Những suy tưởng biếc xanh

“Tiếng chim xanh biếc” (NXB Hội Nhà văn, 2023) dung chứa bao cảm xúc hoài hương, những ký ức, mơ tưởng về con người và vùng miền của nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm.
0:00 / 0:00
0:00
Những suy tưởng biếc xanh

Tập thơ gồm có bốn phần: “Đêm Hội An”, “Khúc xuân phố biển”, “Biển xanh bóng núi”, “Chữ tri âm”. Những phần này được gắn kết với nhau dựa trên cái tứ “xanh” (Khúc chiều xanh, Tiếng chim xanh biếc, Phương trời xanh…). Đọc “Tiếng chim xanh biếc”, cảm giác như nỗi nhớ, niềm thương, những trầm ngâm, suy tư và ngay cả nỗi buồn của chủ thể trữ tình cũng mang màu hy vọng, không hề phô bày và róng riết, cũng chẳng bi lụy và xót xa. Những hoài niệm và xúc cảm cứ trào ra, tuôn chảy một cách tự nhiên, chân thật và đằm thắm.

Là người con của Quảng Nam, tác giả dành nhiều xúc cảm và nhớ thương trong 18 bài thơ ở phần mở đầu về quê hương của mình. Có những câu thơ trong bài “Đêm Hội An” ăm ắp kỷ niệm dịu ngọt và ấm áp về phố cổ và em: “Phố cổ chiều nay trẻ lạ lùng/Nụ cười em hòa tiếng mưa buông/Ấm áp bên nhau ly chè đậu/Chùa xa vang đến một hồi chuông/Quán nhỏ nhạc tình rung mây trắng/Phố cổ Hội An trẻ lạ thường”. Lại có, những câu thơ trong bài “Hội An mưa” thật đẹp và gợi hình, mở ra liên tưởng về một Hội An thân thương và mê đắm: “Hội An mưa tóc dài hẻm phố/Mưa như ngâu vạt áo trắng chiều/Phố cổ kính, thanh tân em, mai mốt/Đôi tay buồn quạnh quẽ thương yêu”.

Gắn bó và làm việc ở Đà Nẵng, Nguyễn Nho Khiêm cũng dành tình cảm, kỷ niệm của mình về phố biển ở phần hai - “Khúc xuân phố biển”. Trong phần này, nhà thơ đã tái hiện hình ảnh, nhắc đến nhiều địa danh thân thuộc của Đà Nẵng. Những cái tên Hòa Bắc, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, biển Tiên Sa, Mỹ Khê, sông Hàn… hiện lên trong những câu từ mộc mạc và tinh tế, kết hợp cùng những hình ảnh lạ và quen, gần gũi và mơ màng. Trong bài “Khúc xuân Hòa Bắc”, người đọc ngỡ như đang lạc vào khu vườn cổ tích có nàng tiên làm thi nhân thổn thức, nhung nhớ: “Ngày xuống chậm thả một vài giọt nhớ/Vườn Hội Yên hoa cỏ hương xanh/Có nàng tiên mộng mơ áo lụa/Đi qua ngàn lối nhớ, ngõ thương”. Khung cảnh của Đà Nẵng trở nên thơ mộng và gợi tình khi có anh, có em hòa điệu cùng cảnh sắc thiên nhiên.

Với “Tiếng chim xanh biếc”, Nguyễn Nho Khiêm đã thả cảm xúc, suy tư, gợi tưởng của mình thông qua những hình ảnh giản dị, gần gũi bằng vốn sống và sự trải nghiệm phong phú. Nhờ thế, “Tiếng chim xanh biếc” không rộn ràng, không ám ảnh, mà vẫn quyến luyến người đọc ở sự bình yên và nhẹ nhàng.