Những chuyện cảm động về ngày lễ

“8/3 mà cũng bán hả chị Nga? Chi cực vậy? Sao không ở nhà để chồng chở đi chơi, tặng hoa”. Đang chuẩn bị nguyên liệu nấu nướng, nghe hàng xóm chọc ghẹo, chị Lê Thị Thanh Nga (chủ tiệm cơm bình dân tại TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) cười vang. Ngưng tay gọt rổ rau củ, chị nói với sang “Câu nệ chi ba ngày lễ. Làm việc vẫn vui như thường mà”.
0:00 / 0:00
0:00
Với phụ nữ, sự yêu thương, chia sẻ lớn hơn mọi món quà.
Với phụ nữ, sự yêu thương, chia sẻ lớn hơn mọi món quà.

Lâu lắm rồi không nghĩ đến hoa

Cưới nhau hơn 20 năm, chưa bao giờ chồng tặng hoa, thành quen, chị Nga chẳng quan tâm đến các ngày lễ. Với người đàn bà quê gốc miền trung này, chỉ có dịp Tết Nguyên đán là đặc biệt, còn lại ngày nào mọi thứ cũng diễn ra êm đềm, không lãng mạn cũng chẳng cãi nhau. Một ngày của chị bắt đầu từ 5 giờ sáng bằng việc nhận hàng, chuẩn bị thịt cá, rau củ để nấu hơn 400 suất cơm bán cho công nhân, sinh viên. Bán xong lại cùng chồng dọn dẹp, lo mua này sắm kia cho buổi bán hôm sau. Đến tối lại lo cơm nước, nghỉ ngơi, chợp mắt chút là hết ngày. “Công việc cứ lặp đi lặp lại, vậy mà tôi có thấy buồn đâu. Không hoa, không quà nhưng chỉ cần hết mấy cuốc giao hàng, chồng tôi khi nào cũng vội vàng về phụ vợ dọn dẹp, rửa chén. Thấy ông ấy cực quá, tôi hay gợi ý thuê người giúp vì khách đông nhưng chưa bao giờ chồng tôi đồng ý. Ông ấy nói, tiết kiệm tiền để xây cho tôi căn nhà lớn hơn rồi trồng cả vườn hoa cho tôi ngắm mỗi ngày. Nghe vậy thì buồn gì nữa”, chị Nga nhoẻn miệng cười, lộ những nếp nhăn xếp lớp nơi khóe mắt.

Nhỏ nhắn, xinh xắn, thời thiếu nữ chị Nga được nhiều người theo đuổi, mấy ngày lễ cũng từng toàn quà và hoa. Lúc mới nhận lời yêu anh Thái, chị cũng thấy bất ngờ, hụt hẫng lắm vì nghĩ rằng chồng chẳng quan tâm. Nhưng ở gần nhau lâu, chị biết, bề ngoài anh không ngọt ngào nhưng luôn dành những điều tốt nhất cho chị. Chị không biết chạy xe máy, đi đâu anh đều chở. Toàn bộ hàng hóa trong tiệm, anh là người chạy đi mua. Khách đặt cơm, anh đi giao. Bán xong, anh giành hết phần dọn dẹp phần nặng chỉ để chị quét lau nhà vì biết vợ cần nghỉ ngơi. Bữa nào chị mệt, anh ngưng giao hàng, đứng bán chính. Từ Bình Định vào TP Hồ Chí Minh làm thuê, giờ vợ chồng chị đã có căn nhà nhỏ, sống êm đềm với thu nhập ổn định hằng tháng. Con cái ở xa, thi thoảng vào thăm, hay ghẹo “Nhìn âm thầm vầy mà thương nhau nhất xứ”. Với chị Nga, hạnh phúc là được cùng chồng dựng xây cuộc sống bình yên chứ chẳng cần “đòi quà”. Bao nhiêu điều tốt đẹp anh dành tặng chị hết rồi còn đâu.

Ngày thường kinh doanh cây cảnh nhưng đến các dịp lễ, chị Nguyễn Bích Lệ (53 tuổi, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) lại xếp thêm cái bàn trước tiệm, cắm hoa bán cho khách vãng lai. Chị Lệ cắm khéo, lẵng hoa nào khách cũng khen đẹp. Mỗi phần hoa trước khi giao đi, chị đều đính kèm một tấm thiệp thủ công và dặn người tặng viết tay mấy câu chúc chân thành nhất. Nếu khách ngại, chị sẵn sàng viết giúp. Chị Lệ chia sẻ: “Tôi biết phụ nữ nào cũng thích được tặng hoa và những lời chúc tốt đẹp nhất trong ngày lễ, ngày kỷ niệm hay sinh nhật. Vậy nên những dịp lễ quan trọng, thay vì đi chơi, chờ đợi nhận quà, tôi chọn làm việc này vì muốn cùng tạo nên niềm vui cho những phụ nữ khác chung quanh mình. Nhờ mấy giỏ hoa, tấm thiệp này mà biết bao anh thể hiện được tình cảm với bạn gái và vợ mình, quay lại cảm ơn rối rít”.

Bán hoa ngày lễ đồng nghĩa với việc chị Lệ luôn tất bật vào những dịp đáng lẽ dành thì giờ đi chơi, ăn uống với chồng con. Ngày 8/3 hay lễ tình nhân năm nào chị cũng về nhà lúc 11, 12 giờ khuya, mệt lả, có khi tắt tiếng do giao tiếp quá nhiều. Ban đầu lắm lúc cũng chạnh lòng khi thấy người ta ngọt ngào, lãng mạn với nhau nhưng sau hơn 10 năm chuyên bán hoa dịp lễ, chị lại thấy công việc của mình ý nghĩa. Bớt một chút niềm vui riêng nhưng lại được chung tay vun vén cho niềm vui chung của nhiều cặp đôi, với chị Lệ đó là điều hạnh phúc. Và vì bán hoa nên chị luôn dặn chồng “Đừng tặng hoa cho em làm gì, tốn kém”. Bù lại, quà cho chị thường là những món rất dễ thương như ly

cà-phê sữa, tô mì trộn hay bọc hủ tíu, trái cây. Chị Lệ dùng hoa và những lời chúc tốt lành của mình lan tỏa, kết nối yêu thương và nhận về những lời cảm ơn từ khách trong các dịp đặc biệt. Chị nói, khách vui là mình vui, cái nghề nhờ vậy thành thú vị.

Những chuyện cảm động về ngày lễ ảnh 1

Vui với điều bé mọn

Ngày 8/3 năm nay của chị Tạ Ngọc Hân (quận 7) cũng như mọi năm, bắt đầu từ 4 giờ sáng với các công đoạn tất bật chuẩn bị cho xe bánh mì đặt gần khu chế xuất. Lâu lắm rồi chị Hân không có khái niệm ngày lễ, cứ tất bật từ sáng đến khuya với ba, bốn đầu việc để kiếm tiền nuôi con, phụ chồng trả nợ. Xong việc này qua việc kia, có lúc mệt quá, chị Hân bật khóc. “Những lúc việc chồng việc, nợ chồng nợ, thấy đời mình sao kém may, muốn trốn đi đâu đó cho nhẹ lòng. Nhưng rồi nhìn chồng, nhìn con, lại thương, lại cố gắng. Mình không may mắn nên con cái ốm yếu, ra vào viện liên miên, làm bao nhiêu cũng chẳng đủ. May là vẫn còn căn nhà nhỏ, còn thấy chồng con mỗi ngày”, chị Hân nói, giọng bùi ngùi.

Hơn chín giờ sáng, khi dọn hàng về đón con đi khám bệnh, chị Hân thấy mắt mình cay xè. Lần này chị khóc vì vui mừng, xúc động. Trong ngăn tủ nhỏ đựng tiền bán hàng trong ngày, chị Hân phát hiện có gói quà bé xíu kèm tấm giấy ghi hai chữ nguệch ngoạc “Tặng vợ”. Vội vàng mở ra, chị thấy bên trong là chiếc nhẫn bạc bên trên đính hạt ngọc nhỏ xíu mầu xanh da trời, đúng mầu chị yêu thích. Điện thoại báo có tin nhắn tới, những dòng chữ nhòe trong mắt chị: “Cảm ơn vợ vì luôn bên cạnh ba con anh! Chúng ta sẽ cùng cố gắng, vợ nhé!”. Chị Hân kể, đây là món quà 8/3 đầu tiên chị nhận sau lễ cưới, từ ngày gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Chiếc nhẫn giá trị không cao nhưng chị biết đó là tất cả tấm lòng chồng trao tặng. Trên đôi tay rám nắng, nhăn nheo của người phụ nữ vừa bước qua tuổi 45, hôm nay, có món quà lấp lánh niềm vui. Lâu lắm rồi, người quen mới thấy nụ cười tươi rói của cô chủ xe bánh mì.

Không chồng con cũng chẳng người yêu, hai năm nay, những dịp lễ với Nguyễn Ngọc Mai (20 tuổi, quận Bình Thạnh) là thời điểm tích cực tăng ca kiếm tiền trang trải chuyện học hành. Nhà Mai không nghèo nhưng ngay từ khi vào đại học, cô nàng đã chủ động đi làm thêm để phụ giúp ba mẹ, đồng thời tích lũy kinh nghiệm cần thiết trước khi ra trường. Phụ việc cùng lúc cho một quán ăn và quán cà-phê gần trường, lịch học và làm việc của Mai luôn dày đặc. Sát lễ, bạn bè thường bàn nhau “Tặng gì cho người yêu” hoặc “Đi ăn ở đâu, đi chơi ở đâu cho đặc biệt”, Mai chẳng bận tâm lắm đến những ngày này. Khi rảnh, em hay gọi về nhà trò chuyện với mẹ cha, dắt mèo đi dạo và đọc sách. Bao nhiêu tiền kiếm được Mai cất trong tài khoản, chắt chiu từng khoản nhỏ. Vào dịp đặc biệt nhất trong năm là sinh nhật ba mẹ, Mai sẽ về thăm, mua kèm mấy món cần thiết cho sức khỏe của người cao tuổi.

Cô bạn chung phòng trọ nhắn tin “Ngày lễ đi làm thật vui nha bạn hiền! Tối về ăn cơm”. Cầm điện thoại, Mai cười tươi. Với Mai, sự quan tâm đó là món quà rất lớn, đâu nhất thiết phải hoa hay thú nhồi bông, mỹ phẩm… Hôm nay, Mai đăng ký tăng ca đến 10 giờ 30 phút tối để cuối tuần tranh thủ ngày nghỉ về thăm nhà ở Bến Tre. Ngồi trong quán thấy khách rộn ràng tặng quà, chúc tụng nhau, Mai quay sang nói nhỏ với chị bạn đồng nghiệp: “Không biết mọi người thấy buồn hay vui nhưng với em, đi làm mấy dịp lễ là trải nghiệm khá thú vị. Những ngày này mọi người thường dành cho nhau nhiều lời nói, cử chỉ nhẹ nhàng khiến không gian chung quanh vui lây. Sau này, nếu có người yêu, em cũng không quan trọng phải tặng hoa hay quà đâu, miễn là biết quan tâm, chia sẻ với nhau thì ngày nào cũng vui như lễ, Tết. Như mẹ em vậy, có bao giờ em thấy bà nhắc khéo chồng tặng quà đâu. Ba mẹ vẫn tìm cách yêu thương, chăm sóc nhau, món quà ấy có hoa nào so sánh được”.