Phát huy trước hết cần chính đáng

Cần đề phòng, cảnh báo và xử lý kiên quyết nếu việc tạo dựng tư liệu không dựa trên Luật Di sản văn hóa và các nguyên tắc khoa học. Chúng ta tìm kiếm, sưu tầm thêm tư liệu để tôn vinh di tích, nhưng không phải bằng cách đưa những hiện vật giả vào di tích.
Tiếp nhận lại sắc phong đình làng Tri Chỉ, xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Ảnh: HOÀNG HOA
Tiếp nhận lại sắc phong đình làng Tri Chỉ, xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Ảnh: HOÀNG HOA

Hệ lụy của việc tự tạo tác tư liệu

Sắc phong là một loại hình di sản tư liệu, là nguồn tài liệu quý (và) hiếm, có giá trị về nhiều mặt. Nhiều mặt tốt đã được khẳng định và phát huy trong đời sống hiên đại. Dù được giữ gìn trang trọng nhưng thời gian, thiên tai, thời tiết, khí hậu, chiến tranh và cả “nhân tai” đã làm hư hoại và tiêu biến nhiều sắc phong. Đó là mất mát lớn của cộng đồng, cũng là sự hư hao với cả nền văn hóa. Thời gian gần đây còn có vấn nạn trộm cắp sắc phong cổ mà báo chí đã đưa tin nhiều vụ. Một số sắc phong còn trôi nổi ra khỏi Việt Nam, bị buôn bán trái phép…

Nhưng còn có hiện tượng đáng nói là nhiều nơi tự ý làm giả sắc phong dưới nhãn “phục hồi” với niềm tự hào hư ảo rằng di tích “của mình” có nhiều sắc phong (tự làm) có thể “thiêng” hơn (!). Những sắc phong tự tạo tác đó được đưa vào di tích như một phần làm nên giá trị di tích với nhiều người không hiểu rõ. Niềm tin tín ngưỡng trong trẻo hồn nhiên ban đầu đã biến tướng thành “cuộc chạy đua làm đồ giả”. Đằng sau cuộc chạy đua đó là những cạnh tranh ngầm về “độ nổi tiếng” để dễ thu hút các nguồn kinh tế (!).

Theo quy luật thị trường - có cầu sẽ có cung, đã có “dịch vụ làm sắc” đáp ứng những nhu cầu đó. Những điều đó gây hoài nghi với những điều thiêng liêng. Những bản sắc giả lại được “trộn” với những tư liệu thật để biến giả thành thật, gây nghi ngờ về sự chính xác của tư liệu và tính liêm chính học thuật. Việc sao chép các di sản tư liệu nhất thiết phải dựa trên quy định pháp luật về di sản văn hóa và cần do các cơ quan chuyên môn có đủ thẩm quyền và kỹ thuật tiến hành.

Cần phòng ngừa những vụ việc tương tự

Theo hồ sơ khoa học xếp hạng di tích thì phủ Vân Cát thuộc quần thể di tích kiến trúc nghệ thuật Phủ Dầy (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) không (còn) có các sắc phong. Vừa qua, cuộc “đón nhận bản sao sắc phong, thác bản” ở xã Kim Thái không diễn ra do Cục Di sản văn hóa đã kịp thời đề nghị dừng việc làm mới các sắc phong vì không đáp ứng các tiêu chí theo Luật Di sản văn hóa, đồng thời yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định chỉ đạo hướng dẫn chính quyền địa phương không tổ chức tiếp nhận các hiện vật làm mới này vào di tích.

Từ góc nhìn hiện vật/di sản, khi được/bị cố tình coi là hiện vật gốc, bản chất các bản sao, hoặc các văn bản tạo dựng đều là giả mạo hiện vật gốc. Khi đó, theo Luật Di sản văn hóa cần đưa “hiện vật lạ” ra khỏi di tích, dù dưới dạng hình thức vật chất nào. Với dạng hiện vật vật chất, chúng ta đã có những trường hợp như vậy: Ở đền Gióng, ở chùa Bà Đá, chùa Chân Long (Hà Nội, năm 2014), ở Đại Nội (Huế, năm 2023), ở đền Trần (Thái Bình, năm 2024)… PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Hội đồng Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam từng nhấn mạnh: “Việc tiếp nhận hiện vật (mới) mà không có sự chấp thuận của cơ quan chức năng có thể vi phạm pháp luật về bảo vệ di tích và quản lý di sản văn hóa. Hơn nữa, đây không chỉ là vấn đề pháp lý mà còn liên quan đến đạo đức nghề nghiệp của những người làm việc tại di tích…”. Để khắc phục, các cơ quan quản lý văn hóa có nhiều cố gắng và đã có kết quả. Ngựa sắt 2,5 tấn, roi sắt, giáp sắt cung tiến cho đền Gióng Phù Đổng (Hà Nội) được di dời ra bãi đất trống. Hà Nội và nhiều tỉnh đã có “phong trào” trục xuất những đôi sư tử đá ngoại lai và cả những hiện vật mới/lạ khác ra khỏi các di tích, được dư luận đánh giá cao.

Nhưng với dạng hiện vật là tư liệu giả thì khó hơn nhiều vì phần lớn các tài liệu là văn bản Hán Nôm đòi hỏi người thẩm định giỏi chuyên môn sâu. Mặt khác, các tư liệu này thường được niêm cất chứ không dễ nhìn thấy. Việc “phục hồi” thần tích, sắc phong - bản chất là làm giả tư liệu, cũng đã xảy ra ở nhiều di tích. Dù được giải thích bằng ý muốn chủ quan muốn “thiêng hóa” nhân vật, “linh hóa” di tích… nhưng đối chiếu với Luật Di sản văn hóa thì đó là điều không được chấp nhận. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi kiểm tra hồ sơ tư liệu của di tích, so sánh các tư liệu là căn cứ trước khi được “cấp bằng” và những tư liệu hiện có mới phát hiện ra. Việc khôi phục, phục chế tư liệu đã xuống cấp, hư hỏng luôn là điều cần thiết để củng cố hồ sơ di tích. Nhưng việc “phục hồi” tư liệu không còn hoặc không có văn bản gốc, chỉ dựa trên các tư liệu thứ cấp và xuất hiện muộn hơn là điều cần đề phòng, cảnh báo và xử lý kiên quyết nếu đã xảy ra vì trái luật. Và cũng đã đến lúc kiểm tra, chấn chỉnh những vi phạm.

“Luật Di sản hiện hành quy định chỉ quy định “phục hồi” di tích - cũng vẫn phải bảo đảm giữ gìn tối đa yếu tố “nguyên gốc”. Phục hồi hiện vật tư liệu có thể căn cứ trên tư liệu, hình ảnh hoặc dữ liệu di sản được lưu giữ dạng số hóa… dựa trên cứ liệu khoa học. Tuy nhiên, hiện nay việc “phục hồi” loại hiện vật tư liệu vẫn chưa được quy định trong luật. Bất cập này sẽ được khắc phục trong Luật Di sản văn hóa sửa đổi đang trên quá trình sẽ được Quốc hội khóa XV thông qua trong kỳ họp thứ 8, tháng 11/2024”, PGS, TS Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Di sản văn hóa cho biết thêm.