Mong đợi những quyết sách lớn cho nền kinh tế

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV có nhiều nội dung quan trọng. Chỉ riêng công tác lập pháp, Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua 15 luật, 2 nghị quyết; xem xét, cho ý kiến đối với 13 dự án luật khác.
0:00 / 0:00
0:00
Nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất. Ảnh: BÁO CÔNG THƯƠNG
Nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất. Ảnh: BÁO CÔNG THƯƠNG

Theo kế hoạch, kỳ họp thứ 8 sẽ làm việc trong 28,5 ngày, khai mạc vào 21/10 và dự kiến bế mạc ngày 30/11. Đây là kỳ họp có khối lượng lập pháp lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Ngoài công tác lập pháp, tại kỳ họp lần này, Quốc hội cũng xem xét 12 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, đặc biệt việc quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục bắc - nam.

Trong bài phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trân trọng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy dân chủ, nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận sôi nổi trên tinh thần xây dựng, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, đáp ứng sự mong mỏi của cử tri và nhân dân cả nước.

Kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro

Theo TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), Kỳ họp thứ 8 diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đang phục hồi mạnh với mức tăng trưởng GDP đạt 6,82%, gấp 1,5 lần so với mức 4,4% cùng kỳ năm ngoái. Ở phía tổng cầu, thương mại trên đà hồi phục và dòng vốn FDI tích cực vẫn là động lực tăng trưởng chính. Xuất nhập khẩu hàng hóa tăng nhanh hơn so với dự kiến với tổng kim ngạch đạt 578,5 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ, với xuất siêu 20,8 tỷ USD - mức xuất siêu khá tích cực trong giai đoạn 2020 - 2024.

Dịch vụ tiếp tục tăng trưởng 6,32%, nhờ sự hồi sinh của du lịch và các ngành thương mại, vận tải duy trì được đà tăng trưởng. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng mạnh lên mức 8,19% so với 2,41% cùng kỳ năm ngoái, nhờ vào sự phục hồi ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đóng góp 2,44 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro, nhất là từ các yếu tố bên ngoài như các xung đột liên quan đến Nga, Mỹ, Trung Quốc và khu vực Trung Đông leo thang, đang trở thành rủi ro lớn nhất đối với kinh tế toàn cầu. Trong nước, môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ, với các rào cản về điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính chưa được cắt giảm, xử lý kịp thời, tốc độ cải cách từ các bộ, ngành vẫn đang chậm...

Còn theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), mỗi khi có khó khăn như dịch bệnh, bão lũ, Quốc hội cùng Chính phủ luôn có chương trình hỗ trợ hướng tới người dân, doanh nghiệp như giãn, giảm, hoãn các loại thuế phí, giảm lãi suất,… Tuy vậy, dường như những khó khăn lại liên tiếp xảy đến, dẫn đến năng lực phục hồi của doanh nghiệp bị hạn chế và bị bào mòn dần. Trong 9 tháng năm 2024, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 163,8 nghìn doanh nghiệp, bình quân một tháng có 18,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Mong đợi những quyết sách lớn cho nền kinh tế ảnh 1

Xuất nhập khẩu hàng hóa tăng nhanh hơn so dự kiến với tổng kim ngạch đạt 578,5 tỷ USD.

Những kế sách để thúc đẩy kinh tế

Bà Nguyễn Minh Thảo cho rằng, Kỳ họp thứ 8 được bắt đầu trong tuần này với nhiều nội dung quan trọng trong công tác xây dựng pháp luật và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Vì vậy, trên cơ sở thảo luận các báo cáo của Chính phủ, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) sẽ đưa ra được những kế sách để thúc đẩy phát triển kinh tế nói chung và cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn nói riêng. Trong đó, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp sẽ kết thúc trong năm 2024. “Những chính sách hỗ trợ mới hay sửa đổi, bổ sung cần bảo đảm yếu tố không tạo thêm áp lực nặng nề hơn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp”.

Đồng tình với quan điểm này, PGS, TS Nguyễn Thường Lạng, chuyên gia kinh tế cho rằng, ngoài khơi thông thị trường, giảm bớt thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ thì cần phải có gói kích cầu (về chính sách thuế, chính sách lãi suất, chính sách về thị trường) đủ mạnh thì doanh nghiệp mới có động lực tiếp tục đầu tư và mở rộng sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, các ĐBQH cần tính toán chính sách hỗ trợ đầy đủ cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển, từ đó tạo sức bật cho nền kinh tế. “Mỗi kỳ họp Quốc hội, người dân và doanh nghiệp luôn chờ đợi quyết sách hợp lý hiệu quả để có niềm tin và tạo động lực cho họ có cơ hội phục hồi sản xuất, kinh doanh và tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế”.

Liên quan Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) sẽ có tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích của các tổ chức, cá nhân, người dân và doanh nghiệp, ông Lạng cho rằng, cơ quan soạn thảo cần lấy ý kiến của các bên liên quan để có thông tin khi đưa ra quyết sách, bảo đảm các chính sách được đồng bộ, hiệu quả và khả thi khi đưa vào áp dụng. Về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục bắc - nam, khi hoàn thành sẽ tăng cường kết nối vùng, miền, các cực tăng trưởng, tạo động lực lan tỏa, mở ra không gian phát triển kinh tế mới. Tuy vậy, các đại biểu cần thảo luận rõ về hiệu quả đầu tư và làm thế nào để tránh bị đội vốn.

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV được tiến hành theo 2 đợt, trong đó đợt 1 từ ngày 21/10 đến 13/11 và đợt 2 từ ngày 20/11 - 30/11. Kỳ họp dự kiến sẽ xem xét, thông qua nhiều dự án luật tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích của đa số người dân như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Luật Điện lực (sửa đổi), Luật Việc làm (sửa đổi) và có nhiều dự án luật sửa đổi sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Hóa chất, Luật Địa chất và khoáng sản…

Còn theo TS Nguyễn Quốc Việt, nhiều văn bản pháp luật, quy định pháp luật làm nền tảng cho một thời kỳ phát triển mới của Việt Nam sẽ được thảo luận và thông qua trong kỳ họp này. Vì vậy, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, cần tổ chức tham vấn rộng rãi đối với các đối tượng chịu tác động bởi chính sách; giải trình rõ ràng, minh bạch, công khai đối với các ý kiến góp ý, từ đó đánh giá tác động toàn diện, thực chất, dựa trên cơ sở khoa học và minh chứng thuyết phục.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh nghiên cứu, nhận diện các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp (cả về quy định pháp lý và thực thi), trong đó có những vướng mắc, bất cập cả về chính sách, pháp luật và thủ tục thực thi để khẩn trương sửa đổi hoặc đề xuất sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, hướng dẫn và giám sát hoạt động thực thi.

Đáng lưu ý, bão số 3 (Yagi) vào tháng 9 vừa qua đã gây ảnh hưởng đáng kể đến tốc độ phục hồi kinh tế của Việt Nam trong quý III, cả thời gian còn lại của năm 2024 và cả sang đầu năm 2025. Sự thiệt hại ngoài sức tưởng tượng do cơn bão gây ra cho thấy biến đổi khí hậu đang tác động toàn diện và sâu sắc đến quá trình phát triển kinh tế và an ninh trên toàn cầu. Việt Nam là một trong những quốc gia được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Ông Việt cho rằng, ĐBQH cũng cần thảo luận các chính sách nhằm ngăn chặn và giảm phát thải khí nhà kính, bảo đảm thực hiện đúng các cam kết của COP26 và COP28.

Thời gian làm việc của kỳ họp lần này không phải nhiều nếu so với khối lượng công việc cần giải quyết. Rất nhiều dự án luật được kỳ vọng lớn từ nhân dân như: Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn; Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu… sẽ đặt nền móng cho sự phát triển kinh tế dài hạn của Việt Nam!