Phấn đấu duy trì đà tăng trưởng

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước tính sơ bộ đợt bão, lũ vừa qua ở miền bắc gây thiệt hại tài sản khoảng 40.000 tỷ đồng. So với kịch bản không có bão số 3, tăng trưởng GDP quý III có thể giảm 0,35 điểm %.
0:00 / 0:00
0:00
Khẩn trương giãn nợ, hoãn nợ, tiếp tục cho vay để người dân khôi phục sản xuất sau bão. Ảnh: ĐỨC ANH
Khẩn trương giãn nợ, hoãn nợ, tiếp tục cho vay để người dân khôi phục sản xuất sau bão. Ảnh: ĐỨC ANH

Bão số 3 và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rất lớn, trải dài ở 26 tỉnh, thành phố phía bắc và Thanh Hóa (khu vực chiếm hơn 41% GDP và 40% dân số của cả nước), kết hợp với tình trạng xả lũ ở thượng nguồn một số con sông lớn, mưa lớn kéo dài, đã gây ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất… nghiêm trọng trên nhiều địa bàn. Đến nay, một số địa phương vẫn còn tình trạng ngập lụt, hoặc có nguy cơ cao khiến cho thiệt hại còn có thể nặng nề hơn.

Tốc độ tăng trưởng dự kiến chậm lại

Là địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 3, tỉnh Quảng Ninh chịu thiệt hại nặng nề, tính đến thời điểm hiện nay được thống kê ước hơn 23.700 tỷ đồng. Về du lịch, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là thành phố Hạ Long và một số địa phương ven biển như Vân Đồn, Cẩm Phả, Cô Tô. Khối nhà hàng sử dụng vật liệu khung thép, mái tôn, vật liệu đơn giản tại khu vực thành phố Hạ Long đều bị sập, hư hỏng nặng. Nhiều cơ sở không còn khả năng sửa chữa lại để kinh doanh do hư hỏng hoàn toàn.

Tại TP Hải Phòng, bão số 3 gây thiệt hại hơn 25.000 ha diện tích lúa, hơn 3.000 ha diện tích hoa màu, rau màu. Hơn 4.600 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng. Hơn 30.000 công trình nhà xưởng, xí nghiệp, công trình công nghiệp; hơn 1.200 công trình trụ sở cơ quan; 213 chợ, trung tâm thương mại bị hư hại... Tổng thiệt hại do bão Yagi gây ra tại Hải Phòng tính đến thời điểm hiện nay (quy ra tiền) được thống kê ước gần 11.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước tính sơ bộ, chưa đầy đủ, thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra khoảng 40.000 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều tuyến đường bị ngập lụt, hư hại, khiến hoạt động lưu thông (nhất là đường bộ và đường sắt) bị đình trệ cục bộ. Các trang trại, hộ trồng lúa, hoa màu…, hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tại hầu hết các địa bàn bị ảnh hưởng bởi bão số 3, cả ở khu vực ven biển, đô thị, giáp ranh đô thị, nông thôn, miền núi… là đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất, cần nhiều nguồn lực, thời gian để tái đàn, tái vụ, tái sản xuất.

Bão, lũ tràn về khi miền bắc đang trong thời gian gieo trồng vụ mùa, chưa bước vào thời điểm thu hoạch. Nhiều cơ sở du lịch, lưu trú bị hư hỏng, phải đóng cửa để sửa chữa. Do đó, miền bắc sẽ bỏ lỡ mùa khách du lịch quốc tế (từ tháng 9/2024 đến tháng 4/2025) và cũng có thể không thu hút được khách trong nước, đặc biệt là các địa điểm du lịch trọng điểm như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Giang… Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, xây dựng cũng bị tác động của cơn bão, nhất là tác động gián tiếp khi bị mất điện, thông tin liên lạc, lao động và gia đình người lao động bị ảnh hưởng.

Vì vậy, dự báo tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm của cả nước và nhiều địa phương bị chậm lại. Tăng trưởng GDP quý III của cả nước có thể giảm 0,35%, quý IV giảm 0,22% so với kịch bản không có bão số 3. Ước cả năm GDP có thể giảm 0,15% so với kịch bản ước tăng trưởng có thể đạt 6,8-7%, trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản giảm 0,33%, công nghiệp và xây dựng giảm 0,05% và dịch vụ giảm 0,22%. Tốc độ tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) năm 2024 của nhiều địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai… giảm hơn 0,5%.

Phấn đấu duy trì đà tăng trưởng ảnh 1

Các địa phương huy động nhiều lực lượng dọn dẹp sau bão để ổn định cuộc sống. Ảnh: SONG ANH

Nghiên cứu gói lãi suất 0 đồng

Sau ba năm bị tác động bởi dịch Covid-19, anh Nguyễn Quốc Dũng, chủ kinh doanh nhà hàng hải sản tại Hạ Long cho biết đã dần phục hồi và đi vào hoạt động ổn định. Tuy vậy, sau cú sốc từ bão, có lẽ phải mất nhiều thời gian nữa mới có thể khôi phục lại bình thường. Bởi, nhà hàng đã bị thiệt hại nặng nề, toàn bộ phần mái bên ngoài, bàn ghế, vật dụng đã bị bão làm hỏng hóc không thể sử dụng. Trong khi đó, để xây dựng được một cơ sở kinh doanh giữa trung tâm du lịch như TP Hạ Long cần rất nhiều kinh phí và để hoạt động bình thường như trước đây phải mất vài năm.

Còn theo TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, để phục hồi sản xuất, điều đầu tiên các hộ kinh doanh, doanh nghiệp cần là vốn để xây dựng lại nhà xưởng, mua lại máy móc, thiết bị đã bị hỏng. Nhưng sau bão, chất lượng tài sản và khả năng bảo đảm khoản vay bị giảm nên tiếp cận được nguồn vốn phù hợp lại càng khó khăn. Vì vậy, Nhà nước cũng cần nhanh chóng công bố những chính sách miễn, giảm, hoãn thuế đã rất thành công như thời kỳ sau dịch Covid-19 để giúp doanh nghiệp sử dụng nguồn lực nhanh chóng tái đầu tư, khôi phục lại sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, các ngân hàng cũng có thể xem xét lại đánh giá rủi ro của các khoản vay, khoanh lại các khoản nợ và tạo cơ chế để hỗ trợ nhóm đối tượng xác định được thiệt hại rõ ràng tiếp tục được cấp kinh phí triển khai các dự án khả thi trong việc phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, cần rà soát, đánh giá tổng thể hệ thống cơ sở hạ tầng, kể cả khu vực nông thôn, khu công nghiệp, kết nối hạ tầng giữa các vùng để có giải pháp ứng phó, hỗ trợ kịp thời, thông suốt về giao thông vận tải, logistics cho các khu vực. “Tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi thông thoáng để không chỉ doanh nghiệp bị thiệt hại mà những doanh nghiệp không bị thiệt hại cũng hứng khởi đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiếp tục sản xuất bù đắp cho những thiệt hại vừa qua, hướng tới bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024”, ông Việt nhấn mạnh.

Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu khẩn trương khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, kiểm soát tốt lạm phát và phấn đấu tăng trưởng GDP cả năm khoảng 7%. Thủ tướng yêu cầu rà soát, thống kê thiệt hại của các cơ sở sản xuất, kinh doanh để khôi phục trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ, đặc biệt là chính sách về tín dụng, hỗ trợ giống cây con, phân bón cho nông nghiệp, hỗ trợ khôi phục các loại hình dịch vụ, khôi phục sản xuất công nghiệp, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, có phương án tăng cường các loại hình giao thông, giảm giá cước vận tải, khôi phục các kho bãi tập kết hàng hóa; điều hòa các công trình thủy điện, thủy lợi trong xả lũ và tích nước.

Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hệ thống ngân hàng nghiên cứu chính sách giãn, hoãn, khoanh nợ, chính sách tín chấp, gói lãi suất 0 đồng...; Bộ Tài chính nghiên cứu giảm, giãn, hoãn thuế, phí, lệ phí; Bộ Công thương bảo đảm vật tư, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, kinh doanh; Ngân hàng Chính sách xã hội có phương án cho vay các hộ gia đình; ngành bảo hiểm thanh toán kịp thời cho các thiệt hại của doanh nghiệp, người dân... Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan xây dựng, triển khai chương trình khắc phục hậu quả bão lũ, khôi phục sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để thực hiện.