững mạnh sau khi các cuộc đàm phán giữa giới chủ và người lao động nhất trí tăng lương với mức cao nhất trong hơn 30 năm.