Xa Tây Bắc, trở xuống đồng bằng, một ngày vấp phải câu thơ trĩu lòng của nhà thơ Trần Mạnh Hảo: “Ở ven trời Tây Bắc có Lai Châu”. Nhớ quay quắt Tây Bắc xa xôi thăm thẳm dù giờ cực kỳ gần gụi. Nhớ con sông Đà oai linh dựng thác bên trời. Song không chỉ lắm ghềnh dựng thác, Đà giang còn là dòng sông của thi ca, của huyền thoại hỗn mang từ thuở khai thiên.
Vượt qua dốc “Rơi Chảo” về đến Mường Lay, đoạn Nặm Na gặp gỡ sông Đà, một cây cầu nối hai bờ nơi hiểm địa này luôn là mơ ước nghìn đời của chúng sinh miền thượng. Chuyện kể rằng: Có một con rắn thần khổng lồ tên là Ải Hô Đống (Anh Đầu Trọc) sống ở quãng sông này. Anh Đầu Trọc là con nuôi của vợ chồng Bà Cú, một gia đình nông dân sống ngay bờ hữu ngạn sông Đà. Mùa thác lũ, người dân bị cản lại trước dòng chảy kêu than mất tiếng. Ải Hô Đống liền nổi lên lấy thân mình vắt qua sông làm cầu cho dân đi lại. Từ đó, nếu muốn qua sông, dân cứ tên Ải Hô Đống mà kêu. Một lần đám rước đi qua, dân làng vô tư hát ca nhảy múa làm rơi tàn đuốc. Tàn lửa bỏng lưng, Ải Hô Đống cố đợi đám rước qua hết rồi vặn mình lặn mất tăm giữa dòng nước xiết. Kể từ ngày đó, không còn thấy Ải Hô Đống hiện hình.
Về đến Quỳnh Nhai (Sơn La), sông Đà chảy vào miền huyền thoại. Ngay trên bến Mường Chiên có khối núi tượng hình kẻ trước người sau. Đó là hình tượng của cha chồng và cô con dâu hiếu thảo. Một lần đi nương, thấy trên đầu con dâu có chấy, đợi lúc nghỉ tay, cha chồng rẽ tóc bắt chấy cho con… Mưa gió ập về, tiếng sét oan khiên biến họ thành khối núi hình người. Núi Đán Hau Mường Chiên, cho đến muôn đời, còn nhắn gửi rằng: “Có những điều… mắt nhìn thấy thế mà sự thực lại không hẳn là như thế”. Hòn Đán Hau, hòn núi cha con hàng nghìn năm nay vẫn dầm chân bên bến nước.
Trước khi về đến Mường Chiên, sông Đà qua Nặm Cà Nàng. Người già bảo, tên xã, đúng ra phải gọi là Nặm Khá Nang. Khá nang, tiếng Thái là Sính lễ… Số là, nơi thác đổ này được một con thủy quái siêu năng trấn giữ. Một lần, đám cưới đi qua gặp cơn sóng gió tơi bời. Trong trận chiến giữa chú rể và hai họ với thủy quái, phần thắng nghiêng về lực lượng siêu nhiên. Khi biết lễ vật thủy quái muốn có lại chính là cô dâu xinh đẹp. Để cứu chú rể và hai họ, cô dâu buông mình xuống dòng lũ dữ… Mấy ngày sau, người ta thấy từng phần thân thể người đẹp hiện hình trên đất Nặm Cà Nàng. Bây giờ, đồng đất Nặm Cà Nàng còn đó những vũng Phổi (Vang Pót), suối Huổi Lủ (suối ngực nàng), cánh đồng Kha nang (đồng Đùi nàng)…
Khắp một vùng núi non trùng điệp, có biết bao bản làng có đền thờ Nàng Han. Nàng Han, lãnh tụ tinh thần của bà con dân tộc vùng Tây Bắc. Nàng Han tử nạn sau khi lãnh đạo nhân dân chiến thắng quân thù. Ngày khải hoàn, Nàng Han dừng chân bên suối nước trong khỏa thân tắm gội. Một mũi tên độc bắn lén của kẻ thù đã sát hại Nàng Han. Bây giờ, ngay bên mố hữu ngạn, xế bên cầu Pá Uân xinh đẹp, cây cầu có độ tĩnh không cao nhất nước, một ngôi đền thờ Nàng Han được xây dựng khang trang, ngay sau khi công trình thủy điện Sơn La khánh thành.
Đọc lại hai bản hùng văn Lê Thái Tổ để lại trên Đà giang ghềnh thác. Cuối năm 1431, khi tù trưởng Đèo Cát Hãn làm phản, Lê Lợi đã thân chinh đem quân lên Mường Lễ thu phục phản tặc. Xong việc, Người đã cho khắc lên vách đá Pú Huổi Chỏ (bản Chang, phường Lê Lợi, thị xã Lai Châu cũ) nay thuộc huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu, bài thơ (dịch thơ): “Bọn giặc dữ tránh sao trừng phạt/Dân biên thùy khao khát chờ ta/Lạ chi thói kẻ gian tà/Từ nay đất hiểm hóa ra yên lành/Tiếng gió hạc đủ kinh hồn giặc/Núi sông ta vẽ một bản đồ/Khắc trên vách núi bài thơ/Miền Tây nước Việt muôn thu vững bền”.
Thói nào tật ấy, sau khi được tha, đèo Cát Hãn vẫn không quy thuận triều đình. Tháng 3/1432, Lê Thái Tổ lại đem quân chinh phạt loạn thần. Về đến thác Bờ (thuộc địa phận xã Hào Tráng, huyện Đà Bắc, Hòa Bình), Người sai quân lính phạt đá khắc tấm bia ký “Chinh Đèo Cát Hãn quá long thủy đê”: “Đường gồ ghề hiểm trở, chẳng ngại khó khăn/Ta tuy già mà gan còn vững như sắt đá/Nghĩa khí quét sạch nghìn lớp mây mù/Tráng tâm san phẳng muôn trùng núi non/Lo việc biên phòng cần có phương lược sẵn sàng/Giữ nền xã tắc nên tính kế dài lâu/Lời truyền ba trăm ngọn thác quanh co rất nguy hiểm đã thành lời hư không/Ngày nay chỉ coi như nước thuận dòng chảy xuôi”. Lê Thái Tổ biết Đà giang lắm thác nhiều ghềnh, Người vẫn chỉ coi như dòng xuôi êm chảy.
Nói đến Đà giang là phải nhắc đến Tản Đà. Thi nhân mang tên sông Đà núi Tản. Người nối liền mạch thơ kim cổ, người được chiêu tuyết trong hội Quần Anh của phong trào Thơ mới những năm đầu thế kỷ XX. Người đã để lại cho nhân gian nhiều tuyệt phẩm. Song gắn với Đà giang, chỉ nhắc lại câu thơ sau của Tản Đà là đủ: “Núi Tượng trời cho bao tuổi lẻ/Sông Đà ai vặn một dòng quanh”.
![]() |
Một đoạn sông Đà. Ảnh: ĐINH TRỌNG HẢI |
Về đến nơi Thao Đà hội ngộ (xã Hồng Đà, huyện Tam Nông, Phú Thọ), đây là nơi Thủy Tinh và Sơn Tinh biết bao năm rồi còn mãi giao tranh. Làng Hạ Nông, xã Hồng Đà nằm ngay cạnh ngã ba sông nước. Nơi đây, hiện còn đền thờ đức Tản Viên Sơn thánh và đền thờ Mỵ Nương Công chúa. Thần phả làng Hạ Nông ghi rằng, ngày hội đền 13/7 là ngày Sơn Tinh dâng lễ lên vua cha, sau khi thắng cuộc, xin rước Mỵ Nương Công chúa về dinh. Từ đó hằng năm, ngày 13/7 luôn là ngày nước dâng to nhất.
Cách đây chừng chục năm, trong một ngày thu đầy nắng, tôi cùng với một số người bạn thân lên đỉnh non Tản để chứng minh một điều mà chúng tôi vẫn hằng đau đáu. Rằng tại sao trên đỉnh non Tản, ngay dưới đền thờ đức Thánh Tản là những đám vỏ ốc hóa thạch rất dày. Phải chăng đấy là do Thủy Tinh đánh với Sơn Tinh tới tận đây, hết năm này qua năm khác. Đánh đến mức con rể vua Hùng cũng suýt bị… thua. Đi cùng TS địa chất Vũ Cao Minh, nhà báo Trần Tất Hợp chỉ vào đám vỏ sò, vỏ ốc vân vi chất lớp dưới chân đền thờ Thánh Tản băn khoăn: “Các cậu thấy chưa, toàn những sinh vật dưới biển mà đánh lên ở tận trên này”. TS địa chất Vũ Cao Minh tay cứ mân mê những vân ốc nằm dưới chân đền thờ mà gật gù như thế.
(Còn nữa)