Nỗi lo thuê trọ

Cùng với lo thi cử, nỗi lo thuê trọ là vấn đề phổ biến và căng thẳng đối với sinh viên. Đặc biệt với những sinh viên mới bắt đầu nhập học, để tìm được một chỗ ở thuận tiện cho việc học tập, lại vừa phù hợp mức tài chính, an toàn, sạch sẽ là điều không dễ dàng.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều bạn trẻ vất vả để tìm được một nơi thuê ở phù hợp. Ảnh: HẢI ANH
Nhiều bạn trẻ vất vả để tìm được một nơi thuê ở phù hợp. Ảnh: HẢI ANH

1/Một trong những nguyên nhân chính khiến việc thuê trọ trở nên khó khăn là giá cả. Nhiều chủ trọ tăng giá thuê mỗi năm hoặc sau mỗi học kỳ hoặc sau mỗi kỳ nghỉ mà không có giải thích rõ ràng, dẫn đến sinh viên phải trả giá tiền thuê trọ quá cao so khả năng tài chính. Những tháng đầu năm 2023, mức giá cho thuê của các nhà trọ, đặc biệt là các khu vực đông trường đại học như Chùa Láng, Cầu Giấy, Chùa Bộc, Trần Phú... đều tăng mạnh, lên tới hơn 33% so năm ngoái.

Trung bình, một sinh viên ở trọ phải bỏ ra số tiền từ 3 đến 4 triệu đồng cho một phòng trọ rộng khoảng 25m2, không có khu vực bếp riêng. Số tiền phải bỏ ra sẽ cao hơn nếu lựa chọn những phòng trọ dịch vụ cao cấp, chung cư tập thể hay chung cư mini có khu vực bếp riêng, phòng ngủ riêng. Chi phí đó chưa bao gồm tiền điện nước, dịch vụ phát sinh. Nếu muốn vừa tiện ích vừa có giá cả hợp lý sẽ phải ở ghép. “Em ra Hà Nội học từ năm 2018 và lúc đó chỉ mất khoảng 2 triệu đồng để thuê được phòng trọ cho hai người ở. Mức giá này khá là hợp lý đối với mức chu cấp của gia đình. Tuy nhiên, sau 4 năm thì bây giờ em đã phải chi trả 3 triệu đồng cho căn phòng ở ghép cùng hai bạn nữa, chưa kể các chi phí khác”, bạn Hoàng Minh Hiền (23 tuổi, Hà Nam) chia sẻ.

Thông thường, để tiết kiệm chi phí, sinh viên có thể ở ký túc xá (KTX), hoặc ở ghép đông người. Tuy nhiên, với lượng sinh viên nhập học, không phải học viên nào cũng có thể đăng ký một suất ở KTX, giờ giấc sinh hoạt tại KTX cũng bị hạn chế, thiếu tự do. Bên cạnh đó, việc ở ghép cũng phát sinh nhiều vấn đề tiêu cực như: mất cắp, không thống nhất được tiền chia nhà, người làm người không… Chính vì vậy, nhiều bạn trẻ vẫn cố gắng thuê cho mình một phòng ở riêng. Với nhiều phòng trọ tiện nghi và giá cao hơn (hay còn gọi là chung cư mini) sẽ đi kèm những dịch vụ tiện lợi như máy giặt, điều hòa, dịch vụ viễn thông...

Mỗi năm, lượng sinh viên các tỉnh ra Hà Nội học tập ngày một đông, chưa kể người lao động. Song, số nhà trọ xây mới không nhiều khiến cho cầu lớn hơn cung, tạo điều kiện cho các chủ trọ đẩy giá cho thuê cao hơn so trước đó. Cô Nguyễn Thị Thơm (chủ một căn nhà tập thể cũ cho thuê tại Thành Công, Đống Đa) đang rục rịch có kế hoạch tăng giá nhà, cho biết: “Tôi sẽ tăng 200 đến 350 nghìn đồng cho đồng bộ với mặt bằng chung. Thường thì khách làm hợp đồng dài hạn sẽ được ưu tiên hơn là khách thuê ngắn hạn, mỗi lần hết hợp đồng thì mới tăng chứ không phải tăng bất chợt”.

2/Tiền nhà trọ vốn đã là một khoản lớn trong danh sách chi tiêu của tân sinh viên. Khi giá phòng tăng đồng nghĩa với việc nhiều hơn những khó khăn mà các bạn sinh viên sẽ phải đối mặt. Đôi khi, giá phòng cao nhưng cơ sở vật chất không tương xứng, nhiều sinh viên vẫn phải cắn răng chấp nhận vì không có lựa chọn khác. Em Phan Hữu Việt (18 tuổi, Hưng Yên) cho biết, tháng sau em lên Hà Nội rồi mà giờ vẫn chưa tìm được nhà trọ thuê, những căn đầy đủ lại rất cao tiền. Phòng rẻ khoảng 1,6 triệu tới 2 triệu đồng thì không phải phòng nào cũng ổn.

Em Phạm Thanh Tùng (18 tuổi, Nam Định) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi đã phải dành cả tháng nay để tìm nhà, có cả những ngày xem bốn đến năm căn đều không ưng ý: ẩm thấp, thiếu an toàn, có nơi không có chỗ để xe… Rất vất vả để có thể tìm được một nơi ở phù hợp.

Tuy hiện tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền cọc nhà gần như đã được dẹp bỏ, nhưng vẫn để lại nhiều nỗi lo lắng cho gia đình và các sinh viên. Bởi nhẽ không phải ai cũng có điều kiện và thời gian để liên tục lên Hà Nội tìm nhà. Nhiều bạn đặt cọc nhà qua mạng và đến tận hôm nhập học mới lên nhận phòng. Rất nhiều trường hợp khi này mới vỡ lẽ bởi biết mình đã bị lừa.

Một nơi ở lý tưởng trước hết phải có giá cả phải chăng, sau đó là an ninh tốt và cơ sở vật chất tương đương với giá tiền bỏ ra. Lợi dụng những điều kiện này, nhiều cò mồi, môi giới đã tiếp cận qua những bài đăng trên mạng xã hội để giới thiệu nhà, đồng thời ăn phần trăm theo thỏa thuận với người cho thuê. Giá thuê nhà lúc đó cũng sẽ bị đội lên một phần mà chính người đi thuê sẽ phải chịu.

Để giảm bớt chi phí cho gia đình, nhiều sinh viên đã đi làm thêm ngoài giờ học từ năm nhất. Việc này cũng ít nhiều ảnh hưởng đến quá trình học hành và không bảo đảm được sức khỏe… Câu chuyện nhà ở cho sinh viên vì thế vẫn là nỗi lo canh cánh.