Những người đón bão

“Ở đảo mà bão to thì chỉ có vào hầm trú ẩn thôi, nhưng trạm khí tượng hải văn không được có hầm, chỉ có một căn nhà kiên cố, bão to mấy cũng phải ở đây làm”, trạm trưởng Trạm Khí tượng hải văn Cồn Cỏ (Quảng Trị) cười.
0:00 / 0:00
0:00
Theo dõi số liệu tại Trạm Khí tượng hải văn Song Tử Tây.
Theo dõi số liệu tại Trạm Khí tượng hải văn Song Tử Tây.

1. “Cứ để ý chỗ nào gió nhất đảo thì chỗ đó đặt trạm khí tượng”, Phạm Viết Huy gật gù. Mà quả thật, câu chuyện của chúng tôi lắm lúc bị át đi bởi tiếng gió, dù tiết trời tháng 4 biển lặng. Vị trí này ở Cồn Cỏ, đó là nơi quan sát được cả ba mặt, đón đầu các hướng bão của Thái Bình Dương. Biển Đông có cơn bão nào, Cồn Cỏ hứng cơn bão đó.

Trạm Khí tượng hải văn Cồn Cỏ thuộc Đài Khí tượng thủy văn khu vực miền Trung Trung Bộ, vẫn truyền tai nhau câu chuyện về một nhân viên khí tượng trẻ năm 2004. Cậu nhân viên cũng con nhà nòi, vừa ra đảo nhận nhiệm vụ đầy háo hức thì gặp ngay cơn bão to đầu đời. Bão giật tung cả chốt cửa, chỉ chực thổi bay anh thanh niên đang vừa làm việc vừa run. Cơn bão đi qua, cậu gọi về cho mẹ - cũng là nhân viên đang trực tại một trạm khí tượng ở Quảng Bình, chỉ để thốt lên: “Mẹ ơi, con sống rồi”.

Nhiều năm qua đi, những người ở đây đã không nhớ nổi mình trải qua bao nhiêu trận bão. Nhưng cảm giác “sống rồi” sau mỗi cơn bão thì vẫn còn nguyên đó. Bão giật cấp 10 trở lên là dân trên đảo được điều động vào hầm. Nhưng trạm khí tượng thì “không được phép có hầm”, chỉ có một căn nhà kiên cố để làm việc trong những trường hợp đặc biệt, tường dày hơn. Huy chỉ căn nhà cũ, mà nếu bằng mắt thường, chúng tôi cũng không thấy mấy sự khác biệt với căn nhà khác, bảo đó là nhà kiên cố. Căn nhà ấy cũng mới được xây độ chục năm nay. “Bão năm 2013 cũng mạnh đó, gió cấp 12, sóng đánh qua cả bờ kè, sạt lở cả đường bê-tông của đảo”, Huy nhớ lại. Huy bảo nếu có đến siêu bão thì chắc cũng phải xin ý kiến để anh em vào hầm trú ẩn, nhưng từng ấy năm, nhân viên trên trạm đều nói may mắn cũng chưa gặp cơn siêu bão nào thế. Cho dù chuyện bão quét qua tan hoang cả đảo, trụ sóng gãy gập, nước biển đánh tận sân trạm là chuyện thường rồi. Nguyễn Trọng Vọng, nhân viên khí tượng đảo kể vài năm trước, bão đến vẫn phải ra ngoài ghi số liệu. Tới lúc gió quật đổ hết cây, chắn luôn lối đi, mấy anh em đành ở lại trạm, không kịp vào nhà kiên cố.

“Bão là làm việc 24/24 giờ, cần cung cấp số liệu cho trung tâm khí tượng ngoài bờ, lúc nào mình cũng phải theo dõi xem mức độ giảm, tâm bão nằm vị trí nào, di chuyển hướng nào”, Huy mô tả, “Biết là cần an toàn, nhưng số liệu vẫn quan trọng”. Dù hiện giờ có hệ thống lấy số liệu tự động nhưng thực tế vẫn cần phải ra quan trắc, lúc nào cũng cần người ra đo. Ngày bão, một người đi đo số liệu, một người đánh máy báo cáo, còn một người giữ cửa trước những cơn lốc liên tục đập ầm ầm chỉ chực hất tung cả căn nhà lên. Đến mì ăn liền có khi cũng phải ăn sống vì chẳng ai đủ thời gian mà đun ấm nước sôi pha mì. Quanh họ là mì ăn liền, bánh kẹo, mấy anh em chỉ xoay quanh căn nhà và ngoài trạm quan trắc, cứ thế qua cả nghìn cơn bão. Ở Cồn Cỏ, trạm khí tượng nằm ở vị trí biệt lập. Không ai chọn sống ở mạn gió tạt này. Mùa biển động nếu không lo bão thì cũng khó ngủ với tiếng gió và tiếng sóng đập.

2. Đặt chân tới Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa), nghe Hoàng Văn Minh gọi, tôi hơi ngỡ ngàng. 11 năm trước gặp nhau tại Trường Sa, Minh mới 25 tuổi, lần đầu nhận công việc là trạm trưởng Trạm Khí tượng hải văn Trường Sa.

Huyện đảo Trường Sa có hai Trung tâm Khí tượng hải văn thuộc Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung Bộ, đặt tại đảo Song Tử Tây và đảo Trường Sa. Năm đó trạm Trường Sa toàn người trẻ măng, đều ở lứa 20 căng đầy nhiệt huyết, đều thuộc thế hệ 8X, lớn tuổi nhất cũng chưa tới 30. Cuộc sống của những thanh niên là những giờ trực, gọi là đi ốp. Minh của 11 năm sau, ở Trạm Khí tượng hải văn Song Tử Tây với bốn anh em, già dặn hơn nhiều: “Nhưng vẫn là ngày tám lần, ba tiếng một lần đi ốp”.

Năm 2011 ở Trường Sa, chúng tôi đã thắp hương trên bàn thờ một đồng nghiệp của Minh - Hoàng Văn Nghĩa vào dịp giỗ đầu của anh. Nghĩa nằm lại mãi ở Trường Sa khi mới vừa 25 tuổi, trong một lần đi đo nước biển giữa cơn giông. Hôm đó, Nghĩa ra cầu cảng làm công việc đo đạc đã quen. Sóng dữ trùm lên cuốn chàng trai 25 tuổi vào lòng biển. Mãi tới 2020, Nghĩa mới được đưa về bờ với gia đình. Nghĩa mất, Trần Văn Linh được cử ra thay, bởi việc đo sóng đo gió vẫn cứ phải tiếp tục. Linh khi ấy mới hoàn thành nhiệm vụ 3 năm ở Trường Sa, lại tiếp tục ra đảo thêm một lần nữa, lại đi biền biệt.

Dân khí tượng ngoài Trường Sa bây giờ dễ thở hơn trước, anh em bảo vậy. Chục năm trước, tàu ra đảo có khi mất 10 ngày, đến gần đảo mà còn phải loanh quanh chờ gió. Mai Phương Nam, nhân viên khí tượng từng vài lần chinh chiến Trường Sa kể không thể quên lần đầu theo tàu ra đảo. Tàu quần đảo chục ngày chưa lên được Song Tử Tây. Bộ đội còn trải qua huấn luyện, chứ anh em khí tượng cũng hoang mang, không hiểu làm sao mà trôi qua ba năm đằng đẵng. Giờ thời gian đi đảo rút ngắn, công việc cũng có thêm nhiều máy móc hiện đại, nhưng có những thứ vẫn phải làm thủ công, vẫn phải tự đi đo đạc giữa trời giông gió. Mà đảo tiền tiêu, bao giờ gió bão cũng khốc liệt hơn bình thường. Năm 2021, Nam đón cơn bão số 9 mạnh chưa từng thấy quét qua Song Tử Tây, ba phần tư cây cối trên đảo đổ gục. Cột đo gió bị gãy, hệ thống quan trắc gián đoạn, anh em khí tượng phải đo bằng cách thủ công nhất: nhìn chuyển động của lá cây để ước lượng sức gió.

3. “Ba năm Trường Sa xong cũng nghĩ thôi về bờ hẳn, nhưng cơ quan thiếu người, mình lại được cử đi”, Hoàng Văn Minh giải thích cho ba lần đi đảo. So với nhiều người cùng độ tuổi, Minh cũng quen mặt, quen tên ở Trường Sa. Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung Bộ giờ thiếu tận 40 biên chế, nên nhân viên kỳ cựu như Minh phải xoay vòng. Từ đảo Trường Sa về, năm 2018, Hoàng Minh lại ra Song Tử Tây một năm, tới 2022 lại thêm lần thứ hai ra Song Tử Tây. Ngày đó một lần ra đảo là đi một mạch ba năm liền không về thăm nhà. “Không ốm là mừng, chả nghĩ gì”, Hoàng Văn Minh của ngày đó nhớ lại, “Xưa đi ba năm, giờ đi một năm thôi”. Hôm chúng tôi ở Song Tử Tây, mưa tầm tã, chúng tôi tránh mưa trong nhà, còn nhân viên khí tượng một người vẫn đang đi ốp, một người vẫn khoác áo ra cầu cảng.

Cồn Cỏ, dù trong lịch sử từng là điểm xuất khẩu nước ngọt của người Chăm đi khắp Biển Đông, thì cũng như đa phần các đảo xa bờ, đều ở trong thừa nắng gió, và thiếu nước ngọt. Nói như Huy thì đi khắp các trạm khí tượng Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Cồn Cỏ vẫn vất vả nhất. Mỗi mùa có cái khổ của mùa đó. Mùa bão thì bận đã đành, còn không có tàu bè, thiếu đồ tiếp tế. Mùa khô thì thiếu nước. Anh em khí tượng, ít nhất cũng 3-4 năm bám rễ ở hòn đảo này. Có người để vợ con trong bờ, có người mải đo bão, quên luôn cả đo tình duyên đời mình. Bản thân Huy là trạm trưởng Cồn Cỏ đã 4 năm.

Nguyễn Trọng Vọng có thể xem như thâm niên lâu nhất ở trạm Cồn Cỏ. Năm 2004, lần đầu ra Cồn Cỏ, đi một mạch 5 năm, đảo còn chưa có điện. Một năm trời mới có chuyến tàu cá ra đảo chở Vọng về thăm nhà. Mà mỗi chuyến tàu ra vào đảo, cũng đầy trắc trở, trời quang mây tạnh thì nửa ngày đến bờ, gặp hôm sương mù, tàu máy móc thô sơ định vị kém, đi lạc ra tận Quảng Bình là bình thường. Thời gian nghỉ ở nhà lại ngắn đi thêm một ngày vì đi lạc. Có bận bão, Vọng đợi ở cảng Cửa Tùng cả tháng: “Hồi ấy đi về là phải căn ngày có tàu, mình ra cảng mà không đúng ngày có tàu thì ở nhà người dân rồi đợi, bao giờ có tàu thì mình ra đảo”. Hồi đó đâu có điện thoại di động, chẳng có cách nào liên lạc, cứ đi hú họa thế rồi chờ đợi. Nhiều người quê tận Bắc Ninh, Hà Tĩnh, mỗi lần ra đảo là loanh quanh mất luôn ngày phép. “Thế đã là gì, bộ đội trên đảo còn khổ hơn. Có anh người thân mất mà chẳng biết gì, tới xem tivi phát tin buồn mới biết”, Vọng nhớ lại. Mà cả bây giờ, khi các phương tiện hiện đại đã sẵn, mà mỗi mùa cuối năm biển động, tàu bé ngừng ra biển, có nhớ nhà cũng đành chịu. Mãi tới 2015 Cồn Cỏ mới có điện từ mấy cái máy phát và cũng phải tới 2017 điện mới ổn định trên toàn đảo. “Thì anh em thay nhau, lâu lâu luân phiên cho người chuyển về bờ một thời gian”, Huy cười và bổ sung “Gọi là khổ thì mỗi ông hưởng một tí”.

Đảo giờ tàu bè ra đảo nhiều hơn, anh em cũng quen hơn với những ngày xa nhà. Nhưng “Đảo quanh năm vẫn thế”, Minh nhắc lại câu nói 11 năm trước và vẫn cười. Gió bão quanh năm vẫn thế, những giờ ốp cũng vẫn thế. “Không phải bão mạnh hơn ngày xưa đâu, là giờ máy móc hiện đại đo đạc chính xác cao hơn thôi”, Huy bảo.

Ngày 23 tháng 3, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) và cộng đồng khí tượng Quốc tế kỷ niệm “Ngày Khí tượng thế giới”. Ngày này năm 1950, Công ước WMO chính thức có hiệu lực, đánh dấu sự kiện WMO kế thừa nhiệm vụ của Tổ chức Khí tượng quốc tế (IMO) nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực Khí tượng để bảo đảm tính mạng và tài sản của con người.

Chủ đề Ngày Khí tượng thế giới năm nay là “Thời tiết, khí hậu và nước - Tương lai qua các thế hệ”.