1/Diễn ra từ ngày 10 đến 14/3, Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, được tổ chức tại thành phố Buôn Ma Thuột và một số địa phương của tỉnh Đắk Lắk. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn Y Si Thắt Ksơr, Hội voi sẽ không thi voi chạy, voi bơi, voi đá bóng hoặc thi kéo co giữa voi với người... Thay vào đó, huyện sẽ tổ chức lễ cúng bến nước và lễ cúng sức khỏe cho voi, thi trang điểm cho voi, tiệc buffet cho voi, thi voi chào khán giả, chụp hình với voi… Còn theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Thái Hồng Hà, Lễ hội đường phố trong khuôn khổ Lễ hội Cà-phê sẽ không sử dụng voi để phục vụ lễ hội, diễu hành trên đường phố.
Việc đổi mới này nhằm thực hiện nội dung ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác 5 năm giữa UBND tỉnh Đắk Lắk và Tổ chức Động vật Châu Á (AAF) về chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi. Địa phương mong rằng những thay đổi này sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân, du khách về công tác bảo tồn, chăm sóc đàn voi nhà hiện có trên địa bàn huyện Buôn Đôn và tỉnh Đắk Lắk; tôn vinh truyền thống săn bắt và thuần dưỡng voi rừng.
2/Được biết, hình thức cưỡi voi tại Trung tâm Du lịch Cầu treo Buôn Đôn đã dừng từ ngày 10/2/2023 để chuyển sang sử dụng sản phẩm du lịch thân thiện với voi và các sản phẩm khác. Trước đó, UBND tỉnh Đắk Lắk đã phê duyệt Dự án hỗ trợ kỹ thuật việc thực hiện chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi trên địa bàn tỉnh, do Tổ chức Động vật châu Á tài trợ. Tổng giá trị khoản viện trợ là 55 tỷ 452 triệu đồng, tương đương 2,43 triệu USD, nhằm triển khai mô hình hoạt động du lịch thân thiện với voi, chấm dứt các hoạt động du lịch cưỡi voi và nâng cao phúc lợi cho các cá thể voi nhà và duy trì, bảo tồn quần thể voi nhà trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Dự án sẽ thực hiện trên địa bàn huyện Buôn Đôn và huyện Lắk, mở ra kỳ vọng đàn voi nhà được bảo tồn, chăm sóc, bảo đảm phúc lợi, kéo dài tuổi thọ. Cùng với đó, chủ và nài voi được bù đắp nguồn thu nhập bị thiếu hụt do dừng phục vụ cưỡi voi; các trung tâm du lịch được hỗ trợ kỹ thuật để chuyển đổi sang mô hình du lịch thân thiện với voi. Ngoài ra trong dự án sẽ có việc thành lập hợp tác xã du lịch nhằm quản lý, vận hành mô hình du lịch thân thiện với voi tại huyện Lắk. Dự án cũng sẽ có các hoạt động giáo dục, nâng cao nhận thức bảo vệ và bảo tồn loài voi hướng tới các tầng lớp xã hội, cộng đồng. Thời gian thực hiện dự án này từ tháng 11/2022 đến tháng 12/2026, triển khai trên địa bàn huyện Buôn Đôn gồm: Vườn quốc gia Yok Đôn; Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý bảo vệ rừng; các công ty du lịch đang hoạt động trên địa bàn huyện; trên địa bàn huyện Lắk gồm: Ban Quản lý rừng lịch sử-văn hóa-môi trường hồ Lắk.
3/Các thông tin về việc dừng kinh doanh hoạt động cưỡi voi, thay đổi hình thức hoạt động với voi trong Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 đang được dư luận trong và ngoài địa phương đồng tình, đánh giá cao. Song song đó, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các sở, ngành và các địa phương trong tỉnh thực hiện nghiêm túc việc thực hiện nội dung ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác 5 năm giữa UBND tỉnh Đắk Lắk và Tổ chức Động vật Châu Á (AAF).
Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk chỉ còn 36 con voi nhà và khoảng 80 đến 100 con voi rừng. Để bảo tồn đàn voi nhà, HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều về chính sách bảo tồn voi. Cụ thể, hỗ trợ 500 nghìn đồng/chủ voi cái/ngày và 600 nghìn đồng/chủ voi đực/ngày trong thời gian 30 ngày voi gặp gỡ, giao phối. Thời gian voi mang thai và sinh sản, hỗ trợ 300 nghìn đồng/ngày trong 10 tháng đầu thai kỳ; 600 nghìn đồng/ngày từ tháng 11 thai kỳ đến tháng thứ 6 sau khi voi sinh con. Ngoài ra, nài chăm sóc voi trong thời gian voi giao phối, sinh sản, nuôi con được hỗ trợ 200 nghìn đồng/ngày trong 29 tháng đối với nài voi cái và 30 ngày đối với nài voi đực...