CA SĨ LAN ANH:

Phải tạo cá tính trong âm nhạc

Từng có "xuất phát điểm" khá thuận lợi với giải nhì cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội năm 1997, giữa lúc thị hiếu âm nhạc đang nghiêng về nhạc trẻ, Lan Anh lại chọn hướng theo đuổi dòng nhạc kén người nghe. Khi đã trở thành một trong những giọng nữ cao xuất sắc nhất của dòng nhạc thính phòng hiện nay, chị lại thử sức mình trong một hướng đi mới: làm "xanh" lại các ca khúc nhạc đỏ

 Phải tạo cá tính trong âm nhạc

Con đường đã định

- Người ta thường bảo, người hạnh phúc nhất là người tìm thấy mình trong thời thơ ấu, là người mà cuộc đời được thu xếp theo như những mong ước trước kia đã nghĩ ra. Lan Anh đến với nghề ca sĩ như thế nào?

- Mẹ tôi vốn là ca sĩ nghiệp dư, ngày trước mẹ thường hay hát những bài mà ca sĩ Thanh Hoa hát, tôi cứ hát theo mẹ nên cũng thuộc nhiều bài. Yêu ca hát nên tôi thường tham gia trong các phong trào của học sinh, sinh viên. Từ Nam Định tôi đã lên Hà Nội tham gia các cuộc thi hát. Lúc đó thì cũng chỉ thích được đứng trên sân khấu biểu diễn chứ cũng chẳng nghĩ mình sẽ thành ca sĩ. Nhạc viện Hà Nội cách xa nhà gần 100 cây số, 14 tuổi tôi đã từng lên đó học, nhưng chỉ là tham dự những khóa đào tạo. Học rồi đam mê, 17 tuổi tôi trở thành sinh viên của Nhạc viện Hà Nội.

- Và rồi Lan Anh đã chọn học dòng nhạc cổ điển?

- Ban đầu học ở Nhạc viện, khi đi hát tôi thường hát nhạc trữ tình, nhạc trẻ. Dần dần tôi mới thấy hóa ra mình còn có thể hát được nhạc thính phòng bởi giọng bẩm sinh có tố chất chuyển giọng, có thể xuống được thấp nhất và lên được cao nhất - quãng giọng dài đó là thuận lợi cơ bản của ca sĩ hát dòng nhạc cổ điển. Đến lúc đó thì tôi bắt đầu tìm tòi về dòng nhạc mới mẻ với mình...

- Tuy được thừa nhận là một trong những giọng soprano (nữ cao) xuất sắc nhất hiện nay, nhưng hình ảnh Lan Anh chỉ tạo được ấn tượng với một đối tượng khán giả hẹp. Lan Anh có chạnh lòng về điều này không?

- Nói giọng nữ cao là để phân loại tông giọng thôi, nhưng như thế không có nghĩa là tôi chỉ hát dòng nhạc cổ điển thính phòng. Khán giả biết đến tôi là vì họ nghe tôi hát các ca khúc Việt Nam đấy chứ, dòng nhạc thính phòng thì mấy khi có cơ hội biểu diễn trước công chúng. Có thể những người thích thưởng thức nhạc thị trường thì ít biết đến chúng tôi, nhưng những chương trình nghệ thuật kỷ niệm những ngày trọng đại của đất nước... thì không thể thiếu những ca khúc nhạc đỏ.

- Xinh đẹp, hát hay - đã bao giờ Lan Anh cảm thấy muốn thay đổi phong cách âm nhạc để thành ngôi sao thị trường?

- Ồ, không chị ạ, tôi yêu dòng nhạc này. Thời trang là phải phù hợp với mình chứ không thể a dua theo người khác. Nghề ca hát cũng thế, nếu chạy theo những cái không phải thế mạnh của mình thì có thể sẽ tự giết chết bản thân. Tôi thấy dòng nhạc đỏ phù hợp với tôi và sẽ tiếp tục trung thành với nó, dù rằng đôi khi cũng thấy bất công. Nhưng với tôi - được hát, được làm đĩa, giọng hát của mình có một lượng khán giả yêu thích cũng là vui rồi.

- Có người nói có thể xếp Lan Anh vào hàng hậu duệ của những giọng ca quý hiếm lừng lẫy một thời: NSND Tường Vy, cố NSND Lê Dung...

- Tiêu chuẩn cơ bản của nghệ thuật là tài năng, không có tài năng thì không có nghệ thuật. Tôi hâm mộ các nghệ sĩ thế hệ trước, đặc biệt là cô Lê Dung. Họ được sống trong thời khắc lịch sử của đất nước nên thổi được hồn thời đại vào bài hát. Thế hệ chúng tôi không thể hát lặp lại như thế, mà phải mang hơi thở cuộc sống mới, phải tạo ra cá tính riêng của mình trong âm nhạc.

Tiếng vỗ tay và sự tự biết mình

- CD-VCD Hãy yêu nhau đi mới ra mắt là một sản phẩm kết hợp giữa nhạc thính phòng và nhạc pop trong những ca khúc trữ tình chủ đề tình yêu. Lan Anh định chuyển gu âm nhạc ư?

- Khi hát nhạc cổ điển, để tạo sự gần gũi với công chúng, tôi đưa một chút pop vào cho dễ nghe. Trong an-bum này tôi chọn những bài có giai điệu hay, hòa âm lại. Sau đó tôi còn làm Khát vọng, Tình ca xanh, Tình ca cho anh. Ở Tình ca xanhkết hợp với nhạc sĩ Dương Cầm làm hoàn toàn mới về hòa âm. Những ca khúc truyền thống được làm mới bằng hòa âm trẻ trung và đặc biệt đưa âm hưởng dân gian vào để làm "xanh" lại những ca khúc nhạc đỏ. Vui là đĩa bán tốt, đã tái bản mấy lần.

- Trước kia trên sân khấu thường thấy Lan Anh hát chung với những ca sĩ dòng nhạc đỏ như Trọng Tấn, Việt Hoàn, Đăng Dương, nhưng gần đây lại hay kết hợp với ca sĩ Tấn Minh. Sự kết hợp tưởng như khập khiễng giữa một giọng hát thính phòng với ca sĩ dòng nhạc nhẹ lại đã tạo được một mầu sắc khác...

- Bên cạnh việc hát nhạc truyền thống, thi thoảng tôi vẫn làm thử nghiệm những điều mình yêu thích. Dòng nhạc trẻ luôn có những ca khúc mới, nhưng nhạc truyền thống thì rất ít. Những ca khúc cách mạng tôi đã hát rất nhiều nên không muốn cứ giẫm chân ở cách hát cũ, vì thế muốn có những thay đổi để tạo điểm nhấn. Có thể khi nghe tên bài hát mọi người chưa chú ý, nhưng khi âm nhạc cất lên với phần thể hiện mới cả giọng hát cũng như hòa âm sẽ tạo nên một bức tranh âm nhạc đa sắc mầu khiến người nghe thú vị hơn.

- Phần lớn các ca sĩ thường gắn với một đơn vị nghệ thuật, nhưng một số người như Lan Anh, Ngọc Anh... lại gắn bó với giảng dạy?

- Việc giảng dạy nghệ thuật không quá khắt khe về thời gian nên tôi vẫn có thể thu xếp để đi biểu diễn. Lĩnh vực giảng dạy và biểu diễn lại hỗ trợ cho nhau rất nhiều. Tôi có thể truyền dạy cho sinh viên kinh nghiệm biểu diễn, còn việc giảng dạy lại giúp tôi được luyện tập thường xuyên.

- Sự yêu mến của công chúng có tạo nên áp lực?

- Bất cứ nghệ sĩ nào cũng cần tiếng vỗ tay, đó là biểu hiện của việc được xã hội công nhận. Nhưng tôi nghĩ không nên bằng mọi cách vươn tới thành tích của người khác, phải tự biết mình. Càng được công nhận thì trách nhiệm càng phải cao với những tác phẩm tiếp sau. Điều quan trọng nhất, phải không lặp lại những cái mà nhờ đó ta được công chúng yêu mến.

- Xin chúc Lan Anh sẽ tiếp tục tìm tòi và thể nghiệm những hướng đi mới trong nghệ thuật.