Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Ghi nhận thực tế tại Hợp tác xã (HTX) sản xuất - thương mại dịch vụ Rau sạch GAP (Rasafood) tại xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn), là một trong những HTX tiêu biểu của Thành phố Hồ Chí Minh trong quá trình làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Rasafood được thành lập năm 2018 do ông Mai Văn Khánh làm Giám đốc, chuyên trồng các loại rau ăn lá với sản phẩm chủ lực là cải thìa, đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Sản phẩm của HTX hiện đang được tiêu thụ tại các cửa hàng thực phẩm, bếp ăn công nghiệp và trường học.
Đến nay, sau 6 năm hoạt động, Rasafood đã xây dựng được mô hình trồng rau an toàn, góp phần bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm. Định hướng năm 2024, HTX sẽ đẩy mạnh kết nối đầu ra cho xã viên, thúc đẩy ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, và mở rộng thị trường tiêu thụ nhằm nâng cao thu nhập cho người lao động.
Trên nền tảng là Tổ hợp tác trồng rau thủy canh, năm 2019, HTX Nông nghiệp Tuấn Ngọc (TP Thủ Đức) được thành lập. Hiện nay, HTX nông nghiệp Tuấn Ngọc có diện tích sản xuất hơn 10.000 m2, chủ yếu trồng các loại rau ăn lá theo mô hình thủy canh hồi lưu. Khác với các mô hình trồng rau thủy canh khác, mô hình trồng rau thủy canh của HTX được ứng dụng công nghệ IoT (internet vạn vật), tự động hóa hoàn toàn trong quá trình sản xuất, chăm sóc cây trồng.
Sau nhiều năm nghiên cứu, cuối cùng đơn vị cũng nhận được “trái ngọt” khi vào năm 2021, đơn vị đã hoàn thiện và đưa vào áp dụng quy trình trồng xà lách Cristabel thủy canh chuyên vùng nóng với diện tích 1.000 m2. Loại xà lách Cristabel còn có tên gọi là xà lách thủy tinh, là giống rau ôn đới chỉ phù hợp trồng ở xứ lạnh như ở Đà Lạt (Lâm Đồng). Dù TP Hồ Chí Minh có khí hậu nắng nóng, nhưng với quy trình kỹ thuật IoT tự động hóa hoàn toàn trong chăm sóc, HTX Nông nghiệp Tuấn Ngọc không những trồng thành công xà lách thủy tinh mà năng suất, chất lượng không thua kém xà lách trồng ở vùng lạnh.
Trong định hướng phát triển nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, trung tâm công nghiệp và dịch vụ phục vụ nông nghiệp hiện đại. Cụ thể, thành phố đặt mục tiêu tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm từ 75 - 85% tổng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp. Khu vực trung tâm thành phố sẽ tập trung phát triển các mô hình nông nghiệp nội đô, tăng không gian xanh, tạo cảnh quan đô thị, cải thiện môi trường…
Thành phố cũng đặt mục tiêu tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao trên tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của thành phố đạt từ 44 - 46%. Đến năm 2025, ngành nông nghiệp thành phố phấn đấu tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 45 - 50% tổng giá trị sản xuất của ngành nông, lâm, thủy sản. Trong đó, giá trị sản xuất bình quân trên ha đất canh tác nông nghiệp đến năm 2025 đạt 650 - 750 triệu đồng/năm.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị là một trong những xu hướng chủ đạo và tất yếu của ngành nông nghiệp thành phố. Trong định hướng phát triển nông nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, trung tâm công nghiệp và dịch vụ phục vụ nông nghiệp hiện đại; bảo đảm kết nối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ nông, lâm nghiệp, thủy sản chất lượng cao, an toàn theo chuỗi giá trị.
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Ngành nông nghiệp thành phố đã có những nỗ lực lớn trong công cuộc số hóa hướng đến phát triển nông nghiệp đô thị. Tuy nhiên, trên thực tế, để việc chuyển đổi số thật sự mang tính toàn diện và hiệu quả thì vẫn còn nhiều hạn chế và thách thức.
Việc chuyển đổi số đối với HTX nông nghiệp là rất khó vì kinh phí đầu tư quá cao. HTX trước hết cần phải sống được mới thực hiện chuyển đổi số. Thêm vào đó, một số hạn chế của việc chuyển đổi số trong nông nghiệp như yêu cầu cao về kỹ thuật quản lý, rủi ro sự cố công nghệ, phụ thuộc vào hạ tầng mạng, chi phí bảo trì và nâng cấp hệ thống, rủi ro cao về bảo mật.
Một số rào cản ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp hiện nay có thể kể đến như chi phí đầu tư cao; thiếu kiến thức và kỹ năng; quy mô nông trại nhỏ lẻ, phân tán, không đồng đều; tâm lý ngại thay đổi, sợ thất bại; cơ sở hạ tầng hạn chế; thiếu hỗ trợ tài chính; chính sách chưa đủ mạnh, nhiều quy định còn phức tạp…
Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức trong cách thức làm việc và phương thức sản xuất dựa trên môi trường số, công nghệ số. Chuyển đổi số không chỉ là vấn đề công nghệ mà còn là vấn đề nhận thức và thói quen. Thời gian tới, yêu cầu các cơ quan liên quan khảo sát lại các HTX nông nghiệp và bắt đầu chuyển đổi số từ những điều kiện hiện có. Mặt khác, yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường hoạt động thương mại điện tử, tổ chức các phiên livestream bán hàng trên môi trường số.
Để đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng tới nông thôn mới thông minh, mới đây, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới. Thành phố đặt mục tiêu 50% số xã xây dựng nông thôn mới (28/56 xã, gồm: Củ Chi 10/20 xã, Hóc Môn 5/10 xã, Bình Chánh 7/14 xã, Nhà Bè 3/6 xã, Cần Giờ 3/6 xã) đạt chuẩn tiêu chí xã có ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành; đạt chuẩn tiêu chí có dịch vụ công trực tuyến một phần.
Đặc biệt, công tác hoàn thiện chuyển đổi số trong quản lý, giám sát và đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; ứng dụng công nghệ số trong giám sát chất lượng môi trường, quản lý các nguồn chất thải, chất ô nhiễm và cấp nước sạch nông thôn; phấn đấu 50% số xã có các HTX có những mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực.
Các sản phẩm OCOP 3 sao trên địa bàn phấn đấu hoàn thiện sản phẩm hướng tới OCOP 4 sao như: Truy xuất nguồn gốc điện tử, phát triển thương hiệu, đăng ký sở hữu trí tuệ, ứng dụng thương mại điện tử... Các sản phẩm OCOP 4 sao trên địa bàn phấn đấu được cấp mã số nguyên liệu vùng trồng, vùng nuôi... hướng đến OCOP 5 sao và xuất khẩu.
Mặt khác, ứng dụng chuyển đổi số trong giới thiệu, quảng bá, thương mại các sản phẩm du lịch nông thôn. Bên cạnh đó, xã có ít nhất một trong các mô hình ấp thông minh nhằm hướng đến hoàn thành xã nông thôn mới kiểu mẫu gắn với đô thị hóa trên địa bàn vùng nông thôn giai đoạn 2021-2025. Cụ thể, huyện Củ Chi 2 xã; huyện Hóc Môn 2 xã; huyện Bình Chánh 1 xã; huyện Nhà Bè 1 xã.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn (thuộc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh), kết quả khảo sát mới nhất cho thấy, có 68/100 HTX nông nghiệp có áp dụng chuyển đổi số vào một trong các hoạt động quản lý, điều hành, sản xuất, kinh doanh.