Những câu hỏi ngỏ

Tròn một năm sau ngày du lịch Việt Nam mở cửa trở lại sau đại dịch, những ghi nhận tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch 2023 với chủ đề "Đẩy nhanh phục hồi- Tăng tốc phát triển" sáng 15/3, cho thấy, nhiều vấn đề mang tính mấu chốt đã được nhìn nhận và đề cập từ nhiều năm trở lại đây của du lịch nói riêng, ngành văn hóa và tư duy liên ngành phát triển kinh tế từ sản phẩm văn hóa nói chung, vẫn chưa được nhìn nhận thấu đáo và bền vững.
0:00 / 0:00
0:00

"Đi trước nhưng về chậm" là đánh giá thẳng thắn của tư lệnh ngành văn hóa, thể thao và du lịch- Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tại hội nghị. Bên cạnh các nguyên nhân mang tính khách quan như việc phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch và xung đột, vấn đề chất lượng sản phẩm du lịch cũng như khả năng nắm bắt và sáng tạo sản phẩm để dẫn dắt nhu cầu du khách của đội ngũ nhân lực làm du lịch đã được nhìn nhận. Dẫu vậy, cũng không thể dồn hết những tồn tại cho riêng ngành du lịch, sau những tổn thất nặng nề bởi hai năm đại dịch đã làm suy yếu trầm trọng cả chất lượng nhân lực và cơ sở hạ tầng của lĩnh vực này.

Sự lỡ nhịp đón làn sóng du khách trở lại sau đại dịch, thực tế, không phải là điều quá bất ngờ, với những người am hiểu và giữ được cái nhìn không quá lạc quan về hoạt động của du lịch Việt Nam từ nhiều năm nay. Nếu có thể tự đặt mình vào vị trí của du khách quốc tế, sẽ thấy chất lượng sản phẩm du lịch của chúng ta dù từng bước được nâng cao và mở rộng về số lượng, vẫn là quá ít ỏi và nghèo nàn so với nhu cầu của những đối tượng khách du lịch từ các thị trường chất lượng cao mà chúng ta đang mong muốn hướng đến. Thực tế, chúng ta vẫn đang mang những cái mình có để đưa ra mời khách, chứ chưa sáng tạo nên được nhiều sản phẩm vừa có dấu ấn đặc sắc của Việt Nam, vừa tạo được sự hấp dẫn và đạt tính chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế. Sự đo đếm lượng khách trở lại- câu chuyện vẫn đang làm đau đầu những người làm du lịch, chính là thước đo căn bản nhất cho sức hút của du lịch Việt Nam.

Và bởi vậy, cùng với những giải pháp về điều chỉnh quy định cấp visa, điều kiện lưu trú, các hoạt động xúc tiến, quảng bá… thì những đầu tư mang tính căn bản để nâng cao chất lượng sản phẩm và sự chuyên nghiệp của cả hệ thống là điều cần được đặt đúng tầm mức hơn nữa.