Nỗ lực xuất khẩu những tháng cuối năm

Một trong những điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong 9 tháng năm 2024 là kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt kết quả tích cực 299,6 tỷ USD, tăng 15,4%.
0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp đẩy mạnh tuyển dụng lao động để bảo đảm thời hạn giao hàng. Ảnh: BẮC SƠN
Các doanh nghiệp đẩy mạnh tuyển dụng lao động để bảo đảm thời hạn giao hàng. Ảnh: BẮC SƠN

Kết quả điều tra xu hướng sản xuất, kinh doanh hằng quý của Tổng cục Thống kê cho thấy, số lượng doanh nghiệp dự báo khả quan về tình hình đơn hàng xuất khẩu quý IV tăng lên. Các doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý IV khả quan hơn với 83,6% số doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên so với quý III.

Kín đơn hàng đến hết năm

Thay vì phải đi tìm kiếm đơn hàng hằng tuần, hằng tháng như năm trước, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần May 10 cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, lượng hàng xuất khẩu sang Mỹ, Liên minh châu Âu (EU)… đều đặn được đặt hàng qua các tháng và đến nay đã có đơn hàng đến hết trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2025. “Cùng với thị trường xuất khẩu tích cực và thị trường trong nước hồi phục, hết tháng 9, doanh thu của doanh nghiệp đã tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm trước và các khoản đóng góp về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế đất… cho Nhà nước lên tới 44 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái”, ông Việt thông tin.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, 9 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt 32,5 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ. Từ lâu, hầu hết doanh nghiệp dệt may đã kín đơn hàng xuất khẩu đến hết năm. Các doanh nghiệp dệt may đã và đang rất tích cực đàm phán đơn hàng xuất khẩu cho quý I/2025. “Dự báo trị giá xuất khẩu dệt may cả năm nay chắc chắn sẽ đạt mục tiêu đề ra là 44 tỷ USD, đóng góp đáng kể vào kết quả xuất khẩu chung của cả nước”.

Tương tự, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, trong 9 tháng, xuất khẩu giày, dép đạt 16,538 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ. Nhiều khả năng ngành da giày sẽ về đích với 27 tỷ USD trong năm nay bởi càng về cuối năm đơn hàng của doanh nghiệp da giày trong nước ngày một tốt hơn do chuẩn bị bước vào mùa cao điểm sản xuất phục vụ lễ hội. “Các doanh nghiệp trong ngành đang đẩy mạnh tuyển dụng lao động để bảo đảm thời hạn giao hàng”.

Nhìn nhận về kết quả này, bà Đinh Thị Thúy Phương, Vụ trưởng Thống kê thương mại và dịch vụ, Tổng cục Thống kê cho biết, trong tổng số 45 mặt hàng xuất khẩu chính, tính chung 9 tháng năm 2024 có đến 38 mặt hàng (đạt 84,4%) tăng so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm đến 92,9% tổng trị giá mặt hàng xuất khẩu.

Có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực của Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương và sự quyết tâm của doanh nghiệp đã tận dụng cơ hội của các hiệp định thương mại tự do, tăng cường xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm của Việt Nam ra thị trường quốc tế, đồng thời khẳng định chất lượng hàng hóa của Việt Nam được thế giới tin dùng. “Điều này phản ánh xu hướng cầu trên thế giới về một số mặt hàng của Việt Nam tăng, hoạt động sản xuất trong nước phục hồi, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu trong thời gian tới”, bà Phương nêu rõ.

Nỗ lực xuất khẩu những tháng cuối năm ảnh 1

Hầu hết doanh nghiệp dệt may đã kín đơn hàng xuất khẩu đến hết năm. Ảnh: SONG ANH

Theo dõi sát diễn biến các thị trường

Mới đây, S&P Global công bố báo cáo Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đã giảm từ 52,4 điểm trong tháng 8/2024 xuống 47,3 điểm trong tháng 9. Kết quả này cho thấy sức khỏe ngành sản xuất đã yếu đi ở mức đáng kể, nhất là tính từ tháng 11 năm ngoái.

Bình luận về kết quả khảo sát, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market cho rằng, cơn bão Yagi đã có ảnh hưởng nặng nề lên ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng 9 với mưa lớn và lũ lụt dẫn đến đóng cửa tạm thời một số hoạt động kinh doanh, gây ra sự chậm trễ ở các dây chuyền sản xuất và chuỗi cung ứng. Từ đó, sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, hoạt động mua hàng và tồn kho hàng hóa đầu vào đều giảm.

Tuy nhiên, sự gián đoạn được cho chỉ là tạm thời, các doanh nghiệp vẫn tự tin vào triển vọng sản xuất và tăng số lượng việc làm phù hợp. Theo khảo sát, tâm lý kinh doanh của nhà sản xuất đã tăng lên mức cao của 3 tháng khi các bên tin tưởng rằng, nhu cầu sẽ mạnh lên. “Tâm lý kỳ vọng tích cực và tình trạng tăng đáng kể của đơn đặt hàng mới trong những tháng trước cũng khiến các nhà sản xuất tăng nhẹ số lượng nhân sự trong tháng 9 sau khi giảm trong tháng trước. Việc làm đã tăng suốt 3 trong 4 tháng qua”.

Còn theo Bộ Công thương, xuất khẩu hàng hóa mặc dù đạt kết quả tăng trưởng cao, xong chủ yếu do nền tăng trưởng khá thấp của cùng kỳ năm trước; đồng thời, mức tăng trưởng này thấp hơn mức tăng cùng kỳ các năm khi chưa xảy ra dịch Covid-19. Giá xuất khẩu một số nhóm hàng nông sản như gạo, hạt tiêu, cà-phê… tăng mạnh tuy giúp tăng giá trị xuất khẩu nhưng tiềm ẩn nguy cơ xáo trộn nguồn cung vì tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp, nhà cung cấp chưa cao. Những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang các thị trường lớn như EU, Mỹ… phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh.

Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Công thương tiếp tục theo dõi sát diễn biến các thị trường, chính sách xuất nhập khẩu của các nước để kịp thời thông tin cho hiệp hội, doanh nghiệp. Trọng tâm là tình hình chiến sự Nga - Ucraine; xung đột leo thang tại dải Gaza, Biển Đỏ; diễn biến xung đột thương mại Trung Quốc - EU; và xu hướng phát triển bền vững, xanh hóa trong các ngành công nghiệp của EU, các quy định mới trong việc thẩm định chuỗi cung ứng của các quốc gia EU đối với các ngành hàng xuất khẩu.

Cùng với đó, Bộ Công thương sẽ tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến xuất khẩu đối với các thị trường trọng điểm, đặc biệt tận dụng tối đa ưu đãi do các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại như CPTPP, EVFTA, RCEP… Đẩy nhanh đàm phán, ký kết, phê chuẩn các FTA, liên kết kinh tế mới, trước mắt với Israel, UAE, để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu. Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường mới, thị trường tiềm năng mà các doanh nghiệp riêng lẻ chưa có điều kiện trực tiếp thâm nhập.

Về việc chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch, Bộ Công thương sẽ phối hợp với các cơ quan, địa phương trong nước tăng cường trao đổi với cơ quan, địa phương phía Trung Quốc nhằm nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; triển khai các biện pháp thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc về hạ tầng thương mại biên giới và thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại biên giới tại các địa phương biên giới phía bắc. “Đẩy mạnh công tác cảnh báo sớm các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc ứng phó các vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài đã và đang điều tra”.

Theo Tổng cục Thống kê, trị giá hàng xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng khá mạnh so với cùng kỳ năm trước, ở hầu hết các thị trường chủ lực, như: Trung Quốc tăng 1%; Mỹ tăng 24,7%; thị trường EU tăng 17%...