Ngược thượng nguồn:

Nhớ đò Bang ngày cũ

Bến đò Bang giờ chỉ còn trong ký ức của người dân hai bên bờ sông Bang, một bên là xã Thống Nhất thuộc huyện miền núi Hoành Bồ cũ và xã Hà Khánh bên này thuộc thành phố Hạ Long. Sông Bang bắt nguồn từ mái núi phía nam cánh cung Đông Triều (Quảng Ninh) và chảy vào vịnh Cửa Lục. 

Bến đò Bang ngày ấy, nay lau lách kín bờ.
Bến đò Bang ngày ấy, nay lau lách kín bờ.

Hú vía từ chuyến đò ngang

Sớm nay tôi lại qua cầu Bang.  Mùa hè nắng lên rất sớm. 

Đò Bang cho tôi nhiều kỷ niệm. Vị trí đò Bang giờ lấp trong lau lách bời bời của dự án đô thị tuổi đời trên dưới 20 năm rồi, nhưng vẫn chưa thể hiện ra cái diện mạo mới như mô hình dự án vẽ.

Dòng sông đang lúc triều vơi, dù nước cạn nhưng vẫn lộng gió hai bên bờ. Những vầng mây trắng nhởn nhơ, tạo nên khung cảnh hùng vĩ của sông Bang. Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh tọa bên bờ sông vươn lên hai ống khói trong sương sớm. Cầu Bang những chiếc xe nối nhau đi qua, rồi như mất hút về những ngả đường khác, chỉ còn lại cây cầu trong khoảnh khắc thanh bình nối đôi bờ sông Bang…

Mỗi bận đi qua cầu Bang, tôi luôn mông lung nhìn hướng dòng sông chảy, khi lúc hoàng hôn rực đám mây vàng lơ lửng, khi một ban mai đi qua vần vũ cơn giông cửa biển, những vầng mây trắng khổng lồ kéo nhau đi qua. Mỗi khi như thế, tôi lại mường tượng ra con đò năm xưa nhọc nhằn qua khúc sông này. Rồi thời gian, đò chèo tay chuyển đò máy. Trên những con đò ấy chất đầy rau cá, lương thực... cung cấp cho thị xã vùng than đủ mọi nhu yếu phẩm từ đồng đất Hoành Bồ…

Dù bây giờ, mỗi khi đi qua cây cầu Bang vắt qua hai bờ rất vững chãi, phía Hà Khánh là Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh, bên phía Hoành Bồ là trường cao đẳng dạy nghề và khu tập thể nhà máy điện, và cơ man khu đô thị đã đầu tư cơ sở hạ tầng nhưng chưa có dân ở. Cây cầu góp phần  tạo nên con đường giao thông thuận lợi cho phía bắc thành phố Hạ Long nối liền với các huyện ở Quảng Ninh theo trục đường cao tốc mới làm…

Tôi vẫn nhớ hình ảnh những chuyến đò máy đi ngang khúc sông này, đang ngơ ngẩn, có tiếng người gọi mình phía sau. Cũng mất một lúc mới nhận ra người đàn ông ấy, anh Nguyễn Văn Mừng, quê Hải Dương, xưa bán hàng giải khát bên bến đò Bang. Anh Mừng kể chuyện: “Cô vẫn chưa quên, tôi thì vẫn nhớ. Những xe đạp thồ lặc lè hai bên là cây mía tím, một sản vật của vùng núi Hoành Bồ họ mang sang bên Hồng Gai bán”. 

Bắt lời anh, tôi nhắc, những xe rau, củ quả, lợn, gà và vô vàn các loại lương thực, thực phẩm khác của vùng đất trù phú bên sông đưa sang thị xã mỏ để cung cấp cho cư dân thợ mỏ.

Bến  đò Bang khi ấy hoang sơ, như là một cái bến bị bỏ quên, nhưng vẫn là cái bến đò cư dân hai bên bờ lựa chọn  để duy trì cuộc sống hằng ngày. Hơn 20 năm trước, vào đúng hôm trời mưa, nhưng nước sông vào cữ triều vơi, vì tay phụ nữ yếu, tôi đã suýt lao cả xe máy và người xuống sông Bang. May mà anh lái đò đã rất nhanh tay và khỏe khoắn lao ra, túm vào cái đuôi xe máy của tôi, kịp kéo xe tôi lại. Thật sự giờ nghĩ lại tôi vẫn còn cảm giác… hú vía. 

Khi xe và người đã yên ổn trên cái đò máy cũ kỹ ấy, tôi vẫn không thể hoàn hồn, tim tôi vẫn đập như trống báo vỡ đê. Khi sang bên kia Hoành Bồ, xong công việc bên đó, tôi đã không qua đò Bang nữa mà chọn con đường vòng vèo trở về thành phố Hạ Long, dù con đường đó có xa thêm mấy vòng cũng chấp nhận chứ không dám trở lại bến đò nữa. Thật sự là một kỷ niệm nhớ mãi trong đời làm báo với phương tiện là xe máy thần thánh.

Nhớ đò Bang ngày cũ -0
Cầu Bang thay đò Bang qua sông. 

Qua sông tôi bỗng nhớ... đò

Bẵng đi một thời gian thì tôi biết cầu Bang được xây. Con đường thông thương hai bên bờ sông Bang đã rất tiện lợi cho cư dân hai bên. Cái bến đò chỉ còn trong ký ức của nhiều người và tôi. Và cái kỷ niệm đi đò Bang cứ găm lại trong ký ức tôi, dù cái bến đò ấy đã là cầu nối giữa hai vùng đất rất gần nhau là Hoành Bồ và Hạ Long nhưng như người xưa nói là “gần nhà xa ngõ”. Cái thời “qua sông phải lụy đò” phiền toái đã lùi xa khi cây cầu Bang nối nhịp đôi bờ. Câu chuyện về cái bến đò và những chuyến đò qua lại bến Bang đã chìm vào cổ tích với cư dân mới của thành phố. 

Khúc sông Bang bên bờ địa bàn thành phố Hạ Long bây giờ đang hiện những tòa cao ốc mới, tiểu đô thị, đại đô thị của các doanh nghiệp đang xây dựng mọc lên san sát. Thêm nhiều cây cầu bắc qua dòng sông để nối hai bờ sông Bang. Cây cầu là niềm mong đợi của người dân hai bên Hoành Bồ và Hạ Long khi được hợp nhất cùng một tên gọi: Thành phố Hạ Long. Cây cầu Cửa Lục 1 hay gọi là cây cầu Tình Yêu đã xong, còn ba cây cầu sẽ tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới. Và những cây cầu này sẽ tạo nên một góc nhìn mới về một thành phố Hạ Long thế kỷ 21 năng động và tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội của huyện miền núi Hoành Bồ cũ, là điểm nhấn của thành phố Hạ Long hôm nay.

Nhưng đò Bang đối với tôi và nhiều cư dân đi qua hằng ngày trước khi có cầu Bang thì luôn là ký ức khó quên về một thời rất đỗi thương khó. Anh Nguyễn Văn Mừng đã mở một nhà hàng bên sông, cho hay: “Sông Bang là một trong sáu nhánh sông đổ ra cửa biển có tên là vịnh Cửa Lục và dân cư nơi đây quen gọi là Cửa Lục”.

Anh Mừng đang nói với khách đò ngày cũ là tôi mà vẫn như với khách mới về đây chưa thông thổ, thuộc dòng. Anh tiếp: “Chỉ mỗi khúc sông Bang này có bến đò Bang còn tồn tại đến cuối thế kỷ 20. Nơi đây còn có các địa danh gắn với tên dòng sông Bang. Như làng Bang, đò Bang, cầu Bang… là những dấu ấn văn hóa còn găm lại mãi ở mảnh đất này, dù thời đại có thay đổi bao nhiêu đi nữa, vẫn còn hồn vía của dòng sông Bang”.

Và, tôi như người muốn giữ tất thẩy những xưa cũ đó để ghi chép lại trong hành trang tư liệu ký ức của mình về một trong muôn vàn triệu những bến đò trên dọc các dòng sông ở đất nước.

Làng Bang còn đó, cầu Bang còn đó. Vào những ban mai, sông Bang lại rì rào sóng vỗ chân cầu Bang. Những ký ức vụn như nén lại, chỉ còn một sông Bang vời vợi ánh nhìn từ đỉnh Mằn Sơn huyền thoại bên Hoành Bồ và đỉnh núi Truyền Đăng bên Hạ Long.

Những chuyến đò ngang cho tôi được chạm tay vào dòng chảy. Qua cầu, sông dưới kia, sông xa xa quá. Ơi dòng sông Bang!

Nhiều người kể từ trên cao nhìn xuống vịnh Cửa Lục giống bàn chân người in trên đất. Năm con sông đầu nguồn nhìn như năm ngón tay của bàn tay úp vào dấu chân. Năm con sông đó với tên gọi sông Trới, sông Mằn (còn gọi là sông Đá Trắng), sông Lưỡng Kỳ, sông Bang (còn gọi là sông Diễn Vọng), sông Giáp Khẩu (nay là khu Bãi Muối). Vịnh Cửa Lục, nhiều người chỉ biết đó là một eo biển như một hồ nước lớn, họ vẫn gọi là sông Cửa Lục. Trước đây, sông nước chia cắt thành phố Hạ Long làm đôi, thượng nguồn là rừng núi Hoành Bồ (cũ) đại ngàn, hạ nguồn là vịnh Hạ Long, giao thông qua đây là những chuyến phà với tên phà Bãi Cháy nối thị xã Hòn Gai-Bãi Cháy mà nay gọi là thành phố Hạ Long.